Nguồn tin: Báo Vĩnh Phúc, 01/02/2021
Ngày cập nhật:
4/2/2021
Càng đến gần Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, các hộ chăn nuôi con đặc sản trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc như: Ba ba, gà Tiên Yên, lợn mán, hươu, dê… lại càng chú ý quan tâm, chăm sóc cho đàn vật nuôi, bởi những con nuôi này hầu hết có đầu mối tiêu thụ và có giá trị kinh tế cao.
Gia đình anh Dư Văn Hai ở thôn Bản Long, xã Minh Quang (Tam Đảo) hiện đang nuôi hơn 3.000 con gà Tiên Yên phục vụ thị trường Tết Nguyên đán 2021.
Nắm bắt được thói quen tiêu dùng cũng như thờ cúng của người dân là cúng gà vào mỗi dịp lễ, Tết, tận dụng tiềm năng và lợi thế về đất đai, địa hình đồi núi, anh Dư Văn Hai ở thôn Bản Long, xã Minh Quang (Tam Đảo) đã mạnh dạn đầu tư phát triển trang trại nuôi con đặc sản. Trong đó, chủ yếu là các giống gà ta, gà Đông Tảo và đặc biệt là gà Tiên Yên.
Với diện tích chăn nuôi lên tới hơn 3ha, anh Hai thả nuôi bán tự nhiên để gà có thể tự do vận động.
Ngoài ra, gà được phòng bệnh, nâng cao sức đề kháng bằng vitamin và thuốc bổ, do vậy những lứa gà của gia đình anh luôn được thị trường đón nhận.
Hiện, trong khu vực trang trại của gia đình, anh Hai thả nuôi 500 con gà Đông Tảo, gần 2.000 con gà ta và hơn 3.000 con gà Tiên Yên.
Theo tính toán, với giá bán từ 80.000/kg gà Tiên Yên và từ 60 – 65.000/kg gà ta, dịp Tết Nguyên đán năm nay, gia đình anh Hai sẽ thu lãi gần 100 triệu đồng từ cung cấp gà thịt cho thị trường.
Chia sẻ với chúng tôi, anh Hai cho biết: “Giống gà Tiên Yên vốn có ngoại hình đẹp, cân nặng vừa phải nên rất được người tiêu dùng ưa chuộng để làm gà cúng cũng như quà biếu trong các dịp trước và sau Tết Nguyên đán.
Ngoài ra, với giá tiền không quá cao, cùng một thời gian nuôi, nhưng do được thường xuyên vận động nên gà khi ăn có vị thơm, chắc thịt.”
Nhận thấy đây là những con nuôi đặc sản có giá trị kinh tế cao, anh Hai luôn tính toán để có sản phẩm bán quanh năm, không chỉ phục vụ người tiêu dùng dịp Tết cổ truyền của dân tộc mà còn xuất bán cho các nhà hàng trên địa bàn huyện.
Đời sống người dân khấm khá dần lên cũng là lúc họ tìm về những sản phẩm sạch ở nông thôn, miền núi.
Nắm bắt được nhu cầu này, gia đình chị Nguyễn Thị Tuyết ở Tổ dân phố Trại Ngoài, thị trấn Đạo Đức (Bình Xuyên) đã đầu tư nuôi dê, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Với diện tích chuồng trại chăn nuôi lên tới 500m2, gia đình chị Tuyết hiện đang nuôi gần 500 con dê.
Chia sẻ với chúng tôi, chị cho biết: “Ngoài những thực phẩm thông thường như thịt gà, cá, thịt lợn… thịt dê cũng là thực phẩm được người tiêu dùng ưa chuộng, phần vì dễ chế biến, lại giàu dinh dưỡng nên bán rất chạy vào dịp lễ, Tết.
Để có chất lượng thịt thơm ngon, ngoài các thức ăn chủ yếu là phụ phẩm nông nghiệp như: Các loại lá rừng, lá mít, thân cây đu đủ,… gia đình tôi còn áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, kết hợp sử dụng các chế phẩm nâng cao sức đề kháng cho vật nuôi, chú trọng đảm bảo VSATTP, đáp ứng yêu cầu khách hàng trong dịp Tết.”
Nhờ đó, mô hình nuôi dê của gia đình chị Tuyết được nhiều thương lái, người tiêu dùng, các nhà hàng trên địa bàn tỉnh về tìm và đặt hàng trước. Với giá bán 130 nghìn đồng/kg hơi, theo tính toán, riêng tháng Tết, gia đình chị Tuyết sẽ xuất bán gần 300 con dê với trọng lượng trung bình 20kg/con, thu về gần 80 triệu đồng.
Năm 2016, anh Nguyễn Văn Tân ở thị trấn Hợp Châu (Tam Đảo) đã mạnh dạn chuyển đổi sang mô hình nuôi hươu sao lấy nhung, thịt thương phẩm và cung cấp con giống sau nhiều lần thất bại với các mô hình chăn nuôi thông thường.
Được biết, khởi nghiệp với 9 con hươu, nuôi hươu lấy thịt công sức bỏ ra cũng nhiều hơn các con nuôi khác, song giá trị kinh tế nhờ vậy mà cao hơn hẳn.
Nhận thấy giá trị kinh tế từ hươu sao mang lại, anh Tân tập trung gây giống và chăn nuôi khoảng 30 con.
Ngoài bán thịt hươu thương phẩm, nhung hươu, anh Tân còn bán cả hươu giống với giá 15 triệu đồng/cặp, nhung hươu từ 20 - 25 triệu đồng/kg và thịt hươu thương phẩm khoảng 250 nghìn đồng/kg.
Anh Tân cho biết: “Cứ mỗi dịp Tết đến, thương lái và người tiêu dùng khắp nơi lại tìm đến nhà tôi để đặt mua nhung hươu làm quà tặng với giá cao hơn từ 20 – 30% so với giá ngoài thị trường mà vẫn không đủ bán.
Ngoài ra, gia đình tôi sẽ cung cấp cho thị trường trên 2 tạ thịt hươu thương phẩm với giá bán 250 nghìn đồng/kg.
Dự tính, Tết Tân Sửu 2021, gia đình tôi thu lãi hơn 100 triệu đồng từ nhung hươu và thịt hươu thương phẩm.”
Những năm gần đây, trong khi ngành chăn nuôi truyền thống đang gặp khó khăn, việc nuôi con đặc sản là một hướng đi có triển vọng, được nhiều nông dân quan tâm, phát triển. Nhờ thế, người nuôi có thêm thu nhập, làm giàu chính đáng trên mảnh đất quê hương.
Bài, ảnh: Ngọc Lan
- Kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại đặc sản
- Kỹ thuật trồng trọt cây ăn trái, rau màu và các loại cây lương thực, cây công nghiệp khác
Các tin mới:
Kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.