Nguồn tin: Báo Vĩnh Phúc, 19/08/2021
Ngày cập nhật:
24/8/2021
Khác với trình trạng ly nông của nhiều năm về trước, những năm gần đây, ngày càng nhiều người quay trở lại với sản xuất nông nghiệp. Một trong số đó là anh Nguyễn Quốc Tuấn, xã Vân Trục, huyện Lập Thạch (tỉnh Vĩnh Phúc) với mô hình nuôi bò 3B vỗ béo. Bằng suy nghĩ táo bạo cùng cách làm bài bản, anh Tuấn đang góp phần tích cực vào việc thay đổi cách thức sản xuất của bà con địa phương.
Anh Nguyễn Quốc Tuấn, xã Vân Trục đầu tư hơn 4 tỷ đồng phát triển mô hình nuôi bò 3B.
Được sự giới thiệu của UBND xã, chúng tôi có mặt tại trang trại nuôi bò vỗ béo quy mô lớn đầu tiên tại Vân Trục hiện nay. Khác với vẻ dãi dầu sương gió thường thấy ở người nông dân, anh Nguyễn Quốc Tuấn, chủ trang trại là một người khá nhanh nhẹn và có phần trẻ hơn so với cái tuổi 40 của mình. Sinh ra và lớn lên ở một xã miền núi, song nông nghiệp không phải là hướng lập nghiệp ngay từ đầu của anh Tuấn.
Cũng như bao lớp thanh niên làng, anh Tuấn từng mong muốn thoát khỏi cảnh “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”, dành những năm tháng tuổi trẻ theo đuổi nghề xây dựng. Thế nhưng, khi ở vào cái tuổi đủ chín, anh lại lựa chọn trở về với quê hương, trở về với chuồng trại.
Chia sẻ về sự lựa chọn của mình, anh Tuấn cho hay: “Những năm gần đây, khi ngành xây dựng không còn được như trước, tôi đã sớm nghĩ tới việc phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa.
Đặc biệt, ảnh hưởng của dịch bệnh đối với nền kinh tế từ năm 2020 đến nay càng khiến tôi quyết tâm quay về với nông nghiệp.
Để hiện thực hóa ý tưởng, tôi đã dành hẳn một năm để đi tham quan học tập các mô hình chăn nuôi ở khắp các tỉnh thành: Hà Nội, Thái Bình, Hà Nam, Hòa Bình, Quảng Bình...
Sau thời gian tìm hiểu, tôi quyết định lựa chọn con bò 3B. Đây là giống bò rất phàm ăn, có thể tận dụng được phế phẩm nhà nông như: Rơm rạ, cây ngô, cỏ...”. Theo đó, cuối năm 2020, anh chính thức bắt tay vào xây dựng chuồng trại, bắt đầu sự nghiệp chăn nuôi của mình.
Để chủ động nguồn thức ăn cho bò, nhất là với giống bò phàm ăn như bò 3B, ngoài việc tận dụng phế phẩm nông nghiệp của bà con trong và ngoài xã, anh Tuấn đã thuê đất, trồng 3ha cỏ, đồng thời xây dựng 4 kho ủ cỏ với với sức chứa 50 tấn/kho.
Ngoài ra, thay vì nuôi bò bằng chuồng trại láng bê tông, anh Tuấn áp dụng phương pháp nuôi bò trên đệm lót sinh học. Nhờ vậy, không chỉ tiết kiệm được công sức lao động trong việc cọ rửa mà còn xử lý tốt mùi hôi trong chăn nuôi, hạn chế bệnh tật ở bò.
Mặt khác, đệm lót sau khi sử dụng cũng được anh Tuấn tận dụng để làm phân bón cho cỏ. Xa hơn nữa, khi quy mô trang trại được mở rộng, đây hứa hẹn sẽ nguồn phân bón rất tốt cho các vườn thanh long của địa phương.
Từ 25 con ban đầu, chỉ sau vài tháng, anh Tuấn đã mở rộng quy mô chăn nuôi lên 70 con với tổng vốn đầu tư đến nay đã vượt trên 4 tỷ đồng.
Mặc dù phải đến tháng 10 - 11 tới đây, trang trại mới xuất chuồng lứa đầu tiên, song với cách làm như hiện nay, anh Tuấn khá tự tin khi nói về hiệu quả mà mô hình đem lại: “Bò 3B là giống bò thịt cao sản, mặc dù mới nuôi được vài tháng nay song tôi nhận thấy bò phát triển khá tốt.
Như đàn bò lớn tại trại hiện nay có mức tăng trung bình 50kg/con/tháng. Đây mới là mức tăng trong chương trình nuôi khung. Bước sang giai đoạn vỗ béo, mức tăng trưởng sẽ đạt cao hơn. Nếu theo giá thị trường hiện nay, trung bình với một con bò 3B nuôi từ bé đến lớn, sau khi trừ chi phí, sẽ thu về khoảng 2 triệu đồng/con/tháng”.
Từ những tín hiệu tích cực ban đầu, hiện anh Tuấn đang xây dựng thêm chuồng trại, tăng diện tích trồng cỏ để mở rộng quy mô chăn nuôi. Anh Tuấn cho biết thêm: “Ngay sau khi lứa đầu tiên xuất chuồng vào cuối năm nay, tôi sẽ bắt đầu triển khai giai đoạn 2. Trong giai đoạn 2, tôi sẽ tăng quy mô đàn lên 300 con và nuôi thêm bò sinh sản”.
Mặc dù còn khá sớm để khẳng định thành công của mô hình, song tinh thần dám nghĩ dám làm, cùng với cách làm bài bản của anh Tuấn đáng để cho nhiều bạn trẻ học tập.
Anh Đỗ Quang Khiết, Giám đốc HTX dịch vụ tổng hợp xã Vân Trục chia sẻ: “Mô hình chăn nuôi bò 3B của anh Tuấn là mô hình chăn nuôi bò vỗ béo quy mô lớn đầu tiên của Vân Trục, được người dân địa phương đánh giá cao.
Qua thăm nắm, nhiều bà con trong xã cũng muốn học tập cách làm của anh Tuấn. Nếu thành công, thì đây sẽ là đòn bẩy khuyến khích chăn nuôi trên địa bàn xã phát triển theo hướng an toàn sinh học, quy mô lớn”.
Bài, ảnh: Nguyễn Hường
- Kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại đặc sản
- Kỹ thuật trồng trọt cây ăn trái, rau màu và các loại cây lương thực, cây công nghiệp khác
Các tin mới:
Kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.