Nguồn tin: Báo Đắk Nông, 28/10/2021
Ngày cập nhật:
31/10/2021
Với nhiều tiềm năng, lợi thế, thời gian qua, Đắk Nông đã khuyến khích đầu tư phát triển chăn nuôi heo. Tỉnh kêu gọi đầu tư sản xuất, chế biến, tiêu thụ các sản phẩm từ heo theo hướng quy mô hàng hóa, chất lượng cao.
Ea Pô (Cư Jút) là một trong những xã dẫn đầu tỉnh về phát triển các trang trại chăn nuôi heo. Chỉ tính tại thôn Nam Tiến đã có 23 trang trại chăn nuôi heo đang hoạt động; 2 trang trại có dự án đang triển khai.
Tổng đàn heo của xã mỗi năm đạt hàng chục ngàn con. Chăn nuôi heo đã trở thành một trong những lĩnh vực phát triển kinh tế mũi nhọn của xã trong nhiều năm qua. Lĩnh vực này còn tạo công ăn, việc làm cho nhiều lao động trên địa bàn...
Một trang trại chăn nuôi heo quy mô lớn tại xã Cư K’nia (Cư Jút)
Theo UBND huyện Cư Jút, thời gian qua, nhiều nhà đầu tư đã đến đầu tư các dự án chăn nuôi heo quy mô lớn trên địa bàn. Tại các xã như Ea Pô, Cư K’nia, Nam Dong... đã hình thành các trang trại chăn nuôi heo tập trung, với công suất lớn.
Cùng với các nhà đầu tư từ nơi khác đến, nhiều người dân trên địa bàn cũng phát triển trang trại, liên kết với các doanh nghiệp để chăn nuôi heo một cách có quy mô, chất lượng cao.
Huyện Cư Jút xác định chăn nuôi heo là lĩnh vực phát triển chủ lực, chú trọng ưu tiên trong kêu gọi đầu tư. Đến nay, huyện đã chuẩn bị tốt các điều kiện để khuyến khích, kêu gọi đầu tư phát triển chăn nuôi heo như: quy hoạch chăn nuôi heo, quỹ đất, phương án bảo vệ môi trường...
Theo Sở Nông nghiệp và PTNT, thời gian qua, ngành chăn nuôi trên địa bàn tỉnh đã được duy trì và phát triển ổn định, đặc biệt là chăn nuôi heo. Các huyện như Đắk Glong, Đắk R’lấp, Cư Jút… có tốc độ phát triển trang trại chăn nuôi heo khá nhanh. Phương thức chăn nuôi dần chuyển dịch từ nhỏ lẻ sang quy mô trang trại, tập trung.
Những năm gần đây, quy mô đàn heo của tỉnh có xu hướng tăng nhanh, hiện đạt gần 360.000 con. Trên địa bàn tỉnh đang dần hình thành các chuỗi liên kết trong chăn nuôi heo.
Hiện có 58 hộ dân đang liên kết với Công ty Cổ phần Chăn nuôi CP Việt Nam (Ðồng Nai) nuôi tổng cộng trên 94.000 con heo/lứa. Có 24 hộ dân khác cũng liên kết với Công ty CJ Vina Agri (Long An) và Công ty TNHH Japfa Comfeed Việt Nam nuôi trên 73.000 con heo/lứa... Các mô hình liên kết chăn nuôi heo đều tạo ra sản phẩm ổn định, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Trong chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2045, Đắk Nông xác định, chăn nuôi giữ vai trò quan trọng trong ngành Nông nghiệp và là nguồn cung cấp thực phẩm thiết yếu cho người dân.
Do đó, ngành Nông nghiệp sẽ đẩy mạnh phát triển các mô hình hợp tác xã, các chuỗi liên kết trong chăn nuôi để bảo đảm đầu ra ổn định. Mục tiêu là đến năm 2030, đàn heo của tỉnh đạt con số 1 triệu con.
Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Phạm Tuấn Anh, do có nhiều lợi thế, nên Đắk Nông được nhiều nhà đầu tư tìm đến để liên kết chăn nuôi heo quy mô lớn.
Tỉnh có diện tích đất nông nghiệp lớn nhưng mật độ chăn nuôi còn thấp. Giá đất nông nghiệp thấp hơn so với các khu vực lân cận, nên có lợi thế trong kêu gọi, thu hút đầu tư chăn nuôi heo.
Đắk R’lấp là một trong những địa bàn được đầu tư nhiều dự án trang trại nuôi heo quy mô lớn
Tuy nhiên, trên địa bàn tỉnh hiện chưa có nhà máy chế biến thức ăn gia súc. Việc tiếp cận nguồn giống heo chất lượng cũng gặp nhiều khó khăn (do chưa có nhiều trang trại chăn nuôi heo giống). Ngoài ra, trên địa bàn chưa có doanh nghiệp thu gom, xử lý chất thải cho người chăn nuôi.
Do đó, tỉnh đang định hướng kêu gọi các nhà đầu tư vào xây dựng các dự án như: nhà máy chế biến thức ăn gia súc, gia cầm; trang trại chăn nuôi heo giống; nhà máy chế biến phân bón hữu cơ từ chất thải chăn nuôi…
Cũng theo ông Phạm Tuấn Anh, Đắk Nông hiện có nhiều vị trí thuận lợi để có thể xây dựng các nhà máy nêu trên. Nếu các dự án này được xây dựng, ngành chăn nuôi nói chung, nuôi heo nói riêng sẽ tận dụng được thêm các lợi thế sẵn có.
Bên cạnh đó, ngành chăn nuôi sẽ tận dụng được nguồn nguyên liệu lớn từ nhóm lương thực, thực phẩm tại chỗ, góp phần thúc đất phát triển nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn.
Thanh Hà
- Kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại đặc sản
- Kỹ thuật trồng trọt cây ăn trái, rau màu và các loại cây lương thực, cây công nghiệp khác
Các tin mới:
Kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.