Nguồn tin: Lao Động, 09/11/2021
Ngày cập nhật:
13/11/2021
Từ đầu năm 2021 đến nay, người chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Ninh Bình phải đối mặt với những khó khăn do dịch tả lợn Châu Phi, dịch cúm gia cầm H5N1. Mới đây, lần đầu tiên tại Ninh Bình đã xuất hiện ổ dịch liên quan đến chủng virus cúm gia cầm A/H5N8 khiến nhiều hộ chăn nuôi phải điêu đứng.
Sau một thời gian được khống chế, từ tháng 4.2021 đến nay, dịch tả lợn Châu Phi trên địa bàn tỉnh Ninh Bình đã bùng phát trở lại. Dịch đã bùng phát tại 8/8 huyện, thành phố của tỉnh Ninh Bình với gần 500 hộ chăn nuôi bị ảnh hưởng, tổng số lợn phải tiêu hủy lên đến hàng ngàn con.
Tiêu hủy lợn chết do dịch tả lợn Châu Phi. Ảnh: NT
Anh Nguyễn Văn Trình (chủ trang trại nuôi lợn tại huyện Nho Quan, Ninh Bình) cho biết: Năm 2018, gia đình anh đi vay số tiền hơn 1 tỉ đồng để đầu tư trang trại nuôi lợn với quy mô từ 1.000 đến 1.200 con mỗi lứa. Đến năm 2019, gia đình anh cho thả lứa đầu tiên mới được hơn 2 tháng thì dịch tả lợn Châu Phi bùng phát, gần 1.000 con lợn của gia đình anh mắc bệnh và phải tiêu hủy.
Sau một thời gian dịch được khống chế, cộng với số tiền hỗ trợ của Nhà nước cho các hộ chăn nuôi có lợn mắc bệnh phải tiêu hủy. Đầu năm 2021, gia đình anh tiếp tục đầu tư thả lứa mới. Tuy nhiên, sau dịch bệnh giá lợn giống tăng cao, trong khi đó chi phí chăn nuôi lớn nên cũng không được lãi là bao. Năm 2021, gia đình anh tiếp tục đầu tư thả lứa mới, tuy nhiên dịch tả lợn Châu Phi lại bùng phát trở lại khiến đàn lợn của gia đình anh mắc bệnh và phải tiêu hủy.
Sau 2 lần phải tiêu hủy lợn khiến kinh tế gia đình anh lâm vào cảnh kiệt quệ, nợ nần chồng chất, toàn bộ trang trại bỏ không suốt nhiều tháng nay vì không dám đầu tư chăn nuôi tiếp.
"Trang trại của gia đình tôi nằm biệt lập với khu dân cư, mọi người ra vào đều hạn chế, những công nhân làm việc thì ở tại trang trại và khi ra vào chuồng trại đều được sát trùng nhưng không hiểu sao lợn vẫn mắc bệnh" - anh Trình than thở.
Gần 1.700 con vịt của gia đình anh Trần Văn Quyền phải tiêu hủy do nhiễm virus cúm A/H5N8. Ảnh: NT
Không chỉ những hộ chăn nuôi lợn, những hộ chăn nuôi gà, vịt cũng lâm cảnh tương tự khi phải đối mặt với dịch cúm gia cầm. Đặc biệt, mới đây là dịch cúm gia cầm với chủng chủng virus cúm gia cầm A/H5N8, lần đầu tiên xuất hiện tại Ninh Bình.
Anh Trần Văn Quyền (xã Xuân Chính, huyện Kim Sơn, Ninh Bình) đầu tư nuôi gần 1.700 con vịt chỉ còn 2 tuần nữa là đến kỳ xuất bán thì bỗng nhiên lăn đùng ra chết.
Ban đầu chỉ chết lác đác mỗi ngày vài ba con nhưng chỉ 3 ngày sau số vịt chết lên đến cả trăm con mỗi ngày, ngay khi xuất hiện tình trạng vịt chết. Nhận thấy đàn vịt ốm có những biểu hiện triệu chứng của bệnh cúm gia cầm, gia đinh anh đã thông báo với chính quyền địa phương để phối hợp khoanh vùng xử lý.
Đến ngày 19.10, gia đình anh nhận được thông báo mẫu xét của Trung tâm Chẩn đoán Thú y Trung ương đàn vịt của gia đình anh dương tính với virus cúm gia cầm chủng A/H5N8 và phải tiêu hủy cả đàn vịt gần 1.700 con.
"Trong quá trình chăn nuôi gia đình tôi đã 3 lần tiêm phòng cho đàn vịt nhưng không hiểu sao vẫn mắc bệnh, vậy là toàn bộ số tiền gần 300 triệu đồng đầu tư chuồng trại, thức ăn và con giống bị mất trắng" - anh Quyền cho biết.
Sau gần 1 tháng phải tiêu hủy đàn vịt gần 1.700 con, anh Trần Văn Quyền đang tập trung vệ sinh lại chuồng trại để nuôi lứa mới. Ảnh: NT
Trao đổi với PV Lao Động, ông Nguyễn Tiến Mạnh, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở NN&PTNT tỉnh Ninh Bình) cho biết: Nguyên nhân dẫn đến tình trạng dịch bệnh tái phát, lây lan là do các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ tái đàn, con giống yếu được mua từ các chợ, điểm buôn bán hoặc thương lái, không rõ nguồn gốc. Các ổ dịch chủ yếu tái phát xảy ra tại các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, không đảm bảo điều kiện và không áp dụng triệt để các biện pháp an toàn sinh học.
Khi lợn, gia cầm có biểu hiện mắc bệnh, nghi mắc bệnh, người dân không báo để lấy mẫu xét nghiệm mà ngay lập tức bán chạy làm lây lan dịch bệnh. Đặc biệt, là sự lơ là, chủ quan của các hộ chăn nuôi trong phòng chống dịch.
DIỆU ANH
- Kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại đặc sản
- Kỹ thuật trồng trọt cây ăn trái, rau màu và các loại cây lương thực, cây công nghiệp khác
Các tin mới:
Kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.