Nguồn tin: Hà Nội Mới, 20/01/2021
Ngày cập nhật:
21/1/2021
Chưa đầy một tháng nữa là đến Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, vẫn có nhiều yếu tố dẫn đến nguy cơ bùng phát dịch bệnh gia súc, gia cầm trên địa bàn Hà Nội. Để bảo đảm nguồn cung thực phẩm cho thị trường, ngành Nông nghiệp Thủ đô khuyến cáo các trang trại cần chủ động, tuân thủ chặt chẽ quy định về tiêm phòng vắc xin, chú trọng chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học...
Cán bộ thú y lấy mẫu kiểm soát dịch bệnh tại chợ gia cầm Hà Vỹ (xã Lê Lợi, huyện Thường Tín).
Tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh
Những ngày này, các hộ chăn nuôi trên địa bàn thành phố Hà Nội đang tập trung bảo vệ đàn vật nuôi để không xảy ra dịch bệnh, bảo đảm nguồn cung thực phẩm cho người tiêu dùng cũng như nguồn thu nhập ổn định vào dịp cuối năm. Tuy nhiên, thời tiết thay đổi, nền nhiệt độ thấp nên nguy cơ xảy ra dịch bệnh rất lớn. Bà Nguyễn Thị Thắm ở xã Tả Thanh Oai (huyện Thanh Trì) cho biết: Vì lo ngại bệnh Dịch tả lợn châu Phi nên trang trại đã ngừng nuôi lợn, chuyển sang nuôi 1.500 con vịt và 500 con gà để cung cấp cho thị trường dịp Tết. Đây là thời điểm giao mùa nên rất dễ xảy ra các loại dịch bệnh trên đàn gia cầm, đặc biệt là cúm gia cầm A/H5N1...
Còn ông Khổng Văn Hưng ở xã Phú Minh (huyện Sóc Sơn) chia sẻ: "Trang trại của gia đình tôi đang nuôi hơn 1.000 lợn thương phẩm chuẩn bị đến kỳ xuất chuồng. Chúng tôi rất lo lắng vì bệnh Dịch tả lợn châu Phi vẫn xảy ra nhỏ lẻ, trong khi chưa có vắc xin phòng bệnh nên nguy cơ tái phát dịch rất cao".
Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Quang - Trưởng phòng Quản lý dịch bệnh (Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội) nhận định: Hiện nay, dịch bệnh gia súc, gia cầm trên địa bàn Hà Nội cơ bản đã được kiểm soát, tuy nhiên, bệnh Dịch tả lợn châu Phi, cúm gia cầm vẫn xảy ra tại các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ. Mặt khác, trên địa bàn thành phố vẫn còn 673 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm thủ công chưa được kiểm soát; các hộ chăn nuôi chưa chú trọng tiêm vắc xin phòng, chống dịch bệnh theo quy định và vẫn mua con giống trôi nổi trên thị trường... Trong khi đó, lượng gia súc, gia cầm đang “đổ vào” thành phố rất lớn (tăng hơn 30% so với trung bình mỗi tháng trong năm), tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây lan dịch bệnh...
Phun thuốc khử trùng tại một cơ sở chăn nuôi gia cầm ở xã Phú Nghĩa (huyện Chương Mỹ). Ảnh: Quỳnh Ngọc
Không được lơ là, chủ quan
Để không xảy ra dịch bệnh gia súc, gia cầm trong dịp cận Tết, ngành Nông nghiệp Thủ đô khuyến cáo: Người chăn nuôi không được chủ quan, lơ là; cần tiêm phòng các loại vắc xin để tạo miễn dịch cho đàn gia súc, gia cầm và chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học.
Thực hiện yêu cầu của các cơ quan chức năng, ông Nguyễn Văn Lâm ở xã Cấn Hữu (huyện Quốc Oai) cho biết, trang trại của gia đình ông đang nuôi 100 lợn nái, 600 lợn thịt và 47.000 con gà đẻ trứng, ngay từ khi tái đàn đã tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin phòng bệnh theo quy định. Thời điểm này, trang trại tiếp tục duy trì vệ sinh, sát khuẩn chuồng trại và tăng cường hệ thống đèn sưởi để bảo vệ đàn vật nuôi khi thời tiết chuyển rét đậm, rét hại.
Còn theo ông Dương Xuân Tĩnh - Trạm trưởng Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Thường Tín, trên địa bàn huyện có chợ Hà Vỹ trung bình mỗi ngày tiêu thụ 40-50 tấn gia cầm và vào những ngày gần Tết Nguyên đán có thể tăng lên 100 tấn gia cầm/ngày. Hiện trạm đã phối hợp với các xã trên địa bàn đẩy mạnh tuyên truyền để người dân nâng cao ý thức phòng, chống dịch bệnh; mặt khác, yêu cầu cán bộ thú y giám sát việc tái đàn, xuất bán ở các hộ chăn nuôi. Riêng chợ gia cầm Hà Vỹ phải kiểm tra nguồn gốc xuất xứ và tổng vệ sinh sau mỗi buổi chợ; đồng thời tăng cường lấy mẫu để phát hiện dịch bệnh, kịp thời có biện pháp phòng, chống.
Để chủ động bảo đảm an toàn cho đàn vật nuôi trước nguy cơ bùng phát dịch bệnh gia súc, gia cầm, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Huy Đăng thông tin: Hà Nội tiếp tục tổ chức tổng vệ sinh, sát trùng nhằm tiêu diệt các loại mầm bệnh trong môi trường, nhất là ở những nơi có mật độ chăn nuôi cao, các điểm tập kết, buôn bán, giết mổ động vật. Đồng thời, thành phố duy trì 6 chốt kiểm dịch động vật liên ngành để kiểm soát việc vận chuyển động vật, sản phẩm động vật, tổ chức ngăn chặn và xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển động vật, sản phẩm động vật trái phép.
"Các địa phương tiêm phòng vắc xin mới, tiêm nhắc lại, tiêm bổ sung cho đàn vật nuôi, bảo đảm tối thiểu trên 80% tổng đàn thuộc diện tiêm phòng được tiêm vắc xin, nhất là đối với bệnh cúm gia cầm, lở mồm long móng, tai xanh... Cùng với đó, người chăn nuôi cần thực hiện tốt các yêu cầu về chuồng trại, con giống, thức ăn, nước uống, chăm sóc, nuôi dưỡng, vệ sinh thú y, xử lý chất thải. Khi tái đàn hoặc nuôi mới, hộ chăn nuôi phải thực hiện nghiêm túc việc kê khai với chính quyền địa phương, để truy xuất nguồn gốc, xuất xứ gia súc, gia cầm...", ông Nguyễn Huy Đăng nhấn mạnh.
Từ những vấn đề nêu trên, có thể nhận định: Thời điểm hiện tại, dịch bệnh gia súc, gia cầm đang tiềm ẩn nguy cơ bùng phát. Do vậy các cơ quan chức năng, các địa phương cũng như người chăn nuôi cần chủ động giải pháp phòng, chống, bảo đảm an toàn cho đàn vật nuôi.
NGỌC QUỲNH
- Kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại đặc sản
- Kỹ thuật trồng trọt cây ăn trái, rau màu và các loại cây lương thực, cây công nghiệp khác
Các tin mới:
Kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.