• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Người trồng hoa ‘đánh cược’ với thị trường

Nguồn tin: Báo Bà Rịa - Vũng Tàu, 07/10/2021
Ngày cập nhật: 11/10/2021

Để chuẩn bị cho vụ hoa Tết Nguyên đán 2022, nông dân trồng hoa trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã bắt đầu xuống giống các loại hoa dài ngày. Thời tiết hiện khá thuận lợi cho vụ sản xuất, tuy nhiên do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên nhiều nông dân tỏ ra khá dè dặt và lo lắng cho thị trường cuối năm.

Nhiều hộ trồng hoa trên địa bàn tỉnh hiện đang xuống giống hoa cho thị trường tết. Trong ảnh: Người trồng hoa tại KP. Hải Dinh, phường Kim Dinh, TP. Bà Rịa.

Khác với mọi năm, không khí tại các vùng trồng hoa lớn trên địa bàn tỉnh như phường Kim Dinh (TP. Bà Rịa) hay xã Phước Long Thọ (huyện Đất Đỏ) đang rất trầm lắng. Thay vì cảnh người người, nhà nhà tất bật trồng, chăm sóc hoa thì nay chỉ mới một vài hộ có diện tích lớn, có kinh nghiệm mạnh dạn xuống giống cho vụ Tết Nguyên đán 2022.

Đang chăm sóc vườn cúc đại đóa hơn 2 tháng tuổi, ông Nguyễn Phạm Thanh Hùng, khu phố Hải Dinh, phường Kim Dinh, TP. Bà Rịa chia sẻ, thời tiết hiện khá thuận lợi để cây hoa sinh trưởng và phát triển, song người trồng hoa chỉ xuống giống cầm chừng, vì tâm lý lo ngại hoa, cây cảnh không có đầu ra. Mặc dù đã chủ động được nguồn giống và tự làm chậu, chi phí giảm đi đáng kể, nhưng ông Hùng cũng chỉ dự định trồng 70.000 chậu cúc đại đóa và pha lê, giảm gần 10.000 chậu so với năm ngoái. “Theo kinh nghiệm nhiều năm trồng hoa, năm nay tôi nhận định thời tiết khá thuận lợi, ít mưa nên sẽ hạn chế được sâu bệnh, cây giống phát triển tốt. Tuy nhiên, dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến như này thì 5 ăn 5 thua, bởi hoa không phải là mặt hàng thiết yếu, nên nhà vườn chúng tôi cũng đang đánh cược với thị trường”, ông Hùng cho hay.

Cũng trong tâm lý lo ngại, ông Nguyễn Văn Khánh, nông dân phường Kim Dinh, TP. Bà Rịa cho rằng, trồng hoa nhiều năm, nên dù lo lắng thua lỗ, ông vẫn phải duy trì nghề truyền thống của gia đình. Năm nay, gia đình ông xuống giống 2.000 chậu, ít hơn mọi năm gần 1 nửa. “Chúng tôi làm nghề trồng hoa, vụ cuối năm là vụ quan trọng nhất và cũng là vụ duy nhất để bà con làm ăn. Với tình hình dịch bệnh đang căng thẳng, chưa ai dám nói trước điều gì. Trong khi đó, nhiều hộ thiếu thốn nguồn vốn sản xuất, sợ cây hoa trồng ra không được đầu tư đúng mức sẽ không đạt. Đặc biệt là tâm lý trồng ra nhiều thì sợ không tiêu thụ được khiến chúng tôi phải giảm số lượng” ông Khánh chia sẻ.

Kim Dinh là một trong những vùng trồng hoa lớn nhất tỉnh với diện tích duy trì hàng năm khoảng 22ha, với 150 hộ trồng, chủ yếu các loài hoa truyền thống như: cúc pha lê, cúc đại đóa, vạn thọ, mào gà, cát tường... Năm nay, do lo ngại tình hình dịch COVID-19, diện tích xuống giống hoa, cây cảnh phục vụ Tết Nguyên đán 2022 của địa phương cũng giảm đáng kể, chỉ còn 16ha, giảm 6ha so với mọi năm.

Được xem là hộ có diện tích trồng hoa lớn nhất tại xã Phước Long Thọ, huyện Đất Đỏ, hàng năm, gia đình ông Nguyễn Văn Hôn, luôn duy trì khoảng 100.000 chậu hoa các loại. Năm nay, do khó khăn về nguồn giống, chi phí tăng cao và lo ngại về thị trường tiêu thụ, ông buộc phải giảm 50% số lượng trồng. Theo ông Hôn, do dịch COVID-19, các địa phương thực hiện giãn cách xã hội nên việc đi lại mua cây giống gặp nhiều khó khăn, có những loài ông đã đặt cả nửa năm nay nhưng đến nay vẫn chưa có, khiến ông khá lo lắng sẽ không xuống giống theo đúng kế hoạch. Bên cạnh đó, năm nay chi phí đầu tư giống và phân bón tăng từ 20-30%, buộc ông Hôn phải tính toán kỹ lưỡng, tránh bị thua lỗ. “Thời điểm này năm ngoái, nhiều mối quen đã gọi điện đặt hàng hoặc cọc trước, nhưng hiện giờ các thương lái cũng e dè chưa dám đặt. Các lái buôn trước nay vẫn đặt hàng của chúng tôi nay cũng phải chờ thị trường và diễn biến dịch bệnh mới dám đặt mua”, ông Hôn buồn bã cho hay.

Theo ghi nhận của phóng viên, hiện chỉ một số hộ trồng hoa lâu năm, có diện tích lớn mới dám xuống giống với số lượng lớn. Còn một số hộ mới, chưa có kinh nghiệm, diện tích nhỏ, lẻ năm nay hầu như đều không dám xuống giống vụ Tết, do không có chi phí đầu tư và lo ngại thua lỗ nếu dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp trong thời gian tới.

Thống kê từ ngành nông nghiệp tỉnh cho biết, vụ hoa Tết năm nay, nông dân BR-VT chỉ xuống giống khoảng 100ha, giảm khoảng 20 ha so với mọi năm. Bước vào vụ sản xuất hoa Tết Nguyên đán 2022, trong bối cảnh dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp, ngành nông nghiệp tỉnh khuyến cáo nông dân nên giảm diện tích để tránh rủi ro do thị trường tiêu thụ gặp khó khăn. Đồng thời, theo dõi diễn biến thời tiết, tránh bị dịch bệnh sẽ ảnh hưởng tới năng suất và chất lượng các loại hoa cho ngày Tết.

Bài, ảnh: PHÚC HIẾU

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang