Nguồn tin: Báo Bình Định, 17/02/2022
Ngày cập nhật:
20/2/2022
Ðể đảm bảo an toàn trong hoạt động nuôi thủy sản, ngành Nông nghiệp hướng dẫn người dân phòng trừ dịch bệnh, hỗ trợ chuyển đổi sang các mô hình nuôi theo hướng an toàn sinh học, giảm thiểu nguy dịch bệnh.
Thống kê từ Chi cục Thủy sản (Sở NN&PTNT), tỉnh Bình Định có hơn 4.000 ha nuôi thủy sản, trong đó có 2.500 ha nuôi thủy sản nước lợ (tính cả 2 vụ nuôi), 1.400 ha nuôi thủy sản nước ngọt và một ít diện tích nuôi thủy sản nước mặn.
Người nuôi tôm trong tỉnh đang chuyển hướng sang các mô hình nuôi tôm an toàn sinh học, nuôi tôm công nghệ cao ứng dụng công nghệ Biofloc.
Trong ảnh: - Mô hình nuôi tôm công nghệ cao tại xã Cát Thành, huyện Phù Cát. Ảnh: THU DỊU
Huyện Tuy Phước là một trong những địa phương có diện tích nuôi thủy sản lớn, chiếm 50% diện tích nuôi trong toàn tỉnh. Tháng 3.2022, các hộ nuôi tôm ở huyện Tuy Phước bắt đầu thả giống.
Ông Trương Văn Thảo, một hộ nuôi tôm ở xã Phước Thuận (huyện Tuy Phước), chia sẻ: Với sự hỗ trợ kỹ thuật từ ngành chức năng, từ năm 2018 gia đình tôi chuyển sang mô hình nuôi tôm trải bạt đảm bảo an toàn sinh học. Ưu thế của mô hình này là hạn chế được dịch bệnh trên tôm nuôi. Vải bạt ngăn ngừa tiếp xúc giữa môi trường nước của ao nuôi với lòng đất, nên hồ nuôi không bị nhiễm phèn, nhiễm mặn, lại hạn chế được ô nhiễm môi trường, thức ăn không bị thất thoát. Việc vệ sinh thuận tiện, giảm thời gian và chi phí.
Theo ông Phạm Quang Ân, Phó trưởng Phòng NN&PTNT huyện Tuy Phước, nhờ được hỗ trợ chuyển giao kỹ thuật sang nuôi tôm theo hướng an toàn sinh học, những năm qua, người nuôi tôm trên địa bàn huyện giảm được thiệt hại, rủi ro do tôm bị bệnh rất nhiều. Trước mỗi vụ nuôi, ngành NN&PTNT huyện phối hợp với chính quyền các địa phương hướng dẫn người dân về công tác xử lý môi trường, vệ sinh ao nuôi; hướng dẫn người dân chuyển sang các mô hình như nuôi tôm trải bạt; nuôi quảng canh, nuôi xen canh gắn với bảo vệ rừng ngập mặn…
Tương tự, ông Nguyễn Văn Lê, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Phù Cát cho biết: Thời điểm này, người nuôi tôm trên địa bàn bắt đầu vụ nuôi đầu tiên trong năm, diện tích thả giống khoảng 23 ha. Đầu vụ, ngành Nông nghiệp huyện cử cán bộ thường xuyên giám sát địa bàn, kịp thời hướng dẫn người nuôi trong trường hợp phát hiện dịch bệnh. Từ năm 2020, nhờ hướng dẫn của Trung tâm Khuyến nông, Chi cục Thủy sản, Chi cục Chăn nuôi và Thú y, một số hộ nuôi trên địa bàn huyện tiếp nhận và chuyển đổi sang nuôi tôm ứng dụng công nghệ Semi - Biofloc, bước đầu cho hiệu quả tích cực. Trong năm 2022, Phòng NN&PTNT huyện tiếp tục phối hợp với Trung tâm Khuyến nông tỉnh triển khai thêm 1 mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ Semi - Biofloc ở xã Cát Thành.
Theo bà Nguyễn Thị Ngọc Lan, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y đến thời điểm này, toàn tỉnh thả giống khoảng 48 ha, tập trung ở huyện Phù Cát, Phù Mỹ,
TX Hoài Nhơn, trong đó có khoảng 27 ha tôm nuôi áp dụng công nghệ cao của các DN. Trong lĩnh vực nuôi thủy sản - phòng bệnh mang lại hiệu quả hơn chữa bệnh, những năm qua, Chi cục chú trọng vào công tác phòng ngừa ban đầu. Theo đó, thông qua các buổi tập huấn, hội thảo đầu bờ, các mô hình khuyến nông, Chi cục phối hợp với các địa phương hướng dẫn hộ nuôi xử lý vệ sinh môi trường, cải tạo nguồn nước, chọn con giống, quy trình thả giống và chăm sóc. Trong quá trình nuôi trồng, Chi cục cử cán bộ giám sát địa bàn trực tiếp đi kiểm tra, lấy mẫu giống tôm nuôi để sớm phát hiện dịch bệnh và xử lý; khuyến cáo người dân tích cực phối hợp lực lượng chức năng khi phát hiện dịch bệnh để kịp thời xử lý, tránh lây lan. Cùng với đó, Chi cục phối hợp Trung tâm Khuyến nông tỉnh triển khai chuyển giao các mô hình nuôi trồng thủy sản bền vững, ứng dụng công nghệ mới; khuyến cáo người nuôi chú trọng vào việc chọn con giống tốt, hạn chế rủi ro.
Năm 2021, toàn tỉnh ghi nhận 28 hồ tôm phát sinh dịch bệnh với mức độ khác nhau. Tuy nhiên, nhiều người nuôi tôm còn tâm lý chủ quan, không sớm báo cáo, tham vấn kỹ thuật từ ngành chức năng, dẫn tới việc dịch bệnh lây lan, khó xử lý. Từ thực tế đó, tỉnh thay đổi trong cách quản lý hoạt động nuôi trồng thủy sản, quản lý dịch bệnh trong nuôi trồng thủy sản. Theo đó, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch truyền thông, đẩy mạnh phổ biến kiến thức phòng, chống một số dịch bệnh nguy hiểm trên thủy sản nuôi giai đoạn 2021 - 2030.
Sở NN&PTNT đã phân bổ 32 tấn hóa chất Chlorine sát trùng phòng chống dịch bệnh thủy sản vụ 1 năm 2022 cho các địa phương ven biển trong tỉnh; giao Chi cục Thủy sản hướng dẫn 5 địa phương ven biển sử dụng Chlorine trong sát trùng, xử lý vệ sinh ao nuôi, mương nước…, chú trọng vào các vùng có nguy cơ ô nhiễm cao như vùng dự án Công Lương (xã Hoài Mỹ, TX Hoài Nhơn); Mỹ Chánh, Mỹ Thành (huyện Phù Mỹ), Phước Thắng (huyện Tuy Phước).
THU DỊU
- Kỹ thuật nuôi tôm, nuôi cá, phòng trị bệnh tôm, cá và các loại thủy sản khác
Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.