Nguồn tin: Báo Thái Nguyên, 12/10/2021
Ngày cập nhật:
14/10/2021
Đến nay, thị trấn Quân Chu đã có trên 100 hộ nuôi ong với trên 2.000 đàn. Sản lượng bình quân đạt khoảng 15-20 tấn mật/năm.
Nằm sát dãy Tam Đảo hùng vỹ, thị trấn Quân Chu (Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên) có khí hậu trong lành, mát mẻ, thuận lợi cho nhiều loại hoa trái sinh sôi. Phát huy lợi thế này, những năm gần đây, nhiều hộ dân địa phương đã phát triển mô hình nuôi ong lấy mật, bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế.
Bên dưới tán rừng cùng gần 2ha nhãn, vải, bưởi… là hàng trăm đàn ong mật của gia đình ông Bá Văn Chung, ở tổ dân phố số 5, thị trấn Quân Chu. Gắn bó với nghề nuôi ong lấy mật đã gần 30 năm, ban đầu ông Chung chỉ nuôi hai chục đàn để phục vụ nhu cầu của gia đình. Nhận thấy việc nuôi ong có vốn đầu tư thấp nhưng mang lại giá trị kinh tế cao, ông đã mạnh dạn phát triển lên 150 đàn ong, trở thành một trong những hộ nuôi ong nhiều nhất trong vùng. Trung bình mỗi năm, gia đình ông thu khoảng 1.000 lít mật với giá bán từ 150-170 nghìn đồng/lít, đem lại thu nhập trên 150 triệu đồng/năm.
Chia sẻ kinh nghiệm với chúng tôi, ông Chung cho hay: Muốn nâng cao sản lượng mật, người nuôi ong cần di chuyển đàn đến những vườn cây hay khu vực rừng có nhiều hoa. Chất lượng mật tốt nhất khi ong lấy mật từ cây ăn quả, trong đó, mật ong hoa nhãn có giá trị cao hơn cả (cao hơn các loại mật khác khoảng 50 nghìn đồng/lít).
So với việc nuôi ong lấy mật ở các nơi khác, nghề nuôi ong lấy mật ở thị trấn Quân Chu khá thuận lợi do nằm trong vùng trồng cây ăn quả trọng điểm của huyện Đại Từ, lại giáp ranh với vùng sản xuất cây ăn quả tập trung xã Phúc Thuận (T.X Phổ Yên). Đặc biệt, các loại lá non, hoa rừng tự nhiên ở sườn Đông Tam Đảo cũng góp phần làm nên hương vị thơm ngon riêng có của mật ong nơi đây.
Theo kinh nghiệm của các hộ nuôi ong lâu năm ở địa phương, thông thường, từ tháng 9 Âm lịch, người nuôi sẽ tạo chúa mới, nhân đàn và thực hiện chăm sóc, giữ ấm cho đàn ong cho tới hết mùa đông giá lạnh. Sản lượng mật đạt “đỉnh” vào tháng 2 âm lịch, đó là mùa hoa vải, hoa nhãn, cứ khoảng 10 ngày, người nuôi có thể lấy mật một lần. Từ tháng 3 đến tháng 6 Âm lịch là thời gian thu mật rừng. Trung bình mỗi năm, mỗi đàn ong cho khai thác mật từ 7-8 lần, hộ nào chăm sóc tốt có thể lấy đến 9-10 lần. Mỗi đàn cho thu hoạch từ 10-12 lít mật/năm.
Nhận thấy hiệu quả của việc nuôi ong, từ vài hộ ban đầu, nhiều gia đình đã tìm hiểu kỹ thuật rồi dần dần nhân đàn, mở rộng quy mô nuôi ong lấy mật. Đến nay, toàn thị trấn Quân Chu đã có trên 100 hộ nuôi ong với tổng số trên 2.000 đàn. Sản lượng bình quân đạt khoảng 15-20 tấn mật/năm. Đáng chú ý, phần lớn các hộ đều nuôi giống ong bản địa, được đưa từ rừng của địa phương về để thuần hóa, sau đó nhân đàn. Tuy cho ít mật hơn ong nhập ngoại nhưng giống ong này lại cho chất lượng mật thơm ngon hơn và được người tiêu dùng ưa chuộng. Một số hộ nuôi nhiều ong, cho chất lượng mật có tiếng trong vùng như: Ông Nguyễn Huy Dự, ở tổ dân phố số 2; ông Nguyễn Minh Tuấn, ở tổ dân phố số 6; ông Bùi Anh Tuấn ở tổ dân phố số 4…
Trao đổi với chúng tôi, ông Trịnh Quân Công, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Quân Chu cho biết: Nghề nuôi ong lấy mật đã chứng minh được hiệu quả khi chi phí đầu tư thấp nhưng lại cho thu nhập tương đối ổn định. Thế nhưng, hiện nay, người nuôi ong ở thị trấn Quân Chu vẫn cơ bản chăn nuôi theo kinh nghiệm, với quy mô nhỏ lẻ và chưa có đầu ra ổn định. Do vậy, thời gian tới, cùng với địa phương, chúng tôi rất mong muốn các cấp, ngành, cơ quan chuyên môn của huyện, tỉnh quan tâm, hỗ trợ người dân trong việc hình thành chuỗi liên kết, xây dựng, quảng bá thương hiệu và tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm mật ong của thị trấn Quân Chu. Qua đó, phát huy triệt để tiềm năng, thế mạnh địa phương, góp phần tăng thu nhập cho người dân.
Thu Huyền
- Kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại đặc sản
- Kỹ thuật trồng trọt cây ăn trái, rau màu và các loại cây lương thực, cây công nghiệp khác
Các tin mới:
Kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.