• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

‘Lợi ích kép’ từ trồng rừng gỗ lớn

Nguồn tin: Báo Bắc Giang, 11/09/2021
Ngày cập nhật: 17/9/2021

Phát huy lợi thế đất rừng, thời gian qua, nhiều tổ chức, cá nhân ở huyện Sơn Động (Bắc Giang) đã tập trung chuyển đổi từ trồng rừng gỗ nhỏ sang gỗ lớn. Các mô hình trồng rừng gỗ lớn mang lại "lợi ích kép" đó là cho hiệu quả kinh tế vượt trội và bảo vệ môi trường.

Khai thác lợi thế

Sau nhiều lần hẹn, một ngày cuối tuần, tôi cùng đồng chí Lê Đức Thắng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Sơn Động trực tiếp thăm khu rừng gỗ lớn của Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện tại thôn Dõng, xã An Lạc. Cơn mưa bất chợt chiều hôm trước khiến con đường mòn vào rừng trơn trượt, khó đi hơn.

Rừng keo 9 năm tuổi của Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Sơn Động.

Vượt qua con suối nước ngập quá đầu gối, khu rừng keo 9 năm tuổi hiện ra trước mắt chúng tôi. Ấn tượng đầu tiên là cả khu rừng rộng 4,5 ha đều tăm tắp, cây cao khoảng 16-20 m, đường kính 17 - 22 cm. Theo ông Dương Văn Lợi, Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện, khu rừng này được đơn vị trồng từ năm 2012 với quy mô 1,6 nghìn cây/ha.

Năm 2016 khi tỉnh có chủ trương chuyển từ rừng gỗ nhỏ sang rừng gỗ lớn, đơn vị xây dựng kế hoạch chuyển đổi, tỉa bớt cây xấu, cong queo, giữ tỷ lệ 800 cây/ha. “Theo tính toán, khi rừng được 10-12 tuổi sẽ cho sản lượng khoảng 200 m3/ha, cao gấp đôi so với rừng gỗ nhỏ 7 năm tuổi. Với giá bán 1,6 triệu đồng/m3, trồng rừng gỗ lớn sẽ mang lại thu nhập 320 triệu đồng/ha (chu kỳ 10 năm), cao hơn gần 200 triệu đồng so với cây gỗ nhỏ trồng 7 năm”, ông Dương Văn Lợi nhẩm tính.

Theo thống kê của Hạt Kiểm lâm huyện Sơn Động, hiện toàn huyện có hơn 1,3 nghìn ha rừng trồng gỗ lớn, chiếm 7,6% tổng diện tích rừng kinh tế trên địa bàn. Thực tế cho thấy, trồng rừng gỗ lớn mang lại "lợi ích kép" đó là ngoài hiệu quả kinh tế còn mang lại nhiều lợi ích về môi trường như: Độ che phủ rừng lớn, giữ ẩm cao nên giảm cháy rừng; hàm lượng mùn trong đất gia tăng, khả năng phòng hộ tốt vì đất không bị xói mòn.

Ghi nhận tại xã Hữu Sản cho thấy, với bình quân rừng sản xuất hơn 3,5 ha/hộ, địa phương có nhiều tiềm năng để phát triển rừng gỗ lớn. Hai năm qua, dưới sự hướng dẫn của Hạt Kiểm lâm huyện, toàn xã đã chuyển đổi 1.928/3.000 ha rừng gỗ nhỏ sang gỗ lớn. Đáng chú ý, toàn bộ diện tích chuyển đổi đều được đăng ký cấp chứng chỉ phát triển rừng bền vững (FSC).

Ghé thăm đồi keo tai tượng 6 năm tuổi của gia đình ông Nông Văn Út (SN 1977), thôn Sản (xã Hữu Sản), chúng tôi được anh chia sẻ về quyết tâm phát triển cây gỗ lớn của mình. Trước đây, trên diện tích gần 12 ha đất rừng, anh dành một phần gieo ngô, vùi sắn còn lại trồng rừng sản xuất. Đầu năm 2019, anh mạnh dạn chuyển đổi 5 ha keo chuẩn bị cho thu hoạch sang gỗ lớn. Bước sang năm 2020, anh tiếp tục chuyển đổi toàn bộ diện tích còn lại.

“Ban đầu gia đình hoài nghi về hiệu quả kinh tế song được cán bộ Hạt Kiểm lâm huyện tuyên truyền, hướng dẫn, gia đình đã mạnh dạn làm theo. Đến nay, nhìn rừng keo 7 năm tuổi vươn cao, tôi mới thấy hướng đi của mình là đúng. Chỉ cần vài năm nữa thôi, lớp rừng gỗ lớn đầu tiên của gia đình sẽ đến tuổi khai thác. Theo tính toán, giá trị mang lại sẽ gấp hai lần so với cây gỗ nhỏ”, anh Nông Văn Út chia sẻ.

Mở hướng làm giàu

Xác định tiềm năng, lợi thế về rừng, mới đây, Huyện ủy Sơn Động ban hành Nghị quyết chuyên đề về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác phát triển rừng, nâng giá trị kinh tế rừng, giai đoạn 2021-2025. Nghị quyết đề ra mục tiêu đến năm 2025 toàn huyện có 30% diện tích rừng trồng chuyển sang rừng gỗ lớn. Cụ thể hóa mục tiêu này, Huyện ủy yêu cầu cấp ủy, chính quyền các địa phương xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm của người đứng đầu. Căn cứ tình hình thực tế, các địa phương xây dựng kế hoạch, trong đó nêu cao vai trò của chi bộ cũng như sự gương mẫu của cán bộ, đảng viên.

Đồng chí Ngụy Văn Tuyên, Bí thư Huyện ủy Sơn Động: Để Nghị quyết phát huy hiệu quả, tới đây Huyện ủy tổ chức tham quan, trao đổi kinh nghiệm tại cánh rừng gỗ lớn tại thôn Dõng, xã An Lạc của Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện để thấy rõ hiệu quả. Cùng đó, giao UBND huyện nghiên cứu, tham mưu cơ chế hỗ trợ đối với những hộ dân mạnh dạn chuyển đổi".

Tìm hiểu tại thị trấn Tây Yên Tử cho thấy, để Nghị quyết đi vào cuộc sống, Đảng ủy thị trấn yêu cầu các chi bộ đưa nội dung này vào sinh hoạt chi bộ hằng tháng, giao các đồng chí Đảng ủy viên phụ trách các thôn chịu trách nhiệm nếu địa bàn không hoàn thành mục tiêu chuyển đổi và để người dân khai thác non trên diện tích đã đăng ký. Tương tự, để phát huy vai trò nêu gương, 100% đảng viên ở xã Hữu Sản tiên phong chuyển đổi và vận động người thân làm theo.

Ông Bế Văn Kính, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Hữu Sản cho biết: “Chính từ sự gương mẫu của đảng viên, phong trào chuyển đổi sang rừng gỗ lớn trên địa bàn đã có sức lan tỏa lớn. Chỉ cần vài năm nữa, đời sống người dân trong xã sẽ có thay đổi lớn khi những diện tích rừng gỗ lớn đầu tiên cho thu hoạch”.

Theo đồng chí Lê Đức Thắng, Nghị quyết được ban hành không chỉ mở ra cơ hội làm giàu, nâng giá trị kinh tế rừng mà còn góp phần nâng độ che phủ rừng, giữ cho rừng luôn xanh tốt. Để cụ thể hóa mục tiêu, UBND huyện giao cho Hạt Kiểm lâm chủ trì, lựa chọn các giống mới, phù hợp với trồng rừng gỗ lớn để định hướng người dân, từng bước thay thế các loại cây kém chất lượng, năng suất thấp.

“Để người dân yên tâm giữ rừng gỗ lớn, cùng với phối hợp mở rộng diện tích rừng được cấp chứng chỉ FSC, UBND huyện mời gọi các doanh nghiệp, cam kết thu mua với giá cao hơn 10-15% so với giá trên thị trường nếu người dân trồng rừng gỗ lớn. Với những hộ gia đình khó khăn, phía Công ty sẽ ứng tiền khi rừng trồng đến chu kỳ khai thác gỗ nhỏ. “Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn và các địa phương phối hợp tuyên truyền, mở rộng quy mô sản xuất, hướng đến hình thành vùng nguyên liệu hàng hóa. Huyện có cơ chế, chính sách, tạo cơ hội cho người dân tiếp cận tiến bộ kỹ thuật; khai thác tốt tiềm năng tự nhiên nhằm tăng thu nhập, giữ màu xanh cho rừng”- ông Thắng thông tin.

Bài, ảnh: Sỹ Quyết

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang