• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Nuôi thỏ theo hướng liên kết cung ứng, đầu ra luôn ổn định

Nguồn tin: Báo Vĩnh Phúc, 26/08/2021
Ngày cập nhật: 31/8/2021

Trong quá trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện Tam Đảo (tỉnh Vĩnh Phúc) đã xuất hiện nhiều mô hình kinh tế phát triển hiệu quả, không chỉ tạo thu nhập cho gia đình mà còn liên kết giúp đỡ nhiều hộ dân khác cùng phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập. Một trong số đó là mô hình nuôi thỏ Newzealand theo hướng liên kết của anh Nguyễn Mạnh Thắng ở thôn Quang Đạo, xã Yên Dương.

Anh Nguyễn Mạnh Thắng kiểm tra thỏ thương phẩm trước khi xuất bán cho doanh nghiệp liên kết.

Đến thăm trang trại nuôi thỏ của anh Nguyễn Mạnh Thắng, nhìn quy mô chuồng trại rộng lớn, khép kín với hàng nghìn con thỏ lông trắng khiến chúng tôi khâm phục tinh thần “dám nghĩ, dám làm” của anh.

Tốt nghiệp Đại học Nông nghiệp Hà Nội I chuyên ngành thú y, từng làm việc tại một doanh nghiệp chuyên sản xuất thức ăn và chăn nuôi gia công với mức thu nhập ổn định, nhưng với khát vọng làm giàu trên mảnh đất nơi mình sinh ra, anh Nguyễn Mạnh Thắng đã quyết định về quê lập nghiệp.

Trải qua thử nghiệm nuôi lợn và gà đẻ nhưng hiệu quả kinh tế bấp bênh bởi phụ thuộc quá nhiều vào thời tiết, dịch bệnh và giá cả thị trường khiến anh luôn trăn trở tìm hướng đi mới.

Năm 2014, qua tìm hiểu, nhận thấy nuôi thỏ trắng Newzealand hiệu quả kinh tế cao, dễ nuôi, không cần quá nhiều vốn lại có đầu ra ổn định nên anh đã bàn với vợ đầu tư gần 500 triệu xây dựng hệ thống chuồng nuôi bán tự động và nuôi thí điểm hơn 1.000 con thỏ giống.

Thời gian đầu do chưa có kinh nghiệm, thỏ chậm lớn nên anh thường xuyên phối hợp với đơn vị cung ứng giống ở Sơn Tây (Hà Nội) để nhờ hỗ trợ tư vấn kỹ thuật. Ngoài việc vận dụng kiến thức được học ở trường đại học, anh Thắng chăm chỉ nghiên cứu, học hỏi cách chăm thỏ qua tivi và mạng internet, tham khảo các trang trại thỏ ở các tỉnh, thành khác để ứng dụng cho trại thỏ của mình.

Do được chăm sóc cẩn thận, kết hợp khí hậu Tam Đảo dịu mát nên lứa thỏ đầu tiên của anh sinh trưởng, phát triển tốt, sau 3 tháng có thể xuất chuồng với giá bán buôn thời điểm đó là 40 nghìn đồng/kg, phục vụ các quán chuyên đặc sản, nhà hàng trong và ngoài tỉnh, trừ mọi chi phí gia đình anh đã bắt đầu có lãi.

Thành công bước đầu đã tạo động lực để anh Thắng tiếp tục phát triển nghề nuôi thỏ, năm 2015, anh tái đàn nuôi 250 con thỏ cái, gần 50 thỏ đực, duy trì thường xuyên hơn 1.500 con thỏ thương phẩm và hơn 300 con thỏ giống.

Cùng năm đó, nhận thấy nuôi thỏ mang lại hiệu quả cao, anh quyết định thành lập Hợp tác xã (HTX) chăn nuôi Tam Đảo đưa mô hình nuôi thỏ thành trọng điểm để phát triển kinh tế gia đình. Anh tận tình hỗ trợ các thành viên HTX xây dựng chuồng trại, chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm chăn nuôi thỏ.

Hiện, HTX chăn nuôi của anh có 10 thành viên, các trang trại duy trì hơn 20 nghìn con thỏ các loại, trong đó, có hàng trăm thỏ nái đủ điều kiện sinh sản để tự sản xuất, cung cấp giống ra thị trường với số lượng hàng chục nghìn con mỗi năm. Riêng gia đình anh hiện có hơn 4 nghìn con thỏ các loại.

Anh Thắng chia sẻ: "Thỏ Newzealand có khả năng sinh trưởng, phát triển tốt, cân nặng tối đa có thể lên tới 5 – 6kg/con, chất lượng thịt thơm, ngon nên được thị trường ưa chuộng.

Từ năm 2020 đến nay, do có dịch Covid-19, các nhà hàng, quán ăn nhiều lần phải tạm dừng hoạt động dẫn đến giảm lượng tiêu thụ thỏ thịt, khiến HTX bị ảnh hưởng không nhỏ.

Tuy nhiên, lường trước được những khó khăn có thể xảy ra và xác định sản xuất phải gắn với bao tiêu sản phẩm, ngay từ khi thành lập HTX, tôi đã tìm hiểu thị trường và ký hợp đồng liên kết, cung ứng sản phẩm cho Công ty TNHH Nippon Zoki để xuất khẩu thỏ sang Nhật Bản nghiên cứu, chế biến dược phẩm.

Nhờ vậy, mặc dù thị trường ở các quán ăn, nhà hàng thời điểm này không ổn định, nhưng cơ bản vẫn đảm bảo đầu ra cho các thành viên HTX. Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, bởi vậy để hợp tác lâu dài với doanh nghiệp, HTX luôn chú trọng nâng cao chất lượng chăn nuôi.

Trong đó, tôi luôn hướng dẫn các thành viên HTX tuân thủ nghiêm ngặt tất cả các khâu từ ăn uống, vệ sinh chuồng trại và phòng dịch cho thỏ theo đúng tiêu chuẩn kỹ thuật để tạo ra sản phẩm sạch đúng nghĩa. Bên cạnh đó, tôi cũng chủ động đàm phán với doanh nghiệp thương lượng giá cả hợp lý, đảm bảo thu nhập giúp các thành viên và các hộ liên kết yên tâm phát triển mô hình chăn nuôi này".

Dưới sự chèo lái của giám đốc HTX trẻ tuổi, HTX chăn nuôi Tam Đảo duy trì tốt hoạt động sản xuất trong thời điểm dịch bệnh. Ngoài cung ứng thỏ cho doanh nghiệp liên kết, HTX chăn nuôi Tam Đảo của anh Thắng còn là địa chỉ tin cậy cung cấp thỏ giống cho các trang trại, hộ chăn nuôi và cung cấp thịt thỏ an toàn cho các quán ăn, nhà hàng trong và ngoài tỉnh. Doanh thu trung bình của HTX đạt trên 5 tỷ đồng/năm, trung bình mỗi hộ thành viên đạt từ 400 triệu/năm.

Bài, ảnh: Phương Loan

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang