• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Chuẩn bị sẵn sàng cho vụ nuôi tôm nước lợ năm 2022

Nguồn tin: Báo Sóc Trăng, 17/02/2022
Ngày cập nhật: 19/2/2022

Theo nhận định của Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Sóc Trăng, năm 2022, lượng mưa khu vực nước ta và các vùng lân cận có xu hướng xấp xỉ trên trung bình nhiều năm từ tháng 1 đến tháng 6-2022, kèm theo đó tình hình xâm nhập mặn mùa khô sẽ xuất hiện sớm hơn và có khả năng sẽ xâm nhập sâu trong sông cách cửa biển từ 20 - 25km...

Theo nhận định của ngành chuyên môn về mùa vụ nuôi tôm năm 2021 trên địa bàn tỉnh (diện tích thả nuôi 53.000ha, sản lượng ước đạt hơn 189.000 tấn, tỷ lệ tôm nuôi thiệt hại chiếm khoảng 6%...), đây là một trong những thành công trong công tác chỉ đạo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) tỉnh Sóc Trăng trong việc bố trí khung lịch mùa vụ thả nuôi tôm phù hợp từng vùng nuôi tại các địa phương trong tỉnh. Cùng với đó, người nuôi tuân thủ đúng lịch thả nuôi nên đã góp phần để vụ nuôi tôm năm 2021 đạt thành quả tốt đẹp.

Tại một số địa phương, hộ nuôi tôm đang cải tạo ao chuẩn bị sẵn sàng cho mùa vụ thả nuôi tôm nước lợ năm 2022. Ảnh: TL

Kết quả sản xuất tôm nước lợ 2021 và khung lịch mùa vụ thả nuôi tôm năm 2022 của Tổng cục Thủy sản, Sở NN-PTNT Sóc Trăng đã xây dựng lịch thả giống vụ tôm nuôi nước lợ năm 2022 để các địa phương nuôi tôm áp dụng phù hợp với điều kiện tự nhiên của từng vùng nuôi, đảm bảo việc thả giống tôm theo đúng lộ trình lịch mùa vụ. Theo đồng chí Quách Thị Thanh Bình - Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Sóc Trăng, thời gian bắt đầu thả giống tôm nuôi nước lợ từ ngày 10-1-2022 và sẽ kết thúc vào ngày 30-9-2022; trong đó đối với tôm thẻ chân trắng thả giống từ ngày 10-1-2022 đến ngày 30-9-2022 và tôm sú thả giống từ ngày 10-3-2022 đến ngày 30-9-2022. Đối với mô hình tôm - lúa, bố trí thả nuôi tôm, thu hoạch kết thúc trước tháng 9-2022 để chuẩn bị cho việc trồng lúa. Đối với các vùng, cơ sở nuôi, nhất là hộ nuôi nhỏ lẻ không đáp ứng đủ điều kiện nuôi, cụ thể là không chủ động được nguồn nước, để hạn chế bệnh hoại tử gan tụy cấp tính, bệnh đốm trắng và các yếu tố môi trường bất lợi thì hạn chế không thả nuôi vào các khoảng thời gian thời tiết khắc nghiệt (dự báo tháng 4 thời tiết nắng nóng, độ mặn cao và tháng 6 - 7 thời tiết mưa dầm). Bên cạnh đó, đối với các doanh nghiệp, trang trại nuôi quy mô lớn có khả năng đáp ứng yêu cầu điều kiện nuôi, mô hình nuôi thâm canh, bán thâm canh, ứng dụng công nghệ cao, nuôi 2 hay nhiều giai đoạn có thể bố trí rải vụ quanh năm nhưng cần chủ động dự trữ nước, nuôi nước, có giải pháp ứng phó với thời tiết bất lợi.

Cũng theo đồng chí Quách Thị Thanh Bình, tất cả các mô hình nuôi tôm nước lợ nên chú trọng vận dụng các mô hình nuôi hiệu quả như: mô hình nuôi 2 giai đoạn, mô hình ứng dụng vi sinh, mô hình kết hợp cá rô phi/cá chẽm/cá đối hoặc tôm càng xanh toàn đực với tôm thẻ hoặc tôm sú và đặc biệt là mô hình đa dạng hóa sinh học trong ao nuôi, nuôi ao lót bạt…

Đồng chí Huỳnh Ngọc Nhã - Giám đốc Sở NN-PTNT Sóc Trăng cho rằng, để vụ tôm nuôi nước lợ năm 2022 tiếp tục thành công hơn nữa cả về sản lượng và năng suất theo mục tiêu ngành nông nghiệp đề ra với diện tích thả nuôi 51.000ha, sản lượng 196.000 tấn, ngành Nông nghiệp tỉnh đề nghị phòng NN-PTNT, phòng kinh tế các huyện, thị xã, thành phố (có nuôi tôm nước lợ) tham mưu cho UBND các huyện, thị xã, thành phố khẩn trương xây dựng lịch thả giống cụ thể cho từng tiểu vùng sản xuất và hướng dẫn nông dân chuẩn bị tốt các điều kiện sản xuất, đặc biệt là vùng sản xuất huyện Mỹ Xuyên phải đảm bảo duy trì và giữ vững mô hình tôm - lúa.

“Song song đó, về góc độ chuyên môn, ngành nông nghiệp đã chỉ đạo các đơn vị liên quan trực thuộc sở tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật, giới thiệu và hướng dẫn người nuôi tôm áp dụng các mô hình nuôi tôm đạt hiệu quả, kỹ thuật nuôi tôm và hướng dẫn sử dụng vật tư đầu vào trong nuôi tôm đạt hiệu quả cũng như ứng phó với hạn, mặn, thời tiết bất lợi và phòng, chống dịch bệnh. Cùng với đó, ngành nông nghiệp sẽ thường xuyên cập nhật thông tin diễn biến tình hình nuôi, môi trường, thời tiết và cảnh báo dịch bệnh. Trường hợp cần thiết sẽ điều chỉnh lịch thả giống cho phù hợp với điều kiện sản xuất” - đồng chí Huỳnh Ngọc Nhã thông tin thêm.

THÚY LIỄU

Các tin mới

 

Nhấn vào đây để xem các tin trước

Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang