Nguồn tin: Báo Cần Thơ, 27/09/2021
Ngày cập nhật:
29/9/2021
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), gần 9 tháng năm 2021, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ NN&PTNT, UBND các tỉnh, thành phố đã quan tâm chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh động vật trên cạn. Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh COVID-19 bùng phát, diễn biến phức tạp đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất, chăn nuôi trên cả nước, nhất là khu vực ÐBSCL. Tập trung nguồn lực tổ chức đồng bộ, quyết liệt các giải pháp phòng, chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm đang được các địa phương nỗ lực thực hiện, phát triển chăn nuôi...
Chăn nuôi gia súc phát triển tại TP Cần Thơ.
Hiện nay, ngành chăn nuôi cả nước cơ bản kiểm soát các loại dịch bệnh động vật trên cạn, tạo thuận lợi cho chăn nuôi phát triển. Ðến thời điểm hiện tại, cả nước có tổng đàn gia cầm hơn 515 triệu con, 26,67 triệu con heo, đàn trâu bò tăng từ 1,4-1,8% so năm 2020; tổng sản lượng thịt hơi xuất chuồng cung cấp thị trường trên 4,5 triệu tấn, sản lượng trứng gia cầm đạt 11,4 tỉ quả, tăng 5% so với cùng kỳ năm 2020. Tuy nhiên, dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm xuất hiện, gây nhiều thiệt hại cho người chăn nuôi. Hơn 8 tháng năm 2021, dịch cúm gia cầm đã xảy ra, làm tiêu hủy 373.043 con gia cầm, tăng 1,3 lần so với cùng kỳ 2020; bệnh dịch tả heo châu Phi xảy ra tại 1.498 xã, phường, thị trấn của 50 tỉnh, thành phố và buộc phải tiêu hủy 93.261 con heo, cao gấp 2 lần so với cùng kỳ năm 2020; dịch bệnh lở mồm long móng cũng xảy ra và buộc phải tiêu hủy 340 con gia súc. Ðặc biệt, năm 2021 dịch bệnh mới viêm da nổi cục xuất hiện trên trâu, bò tại nhiều địa phương, ảnh hưởng nghiêm trọng đến phát triển chăn nuôi…
Hiện 354 ổ dịch trên đàn gia súc, gia cầm tại 33 tỉnh, thành chưa qua 21 ngày. Trong đó, bệnh lở mồm long móng với 3.373 con gia súc, tiêu hủy 340 con. Bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò có 187.970 con đang mắc bệnh, tiêu hủy 24.890 con… Ông Nguyễn Văn Long, Phó cục trưởng Cục Thú y (Bộ NN&PTNT), cho biết: “Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh trên động vật, Bộ NN&PTNT, chi cục thú y các địa phương chủ động nắm bắt tình hình, ban hành các văn bản chỉ đạo, triển khai quyết liệt công tác phòng, chống dịch bệnh; xây dựng các chuỗi, cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh. Qua đó xây dựng 2.301 cơ sở, vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh tại 54 tỉnh, thành; cung ứng 454,3 triệu liều vaccine cúm gia cầm, 32,4 triệu liều vaccine lở mồm long móng; 7 triệu liều vaccine viêm da nổi cục cho các địa phương tiêm phòng dịch...”.
Tại ÐBSCL, dịch bệnh trên gia súc, gia cầm xuất hiện ở nhiều địa phương. Ðiển hình tỉnh Bạc Liêu có tổng đàn heo khoảng 201.000 con; 3.700 con trâu, bò; 11.400 con dê; 3.200.000 con gà, vịt. Gần 9 tháng năm 2021, trên địa bàn tỉnh xảy ra bệnh dịch tả heo châu Phi ở huyện Hồng Dân và huyện Hòa Bình, tổng số heo bị nhiễm bệnh và buộc tiêu hủy là 618 con. Tại tỉnh Kiên Giang, mới đây ngày 5-9-2021 bệnh dịch tả heo châu Phi tái phát trên đàn heo 27 con của 3 hộ chăn nuôi; bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò lần đầu tiên cũng xuất hiện tại huyện Giang Thành, Hòn Ðất, với tổng số 117 con trâu, bò bị nhiễm bệnh. Tại tỉnh Ðồng Tháp xuất hiện 4 ổ dịch tả heo châu Phi, làm chết và đã tiêu hủy 55 con heo; dịch cúm gia cầm xuất hiện và đã tiêu hủy 14.408 con; bệnh viêm da nổi cục xuất hiện trên đàn trâu, bò của 231 hộ chăn nuôi, với số lượng 389 con… gây thiệt hại nặng nề cho người chăn nuôi.
TP Cần Thơ, từ đầu năm 2021 đến nay, chăn nuôi gia súc, gia cầm phát triển với tổng đàn heo là 130.177 con, tăng 14,9% so với cùng kỳ; đàn trâu, bò 4.831 con, đạt 94,9% kế hoạch; đàn gia cầm 1.934.232 con, đạt 99,2% kế hoạch. Gần 9 tháng năm 2021, tổng sản lượng thịt hơi các loại cung cấp thị trường 34.041 tấn, đạt 87,3% kế hoạch, tăng 26% so với cùng kỳ; sản lượng trứng trên 71 triệu quả, đạt 76,5% kế hoạch. Ông Phạm Trường Yên, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT TP Cần Thơ, cho biết: “Sản lượng chăn nuôi của thành phố cung ứng từ 50-70% nhu cầu thị trường, còn lại nhập từ các tỉnh, thành khác để cung ứng đủ cho người tiêu dùng, không để xảy ra tình trạng khan hiếm hay tồn đọng sản phẩm. Từ đầu năm đến nay, dịch bệnh lở mồm long móng trên gia súc, bệnh viêm da nổi cục ở trâu bò, tai xanh ở heo, dịch tả heo châu Phi, cúm gia cầm không xảy ra trên địa bàn thành phố…”.
Trong bối cảnh tình hình dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp, ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất chăn nuôi, Bộ NN&PTNT nhận định, đánh giá và đưa ra một số chỉ tiêu chính từ nay đến cuối năm 2021 và cho cả năm 2021. Trong đó, chỉ tiêu phát triển, tăng trưởng giá trị sản xuất chăn nuôi bình quân năm 2021 đạt 5-6%; sản lượng thịt các loại đạt khoảng 5,8 triệu tấn (thịt heo 3,7 triệu tấn (tăng 6,1%), thịt gia cầm 1,69 triệu tấn (tăng 5,8%), thịt bò 449.000 tấn (tăng 6%); sản lượng trứng đạt khoảng 16 tỉ quả (tăng 7,5%) và sản lượng sữa đạt 1,2 triệu tấn). Căn cứ tình hình sản xuất, nhu cầu tiêu dùng của các vùng, ÐBSCL sẽ thiếu 52.000 tấn sản lượng thịt các loại, trứng gia cầm dư 1,8 tỉ quả, sữa thiếu 268.000 tấn trong năm 2021.
Ông Nguyễn Văn Trọng, Phó cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT), cho biết: “Từ các mục tiêu đó, ngành chăn nuôi xác định mục tiêu phát triển chăn nuôi theo định hướng thị trường, phát huy thế mạnh của từng vùng, từng vật nuôi chủ lực và nâng cao hiệu quả sản xuất, phát triển bền vững. Nhất là tập trung chỉ đạo, hỗ trợ đồng bộ các giải pháp tiếp tục khôi phục, tăng đàn heo, ổn định phát triển đàn gia cầm trong điều kiện có dịch COVID-19 và sau dịch cho các địa phương bị ảnh hưởng. Trong đó quan tâm phát triển mô hình chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn bệnh dịch tại mỗi địa phương, vùng sản xuất…”.
Ðể tránh tình trạng dịch chồng dịch (dịch bệnh trên động vật và dịch bệnh COVID-19), Bộ NN&PTNT khuyến cáo các địa phương, đơn vị cần tập trung các nguồn lực để tổ chức triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh. Tổ chức giám sát, phát hiện sớm, kịp thời cảnh báo và xử lý triệt để các ổ dịch mới phát sinh; giám sát chặt chẽ việc tập kết, buôn bán các sản phẩm từ gia súc, gia cầm; củng cố, kiện toàn đội ngũ cán bộ thú y ở cơ sở, nhằm đảm bảo nguồn lực để triển khai có hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh trên vật nuôi…
Ngành Nông nghiệp TP Cần Thơ cũng xác định những tháng cuối năm tiếp tục cải tiến và nâng cao chất lượng giống vật nuôi, phát triển chăn nuôi công nghiệp, ứng dụng khoa học - công nghệ; hỗ trợ, hướng dẫn xây dựng mô hình chăn nuôi an toàn dịch bệnh, thực hành chăn nuôi tốt (VietGAHP), chăn nuôi an toàn sinh học; hướng dẫn, hỗ trợ cơ sở chăn nuôi áp dụng các tiêu chuẩn, quy chuẩn về an toàn thực phẩm, kiểm soát tốt dịch bệnh động vật nhằm cung cấp đủ nguồn thực phẩm cho người tiêu dùng và phục vụ xuất khẩu.
Mới đây, tai hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác phòng, chống dịch bệnh động vật các tháng cuối năm 2021 và đầu năm 2022, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến chỉ đạo: Thời gian tới, bám sát thực hiện kế hoạch của quốc gia về phòng, chống dịch bệnh, xây dựng kế hoạch, kịch bản đối với các loại dịch bệnh trong chăn nuôi. Kiểm tra, giám sát đầy đủ công tác tiêm vaccine, xây dựng vùng an toàn dịch bệnh. Quan tâm các doanh nghiệp, hợp tác xã trong sản xuất, phân phối lưu thông thị trường và xuất khẩu. Các địa phương thực hiện đảm bảo chăn nuôi an toàn sinh học, kết nối sản phẩm ra thị trường; bám sát mục tiêu chiến lược, duy trì tốc độ chăn nuôi gia súc, gia cầm để kết nối cung - cầu ra thị trường, nhân rộng các mô hình hiệu quả. Tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nhập khẩu vaccine, thuốc điều trị cho động vật và tập trung xử lý “3 tại chỗ”, nhằm đảm bảo sản xuất trong thời kỳ dịch COVID-19 kéo dài…”.
Bài, ảnh: HÀ VĂN
- Kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại đặc sản
- Kỹ thuật trồng trọt cây ăn trái, rau màu và các loại cây lương thực, cây công nghiệp khác
Các tin mới:
Kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.