Nguồn tin: Báo Hậu Giang, 07/09/2021
Ngày cập nhật:
9/9/2021
Vài năm gần đây, mô hình nuôi dê sinh sản hướng thịt đã được nhiều địa phương trong tỉnh Hậu Giang thực hiện. Các dự án được kết hợp triển khai, hỗ trợ vốn ban đầu đã giúp người dân tận dụng diện tích canh tác, nguồn thức ăn sẵn có để tăng thêm nguồn thu cho gia đình.
Mô hình nuôi dê được nhiều nông dân nhân rộng.
Tại thành phố Vị Thanh, dự án nuôi dê do tổ chức Liên Minh Na Uy tài trợ trong giai đoạn 2021-2022 đã được Phòng Kinh tế thành phố phân bổ kinh phí trên 500 triệu đồng cho Trạm Khuyến nông thành phố thực hiện. Dự án sinh kế nuôi dê sinh sản chọn 32 hộ dân trên địa bàn xã Vị Tân thực hiện, kinh phí bao gồm hỗ trợ con giống, tham quan và tổ chức lớp tập huấn. Lớp tập huấn được giảng viên là tiến sĩ Trương Thành Trung, Bộ môn Chăn nuôi - Khoa Nông nghiệp, Trường Đại học Cần Thơ, trực tiếp hướng dẫn.
“Qua tập huấn, nông dân chúng tôi đã hiểu được những vấn đề thường gặp phải như cách xử lý nước, chăm sóc, phòng trị một số loại bệnh trên dê ở các giai đoạn khác nhau; phối giống; chăm dê mang thai, dê sơ sinh, sau cai sữa, hậu bị, dê bị ốm… Đến nay, dê của tôi nuôi đã đẻ được 2 con nhỏ, còn 1 con đang mang thai. Dê dễ nuôi, không tốn tiền mua thức ăn, chỉ cực lúc đi cắt cỏ, hái lá nhưng chỉ 1 lần/ngày. Thức ăn của dê cũng dễ tìm là lá gừa, lá mít, cỏ, lá so đũa… và đặc biệt là rau lang. Thấy nuôi dễ và khỏe vậy nên tôi đã làm chuồng, kiếm mua thêm dê để nhân nuôi”, ông Nguyễn Văn Đặng, ở ấp 7, xã Vị Tân, cho hay.
Theo ông Đỗ Thành Phúc, Phó trưởng Trạm Khuyến nông thành phố Vị Thanh, dự án đã hướng đến hỗ trợ “cần câu” cho các bà con là hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn xã Vị Tân. Mỗi hộ được nhận 2 con dê cái và 1 con dê đực, trị giá trung bình mỗi con 5 triệu đồng, được dự án của tổ chức Liên Minh Na Uy đầu tư ban đầu 100% và mức hỗ trợ cho nông dân 70% con giống, dự án sẽ thu hồi vốn 30% vào 2 năm (cuối năm 2021 thu hồi 15% và cuối năm 2022 thu hồi 15% còn lại). Mô hình giúp nông dân phát triển nghề chăn nuôi dê sinh sản, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, tăng thu nhập, cải thiện đời sống.
Mô hình nuôi dê sinh sản cũng đã được nông dân huyện Châu Thành thực hiện từ 3 năm trước. Tại ấp Đông Mỹ, thị trấn Ngã Sáu, huyện Châu Thành, ông Nguyễn Văn Phước Trung đã thu về hơn trăm triệu đồng mỗi năm. Từ hai con dê giống ban đầu, chỉ trong vòng 3 năm, ông Trung đã nhân giống thành công đàn dê với số lượng lớn.
Ông Trung cho biết, trước khi nuôi dê, ông từng làm vườn, trồng rẫy, nuôi vịt, gà..., nhưng do chưa có kinh nghiệm nên đạt hiệu quả kinh tế không cao. Sau nhiều lần chuyển đổi mô hình làm ăn liên tục thất bại, vốn liếng dành dụm cũng tiêu tan. Ông không nản chí, tiếp tục đi khắp nơi học hỏi các mô hình chăn nuôi thành công. Sau nhiều đêm trăn trở tìm hướng đi mới, ông quyết định chọn dê là vật nuôi tiếp theo vì thấy ít tốn vốn đầu tư, quay vòng nhanh, có thể tận dụng được thời gian lao động nhàn rỗi. Đặc biệt hơn, dê có giá bán khá cao so với các loại vật nuôi khác.
Năm 2018, ông Trung bắt tay vào làm chuồng và khởi nghiệp với 2 con dê giống. Tận dụng nguồn thức ăn sẵn có ở địa phương là thu mua lượng mít dạt và trái mít nhỏ mà các vựa trên địa bàn tuyển bỏ, ông mang về cho dê ăn. Nhờ có nguồn thức ăn phong phú mà chỉ 1 năm sau, ông tiếp tục mua thêm được 2 con dê giống. Chỉ 2 năm sau, sau bao ngày tích cực nhân giống và chăm sóc, đàn dê của ông Trung đã tăng lên 16 con. Trong đó, có 10 con thịt và 6 con để làm giống. Khách có nhu cầu nuôi dê cũng đã biết tiếng và tìm đến ông nên dê giống ông Trung nuôi luôn có đầu ra ổn định. Ông Trung cho biết, dê giống được từ 2-3 tháng tuổi, cân nặng từ 16-25 kg/con là có thể xuất chuồng. Mỗi tháng, ông bán khoảng 10 con dê giống các loại, giá dao động từ 130.000-170.000 đồng/kg. Còn dê thịt có giá từ 90.000-130.000 đồng/kg.
Ngoài việc bán dê giống, dê thịt, ông Trung còn tăng thu từ tiền bán phân dê. Phân dê là loại phế phẩm nông nghiệp có giá trị dinh dưỡng cao, tốt cho cây trồng vì thức ăn là trái mít, nhiều chất xơ, tơi xốp. Vậy nên, phân dê được bà con làm vườn trong khu vực thu mua về bón tại vườn cây ăn trái.
Nhận thấy hiệu quả của mô hình nuôi dê, Phòng Kỹ thuật thuộc Trung tâm Khuyến nông tỉnh cũng đã có kế hoạch triển khai thực hiện mô hình nuôi dê tại huyện Châu Thành. Trước mắt, tận dụng nguồn thức ăn đang có là mít để cho dê ăn. Phó phòng kỹ thuật Trung tâm Khuyến nông và Dịch vụ nông nghiệp tỉnh Phạm Thị Mỹ Dung cho biết: Dự kiến, mô hình sẽ thực hiện tại 2 hộ với 20 con. Mỗi hộ dân tham gia mô hình được hỗ trợ 50% chi phí mua 10 con dê giống, trong đó gồm 9 con dê cái, 1 con dê đực và 50% chi phí mua thức ăn (200kg/hộ). Tổng số tiền hỗ trợ trên 10 triệu đồng/hộ. Trước mắt, đã chọn được 2 hộ đủ điều kiện, sau đó đưa nông dân tham quan, học tập kinh nghiệm mô hình để tin tưởng và mạnh dạn tham gia nuôi dê đạt chất lượng như mong muốn.
Có thể nhận định, bước đầu hiệu quả của mô hình nuôi dê sinh sản nhốt chuồng mang lại là dễ làm, tận dụng được nguồn thức ăn giá rẻ, sẵn có mà còn tạo được nguồn dê con mới. Đây sẽ là cơ sở để các địa phương tiếp tục nhân rộng mô hình trên địa bàn tỉnh, nhất là trong giai đoạn khó khăn vì dịch Covid-19 thì việc tăng gia sản xuất tại gia sẽ giúp nông dân tự cung, tự cấp được nguồn thực phẩm tại chỗ với chi phí thấp, giá cả ổn định.
Bài, ảnh: TRÚC LINH
- Kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại đặc sản
- Kỹ thuật trồng trọt cây ăn trái, rau màu và các loại cây lương thực, cây công nghiệp khác
Các tin mới:
Kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.