• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Ngành tôm Cà Mau - Phát triển chưa tương xứng với tiềm năng: Nhiều thách thức

Nguồn tin: Báo Cà Mau, 20/12/2021
Ngày cập nhật: 22/12/2021

Ngành tôm được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn, giữ vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế của tỉnh. Ngành tôm chiếm 80% trong tổng giá trị sản xuất lĩnh vực nuôi thuỷ sản, 49% so với tổng giá trị sản xuất toàn ngành nông nghiệp và giá trị tạo ra từ xuất khẩu tôm khoảng 20.000 tỷ đồng/năm (giá hiện hành). Ngành tôm chi phối đến đời sống trên 50% dân số của tỉnh (khoảng 600.000 người), ảnh hưởng trực tiếp đến việc làm của khoảng 350.000 lao động, trong đó tham gia trực tiếp hoạt động nuôi tôm khoảng 300.000 lao động. Mặc dù có vai trò quan trọng, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế của tỉnh, thế nhưng thực tế ngành tôm Cà Mau vẫn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng, lợi thế.

Tôm Cà Mau được nhiều tổ chức quốc tế cấp chứng nhận: ASC, B.A.P, GlobalGAP, EU, Naturland, Seafood Watch... Toàn tỉnh có trên 30 doanh nghiệp với 38 nhà máy chế biến xuất khẩu tôm được trang bị công nghệ tiên tiến, hiện đại hơn so với khu vực và thế giới; công suất chế biến trên 250.000 tấn tôm nguyên liệu/năm. Hầu hết các nhà máy đều đạt các tiêu chuẩn quốc tế (SA-8000, ISO 26000, ISO-9001, BRC, B.A.P...).

Tôm Cà Mau đã có mặt trên 90 quốc gia và vùng lãnh thổ, 4 thị trường chính là Mỹ, Nhật Bản, EU và Trung Quốc. Diện tích nuôi tôm của Cà Mau chiếm 45% khu vực ÐBSCL và 40% cả nước; sản lượng tôm nuôi chiếm 29% khu vực ÐBSCL và 22% cả nước; giá trị kim ngạch xuất khẩu tôm hàng năm đạt gần 1 tỷ USD, chiếm khoảng 30% giá trị kim ngạch xuất khẩu tôm cả nước.

Tuy vậy, thách thức đối với ngành tôm Cà Mau cũng không hề nhỏ.

Phụ thuộc vào thiên nhiên

Thời gian qua, tình hình nuôi tôm trong tỉnh Cà Mau chuyển biến tích cực, thay đổi nhanh về cơ cấu sản xuất. Việc ứng dụng công nghệ cao trong nuôi tôm thẻ chân trắng theo quy trình CPF-Combine, Biofloc, Semi-Biofloc, công nghệ nuôi 2 giai đoạn, 3 giai đoạn, nuôi tuần hoàn nước khép kín… góp phần nâng cao năng suất, hiệu quả nuôi tôm. Tuy nhiên, nghề nuôi tôm Cà Mau vẫn còn tồn tại nhiều khó khăn, thách thức, như ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, hạn hán, xâm nhập mặn; diễn biến thời tiết, môi trường bất lợi; dịch bệnh trên tôm nuôi xảy ra thường xuyên.

Mô hình nuôi tôm siêu thâm canh của HTX Thành Công, xã Hoà Tân, TP Cà Mau.

Ông Lê Văn Mưa, Ấp 5, xã Tân Lộc, huyện Thới Bình, chia sẻ: “Người nuôi tôm hiện phụ thuộc nhiều vào điều kiện thời tiết. Dịch bệnh trên tôm nuôi vẫn diễn ra dù người nuôi đã ứng dụng công nghệ hiện đại vào nuôi tôm làm tăng năng suất và giảm rủi ro. Một vấn đề khác, đó là người nuôi tôm ít được cung cấp thông tin, nhất là thông tin giá cả thị trường dẫn đến lúng túng trong việc chọn lựa đối tượng nuôi, kích cỡ, thời gian thu hoạch phù hợp”.

Những tác động bất lợi từ biến đổi khí hậu, thời tiết, môi trường vùng nuôi; dịch bệnh trên tôm nuôi còn diễn biến phức tạp, chưa có biện pháp ngăn ngừa hiệu quả; môi trường nước bị ô nhiễm do hoạt động sản xuất, chế biến, nuôi thuỷ sản, ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả nuôi tôm. Bên cạnh đó, kết cấu hạ tầng, thuỷ lợi dù đã được đầu tư nhưng hiện vẫn chưa thể đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất, nhất là những vùng sâu trong nội đồng, vào mùa khô thường thiếu hụt nguồn nước.

Ông Nguyễn Minh Luân, xã Nguyễn Việt Khái, huyện Phú Tân, chia sẻ: “Người nuôi tôm hiện vẫn chưa thể chủ động được nguồn nước, trong khi nhiều doanh nghiệp xả thải ra môi trường, dẫn đến dịch bệnh thường xuyên diễn ra. Người nuôi tôm luôn bị động trong vấn đề này, chính vì vậy, Nhà nước cần có chính sách quy hoạch và quản lý hiệu quả hơn, giúp người nuôi tôm phát triển kinh tế ổn định”.

Ông Nguyễn Văn Trung, Chi cục phó Chi cục Thuỷ sản tỉnh Cà Mau, nhận định: “Việc quy hoạch nuôi thuỷ sản, trong đó có nuôi tôm, chưa được phê duyệt do phải chờ tích hợp vào quy hoạch chung của tỉnh, điều này phần nào gây khó khăn trong công tác quản lý. Bên cạnh đó, quản lý Nhà nước ở một số địa phương còn thiếu chặt chẽ nên nhiều hộ dân nuôi tôm thâm canh, siêu thâm canh tự phát, không theo quy hoạch; tình trạng ô nhiễm môi trường do nuôi tôm chưa qua xử lý, thải ra môi trường bên ngoài còn nhiều nhưng chưa có giải pháp ngăn chặn kịp thời”.

Liên kết chưa rộng rãi

Liên kết được xem là giải pháp hiệu quả trong phát triển ngành tôm, nhưng vẫn còn nhiều hạn chế. Việc đẩy mạnh liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm theo mô hình liên kết sản xuất, mối liên kết "4 nhà" chưa thắt chặt như mong muốn. Tổ chức sản xuất theo hướng liên kết được quan tâm, song kết quả đạt được chưa đáp ứng kỳ vọng, chưa có nhiều mô hình liên kết chuỗi sản xuất hiệu quả để phổ biến, nhân rộng.

Ông Nguyễn Văn Toàn, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Hợp tác xã Dịch vụ thuỷ sản Ông Muộn, xã Lý Văn Lâm, TP Cà Mau, cho biết: “Chúng tôi chú trọng đẩy mạnh mô hình liên kết chuỗi giữa doanh nghiệp và hộ nuôi trong hợp tác xã. Tuy nhiên, phải thừa nhận vẫn còn khá lỏng lẻo, chưa gắn kết được lợi ích và trách nhiệm của các bên với nhau… Bên cạnh đó, hiện các hợp đồng bao tiêu tôm nguyên liệu chưa có tính pháp lý cao, chưa có sự ràng buộc chặt chẽ giữa người bán và người mua nên dễ bị phá vỡ. Ðây là điều mà ngành chức năng cần nghiên cứu và đưa ra giải pháp khắc phục”.

Với trên 280.000 ha nuôi tôm nước lợ, sản lượng tôm năm 2020 đạt khoảng 200.000 tấn. Các mô hình nuôi tôm hiệu quả hiện nay như siêu thâm canh, quảng canh cải tiến 2 giai đoạn, tôm - lúa… góp phần tăng sản lượng và giá trị ngành tôm. Tuy nhiên, thực tế việc nuôi tôm của người dân vẫn mang tính nhỏ lẻ.

Ông Trình Trung Phi, Giám đốc Kỹ thuật, Tập đoàn Việt Úc, nhận xét: “Chưa có quy hoạch vùng phù hợp cho phát triển bền vững ngành hàng tôm, người dân chưa nhận thức được quan điểm lợi nhuận dài hạn, cùng với đó là sản xuất theo cảm tính, thiếu định hướng thị trường. Các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu thuỷ sản chưa có sự liên kết chặt với nhau trong hoạt động xuất khẩu. Thực tế là, mặc dù được Nhà nước khuyến khích, tuyên truyền nhiều nhưng sự liên kết giữa người nuôi và doanh nghiệp chế biến xuất khẩu vẫn chưa chặt. Một vấn đề lớn khác, chưa có chính sách vĩ mô để điều tiết kịp thời và hợp lý phát triển ngành tôm theo định hướng thị trường”.

Ngành tôm Cà Mau vẫn chưa chủ động nguồn giống, giá thức ăn đầu vào liên tục tăng nhưng khó khắc phục. Việc mất cân đối trong cung cầu, thiếu hụt sản lượng khiến giá nguyên liệu các loại tăng cao. Mặt khác, thị trường khan hiếm tạo ra cạnh tranh, nhiều doanh nghiệp sản xuất thức ăn tăng tỷ lệ chiết khấu cho các nhà phân phối, góp phần đẩy giá thức ăn tăng cao.

Ông Trình Trung Phi cho biết: “Năm 2020, giá thức ăn tôm tăng từ 1,69-5,03% tuỳ theo công ty, đã tạo áp lực lớn cho người nuôi vì thức ăn chiếm trên 65% giá thành nuôi tôm thâm canh. Hầu hết nguồn cung cấp thức ăn đến từ các công ty FDI, phần lớn nguồn nguyên liệu đầu vào đều nằm trong tay các công ty mang tính chất toàn cầu này”./.

Ðặng Duẩn

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang