Nguồn tin: Báo Bình Phước, 27/01/2021
Ngày cập nhật:
30/1/2021
Xây dựng cơ sở tiến tới vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh trên gia cầm tại huyện Đồng Phú (tỉnh Bình Phước) giúp người chăn nuôi nâng cao ý thức và có những kiến thức cơ bản trong chăn nuôi; đáp ứng các yêu cầu về an toàn dịch bệnh, an toàn vệ sinh thực phẩm. Qua đó góp phần phát triển chăn nuôi bền vững, nâng cao giá trị sản phẩm, cung cấp sản phẩm an toàn phục vụ người tiêu dùng trong nước và đủ điều kiện xuất khẩu.
Những năm gần đây, chăn nuôi gia cầm trên địa bàn huyện Đồng Phú phát triển ổn định. Từ chăn nuôi nhỏ lẻ chỉ cung cấp thực phẩm cho người tiêu dùng tại địa phương, huyện đã khuyến khích phát triển trang trại tạo sản lượng hàng hóa lớn tiêu thụ trong và ngoài tỉnh. Toàn huyện hiện có 2.586.091 con gia cầm, trong đó 14 trang trại với 2.437.790 con. Hằng năm, huyện Đồng Phú đã ban hành nhiều kế hoạch triển khai phòng, chống dịch bệnh trên động vật, tổ chức vệ sinh tiêu độc, khử trùng, tiêm phòng cho gia súc, gia cầm định kỳ, phê duyệt quy hoạch chăn nuôi, cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung...
Gia đình ông Lục Văn Tính ở ấp Đồng Chắc, xã Tân Hòa nuôi gà ta thả vườn
Hằng năm, UBND huyện chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện và UBND các xã, thị trấn rà soát, thống kê đàn gia súc, gia cầm nhằm quản lý chăn nuôi và đăng ký vắc-xin phù hợp. Đối với hộ chăn nuôi nhỏ lẻ thì tiêm vắc-xin phòng bệnh cúm gia cầm H5N1 và bệnh newcastle miễn phí 2 đợt/năm. Đối với cơ sở chăn nuôi gia cầm giống, gia cầm lấy trứng thương phẩm, gia cầm nuôi thịt với thời gian nuôi trên 45 ngày thì tiêm phòng bệnh cúm gia cầm H5N1 và các cơ sở chăn nuôi gà, chim cút tiêm phòng bệnh newcastle. Năm 2020, huyện Đồng Phú đã thực hiện 2 đợt tiêm phòng bệnh cúm gia cầm H5N1, newcastle cho 183.251 con gà, đạt 88,6%, 8.467 con vịt, đạt 97,2%.
Khi dịch bệnh xảy ra, huyện đã xây dựng các chốt kiểm dịch động vật nhằm kiểm soát kịp thời việc xuất, nhập động vật. Lực lượng tham gia là cộng tác viên thú y, công an và dân quân tự vệ xã; xử lý ổ dịch theo phương châm tại chỗ như: địa điểm tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ... Hằng năm, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện tổ chức 3 đợt tổng vệ sinh, tiêu độc, khử trùng môi trường chăn nuôi, hạn chế tối đa sự phát triển và lây lan của mầm bệnh; vận động chuyển từ chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán sang chăn nuôi trang trại tập trung, công nghiệp, áp dụng các biện pháp an toàn sinh học... Gia đình chị Đặng Thị Bé ở ấp Cầu Hai, xã Đồng Tiến chuyên nuôi gà ta thả vườn. Vừa qua, chị đã đầu tư xây dựng chuồng trại và sử dụng công nghệ đệm lót sinh thái Balasa trong chăn nuôi gà. Công nghệ này giúp nâng cao năng suất, giảm các bệnh thường gặp và tiết kiệm công lao động. Chị Bé cho biết: Mình nuôi lâu dài nên phải tìm hiểu phương pháp bảo vệ môi trường. Đây là công nghệ chăn nuôi an toàn không chỉ bảo đảm sức khỏe gia đình mà còn giữ gìn vệ sinh môi trường xung quanh.
Còn gia đình anh Đỗ Đức Tuấn, ngụ ấp 2, xã Tân Lập nuôi gà tre thương phẩm. Từ 2.000 con gà tre nuôi trong vườn cao su, sau 4 tháng chăm sóc, anh xuất bán và thu lãi gần 100 triệu đồng. Anh Tuấn cho biết: Trước khi đưa gà về úm thì chuồng nuôi và dụng cụ chăn nuôi phải được khử trùng trước từ 5-7 ngày và chuẩn bị đầy đủ thức ăn, thuốc thú y cần thiết. Chuồng nuôi bảo đảm thoáng mát vào mùa hè, ấm vào mùa đông, không bị gió lùa, nền chuồng cao ráo, sạch sẽ... 2 tháng đầu thực hiện nghiêm quy trình tiêm vắc-xin phòng trị bệnh nên gà phát triển tốt.
Trên địa bàn huyện có Trạm kiểm dịch động vật tại xã Tân Lập để kiểm tra, kiểm soát việc vận chuyển động vật, sản phẩm động vật ra vào địa bàn tỉnh. Tại đây, cán bộ trực 24/24 giờ, thực hiện phun khử trùng tất cả phương tiện vận chuyển động vật, sản phẩm động vật và phương tiện vận chuyển từ các tỉnh, thành phố khác. Huyện còn quản lý 3 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tại 2 xã Tân Tiến và Đồng Tiến; công tác kiểm soát giết mổ thực hiện nghiêm túc, không còn tình trạng giết mổ lậu. Hằng năm, UBND huyện thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra hoạt động giết mổ, buôn bán sản phẩm động vật, vệ sinh thú y. Huyện còn cấp chứng chỉ hành nghề, chứng nhận điều kiện kinh doanh cho 9 cơ sở kinh doanh thuốc thú y, 35 cơ sở kinh doanh thức ăn chăn nuôi.
Phó giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Đồng Phú Hoàng Văn Lộc cho biết: Việc xây dựng cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh sẽ đem lại nhiều lợi ích, ưu thế cho người chăn nuôi và cộng đồng. Tuy nhiên, để xây dựng cơ sở, tiến tới xây dựng vùng an toàn dịch bệnh cần sự chung tay của cả trang trại chăn nuôi và hộ chăn nuôi nhỏ lẻ về ý thức chấp hành nghiêm các kế hoạch liên quan đến an toàn dịch bệnh và quy định về chăn nuôi thú y.
Khắc Bảy
- Kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại đặc sản
- Kỹ thuật trồng trọt cây ăn trái, rau màu và các loại cây lương thực, cây công nghiệp khác
Các tin mới:
Kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.