• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Quyết chí làm giàu từ mô hình nuôi dê thâm canh

Nguồn tin: Báo Quảng Trị, 27/01/2021
Ngày cập nhật: 29/1/2021

Hưởng ứng phong trào nông dân thi đua sản xuất-kinh doanh giỏi, phát huy lợi thế vùng gò đồi, những năm qua, nhiều nông dân ở huyện Cam Lộ (tỉnh Quảng Trị) đã tập trung khai thác tiềm năng đất đai, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, lấy chăn nuôi làm khâu đột phá trong cung cách làm ăn của mình để nâng cao thu nhập. Trong đó, mô hình chăn nuôi dê thâm canh có quy mô lớn của anh Lê Văn Chương, một nông dân còn rất trẻ ở thôn Mai Lộc 2, xã Cam Chính là một trong những điển hình với thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Anh Lê Văn Chương (người đứng ngoài) đang giới thiệu cho khách tham quan mô hình nuôi dê của mình - Ảnh: A.V

Nhìn cơ ngơi chuồng trại và đàn dê cả trăm con như bây giờ, anh Chương vẫn nghĩ nếu bắt tay làm lại từ đầu chưa chắc có thể làm được. Bởi có được trang trại nuôi dê quy mô, bài bản như thế này không biết anh đã vượt qua bao nhiêu khó khăn và đầu tư nhiều công sức, vốn liếng. Là một nông dân còn rất trẻ, năm 2016, anh Chương bắt đầu khởi nghiệp bằng mô hình nuôi dê với số vốn vỏn vẹn gần 15 triệu đồng. Với quyết chí làm giàu ngay trên quê hương, từ số vốn ít ỏi ban đầu, anh Chương mua được 5 con dê giống về nuôi. Vừa nuôi, vừa tích lũy vốn, kinh nghiệm, cộng thêm sự giúp sức của hội nông dân, dần dần anh gây dựng được đàn dê vài chục con, rồi đến cả trăm con. “Những năm trước tôi chỉ nuôi với quy mô vài chục con nhưng 2 năm trở lại đây thấy nhu cầu tiêu thụ thịt dê nhiều, giá cả cũng ổn định nên tôi quyết định mở rộng quy mô chuồng trại để phát triển số lượng cả dê thịt lẫn dê sinh sản. Hiện tại cả 2 chuồng có diện tích gần 200 m2 , tổng đàn luôn duy trì ổn định trên 100 con”, anh Chương cho biết.

Hiện nay, mô hình nuôi dê của anh Chương có quy mô lớn và bài bản nhất ở huyện Cam Lộ. Không như phần lớn những gia đình khác nuôi theo phương thức bán chăn thả, anh Chương nuôi dê nhốt hoàn toàn. Chuồng trại được làm công phu, sạch sẽ, đảm bảo ấm về mùa đông, thoáng mát về mùa hè. Hiện tại anh Chương nuôi 20 con dê sinh sản, còn lại là dê thịt. Thời điểm nhu cầu tiêu thụ tăng cao, anh còn mua dê gầy yếu của các hộ chăn nuôi trong vùng về nuôi vỗ béo để bán ra thị trường. Anh cho biết, với đặc điểm là vùng gò đồi thuận lợi trong phát triển chăn nuôi dê, nhất là nguồn thức ăn phong phú nên nuôi dê nhốt chuồng hiệu quả kinh tế cao hơn so với nhiều loại vật nuôi khác.

Ngoài việc tận dụng các loại lá trên rừng, lá mít, lá xoan trong vườn nhà dân, anh còn trồng thêm cỏ để đảm bảo cung cấp nguồn thức ăn cho dê. Dê là động vật có sức đề kháng cao nên rất ít khi bị bệnh, quan trọng là vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, tiêm phòng đầy đủ; thời gian sinh trưởng và phát triển nhanh. Dê từ khi sinh đến 4 tháng là có thể xuất bán. Đặc biệt thị trường đầu ra rất ổn định, trung bình mỗi ki lô gam có giá từ 140.000 đồng - 150.000 đồng. Hiện tại thị trường tiêu thụ của anh ra đến các tỉnh phía Bắc, vào đến Đà Nẵng, dê không đủ để bán. Từ mô hình này mỗi năm trừ các khoản chi phí anh Chương có thu nhập trên 200 triệu đồng.

Chủ tịch Hội Nông dân huyện Cam Lộ Trần Vũ Minh cho biết: “Hiện nay mô hình nuôi dê trong hội viên nông dân phát triển mạnh, nhất là ở vùng gò đồi như Cùa, Tân Lâm. Trong đó, mô hình của anh Lê Văn Chương được nuôi với quy mô lớn, áp dụng khoa học kỹ thuật vào quá trình chăm sóc, phòng bệnh bài bản nên hiệu quả kinh tế mang lại cao. Chúng tôi xem đây là mô hình tiêu biểu để chỉ đạo hội nông dân các xã có lợi thế phát triển chăn nuôi dê tổ chức cho hội viên đến tham quan, học tập”.

Cùng với việc phát triển kinh tế gia đình, anh Lê Văn Chương cũng thường xuyên chia sẻ kinh nghiệm, kỹ thuật chăn nuôi, trao đổi con giống cho nhiều hộ nông dân khác. Anh cho biết thời gian tới sẽ tiếp tục mở rộng quy mô, thuê đất trồng cỏ với diện tích lớn, đầu tư lò giết mổ để cung ứng thịt dê ra thị trường, tạo chuỗi sản xuất từ đầu vào đến đầu ra sản phẩm nhằm nâng cao thu nhập, tạo việc làm cho người lao động ở địa phương.

Anh Vũ

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang