Nguồn tin: Báo Bình Phước, 02/12/2021
Ngày cập nhật:
6/12/2021
Nuôi chim bồ câu thương phẩm không phải là mô hình mới, bởi những năm trước, mô hình này đã được nhiều người lựa chọn và xem đây là hướng đi chủ lực để phát triển kinh tế gia đình. Tuy nhiên, do thị trường đầu ra bấp bênh, lợi nhuận không quá cao, theo thời gian không ít người đã bỏ cuộc giữa chừng để tìm hướng đi mới. Thế nhưng ở ấp Suối Binh, xã Đồng Tiến, huyện Đồng Phú (tỉnh Bình Phước), mô hình nuôi chim bồ câu Pháp và bồ câu Titan Thái của thanh niên Lý Văn Huân (SN 1992, dân tộc Nùng) lại đang mang lại hiệu quả với thu nhập ổn định trên 10 triệu đồng/tháng.
Sau khi xuất ngũ trở về địa phương năm 2013, phải mất gần 4 năm sau anh Lý Văn Huân mới tìm ra được hướng phát triển kinh tế phù hợp với điều kiện, đó là nuôi chim bồ câu thương phẩm. Anh Huân cho biết, thời đó, thấy một số mô hình nuôi chim bồ câu Pháp cho hiệu quả, anh cũng bỏ ra hơn 3 triệu đồng mua 10 cặp giống về nuôi thử. Sau một thời gian thấy bồ câu phát triển tốt, đẻ nhanh, ít bệnh, cùng với đó là chim nuôi nhốt, không tốn nhiều công chăm sóc, có thể vừa nuôi vừa tranh thủ làm rẫy nên anh quyết định mở rộng mô hình.
Anh Lý Văn Huân (bìa trái) giới thiệu về mô hình nuôi chim bồ câu của mình
Anh Huân chia sẻ, ngày đầu cũng gặp nhiều khó khăn do chưa có kinh nghiệm, đầu ra sản phẩm chưa ổn định khiến anh đã có lúc nản lòng. Anh tự động viên bản thân “có chí thì nên” rồi kiên trì với con đường mình đã chọn. Tích cực học hỏi, tích lũy kinh nghiệm, mô hình của anh dần ổn định. Để chim phát triển tốt, điều quan trọng là phải có chuồng trại phù hợp. Chuồng nuôi phải khô ráo, thoáng mát, tránh phiền nhiễu từ mèo, chuột… đặc biệt chú trọng đến khâu phòng bệnh. Giống bồ câu Pháp có khả năng sinh sản rất đều và cao. Mỗi con bồ câu mái sau 4-5 tháng tuổi bắt đầu đẻ lứa đầu, mỗi lứa đẻ 2 trứng. Sau 10-15 ngày, chim mái sẽ sinh sản lứa tiếp theo; trung bình mỗi cặp chim giống đẻ từ 8-10 lứa/năm.
Với kinh nghiệm tích lũy từ nuôi chim bồ câu Pháp, cuối năm 2018, qua nắm bắt thông tin trên mạng xã hội, anh Huân nhận thấy ngày càng có nhiều người nuôi chim bồ câu Titan Thái vì được thị trường ưa chuộng, giá bán cao hơn bồ câu Pháp. Từ đó anh chuyển sang nuôi kết hợp cả 2 loại để bù trừ cho nhau. Đến thời điểm này, mô hình của anh có trên 400 cặp bồ câu Pháp và 300 cặp bồ câu Titan Thái. Theo anh Huân, dù nuôi với số lượng lớn nhưng chuồng trại chỉ khoảng hơn 100m2. Nước uống cho chim cũng được “tự động hóa”, mỗi ngày cho chim ăn 2 lần; 1 tháng vệ sinh chuồng trại 1 lần, thời gian còn lại anh có thể làm nhiều việc khác. Khâu quan trọng nhất trong quá trình nuôi là đầu tư 1 máy ấp trứng và theo dõi kỹ thời gian đẻ trứng của từng cặp.
Anh VƯƠNG NGỌC TOẠI, Bí thư Huyện đoàn Đồng Phú: Mô hình nuôi chim bồ câu của đoàn viên Lý Văn Huân tuy không mới nhưng cách làm của bạn đang truyền cảm hứng cho những bạn trẻ thêm ý chí, quyết tâm lập nghiệp trên chính quê hương mình. Để đồng hành với thanh niên khởi nghiệp, thời gian qua, các cấp bộ đoàn huyện Đồng Phú đã có nhiều hoạt động hỗ trợ như cho vay vốn ưu đãi, tập huấn, trang bị các kiến thức về khoa học, kỹ thuật để đoàn viên, thanh niên mạnh dạn phát triển kinh tế.
Nói về điểm mạnh của việc ấp trứng bằng máy, anh Huân cho hay: “Thông thường, cứ 100 quả trứng mang đi ấp sẽ nở khoảng 90 quả. Trường hợp ấp tự nhiên chỉ đạt 70-80 quả”. Sau khi đưa con từ máy ấp ra cho chim mẹ nuôi, mất khoảng 20-25 ngày thì chim con bắt đầu ra ràng, lúc này có thể xuất bán. Trung bình mỗi cặp anh bán với giá từ 50-60 ngàn đồng, đầu ra là các quán ăn, nhà hàng, tiệc cưới trên địa bàn xã và TP. Đồng Xoài. Tính ra mỗi tháng anh bán được khoảng 300 cặp, thu lãi trên 10 triệu trồng.
Với bản chất cần cù, chất phác của người con dân tộc Nùng cùng tinh thần ham học hỏi, áp dụng tốt công nghệ thông tin, Lý Văn Huân đang từng bước khẳng định được bản thân trong làm kinh tế. Đây là mô hình chăn nuôi hiệu quả cần được nhân rộng trong thanh niên, nhất là thanh niên ở các vùng nông thôn, những người có sức trẻ, sự nhiệt huyết nhưng đôi khi thiếu sự định hướng với những hướng đi phù hợp.
Minh Hiền
- Kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại đặc sản
- Kỹ thuật trồng trọt cây ăn trái, rau màu và các loại cây lương thực, cây công nghiệp khác
Các tin mới:
Kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.