Nguồn tin: Báo Bình Thuận, 02/09/2021
Ngày cập nhật:
4/9/2021
Được đánh giá chất lượng thịt thơm ngon, sạch, giống heo cỏ địa phương nuôi tại các xã miền núi ở Hàm Thuận Bắc (tỉnh Bình Thuận) luôn hút hàng trên thị trường. Tuy nhiên dịch tả heo châu Phi phát sinh trên địa bàn tỉnh vào năm 2019 đã gây thiệt hại nặng nề cho người chăn nuôi. Nhằm hỗ trợ bà con phát triển kinh tế, bảo tồn nguồn giống, Trung tâm Kỹ thuật và Dịch vụ nông nghiệp huyện Hàm Thuận Bắc đã thực hiện mô hình nuôi tái đàn heo cỏ địa phương an toàn dịch bệnh, tại 3 xã Đông Tiến, Đông Giang, La Dạ.
Bà Võ Thị Kim Linh – Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Kỹ thuật và Dịch vụ nông nghiệp huyện Hàm Thuận Bắc cho biết: heo cỏ Bình Thuận là giống bản địa được nuôi từ rất lâu tại địa bàn các xã miền núi của huyện Hàm Thuận Bắc, Tánh Linh. Heo có tầm vóc nhỏ, da mỏng, lông thưa màu đen toàn thân (có con lang trắng 4 chân), mõm dài, xương nhỏ, bụng xệ. Heo con trọng lượng trung bình 0,3 - 0,4 kg, khi trưởng thành từ 30 - 50 kg. Giống này có ưu điểm dễ nuôi, ít công chăm sóc, thích nghi tốt, chất lượng thịt thơm ngon. Tuy nhiên, lâu nay tập quán chăn nuôi của đồng bào thường thả rông, luôn bị dịch bệnh đe dọa, vì vậy đàn heo giảm dần hàng năm. Từ năm 2017 - 2020, Viện Chăn nuôi đã phối hợp với Trung tâm Kỹ thuật và Dịch vụ nông nghiệp huyện thực hiện thí điểm mô hình bảo tồn và lưu giữ nguồn gen heo cỏ Bình Thuận tại hộ gia đình anh Hòa (thôn Dân Hòa, xã Thuận Hòa, Hàm Thuận Bắc), với số lượng đàn 30 con.
Qua nhiều năm thực hiện mô hình cho thấy, các nguồn gen đều giữ được những đặc điểm ngoại hình đặc trưng của giống, các chỉ tiêu kỹ thuật ổn định, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Heo cỏ Bình Thuận cũng đã được Chính phủ đưa vào danh mục giống vật nuôi cần được bảo tồn.
Năm 2020, Trung tâm Kỹ thuật và Dịch vụ nông nghiệp huyện Hàm Thuận Bắc đã phối hợp với UBND các xã Đông Tiến, Đông Giang, La Dạ triển khai mô hình chăn nuôi heo cỏ địa phương an toàn dịch bệnh cho người dân nuôi. Tiếp tục tháng 6/2021, 10 hộ tại 3 xã này đã được nhận tổng số 30 con giống. Ngoài hỗ trợ 100% tiền giống, trị giá 1,5 triệu đồng/con, bà con còn được hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi, tiêm vắc xin phòng bệnh và chi phí 70% tiền thức ăn. Với mục tiêu bảo tồn và phát triển con giống, vì thế tiêu chí chọn hộ chăn nuôi cần có chuồng trại, kinh nghiệm, khả năng tái đàn. Qua chia sẻ của các hộ B Rông Đảm, Lò Thị Hin (thôn 2, xã La Dạ), B Đam Nguyên (thôn 3, xã La Dạ), họ đều cho biết rất mừng vì được hỗ trợ heo con tái đàn. Lại được cán bộ kỹ thuật hướng dẫn thêm quy trình chăn nuôi nên con giống đang phát triển khỏe mạnh. Mặc dù phát triển chậm nhưng bù lại con nuôi dễ ăn uống, nhu cầu con giống trên thị trường đang rất lớn.
Bà Võ Thị Kim Linh thông tin thêm: Các hộ chăn nuôi trong mô hình cũng đã cam kết sau thời gian nuôi sẽ phân phối giống cho người dân trong xã, với mức giá hợp lý để bảo tồn giống heo cỏ địa phương. Từ đó tạo ra sản phẩm đặc trưng, phát triển kinh tế hộ gia đình.
Thùy Linh
- Kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại đặc sản
- Kỹ thuật trồng trọt cây ăn trái, rau màu và các loại cây lương thực, cây công nghiệp khác
Các tin mới:
Kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.