Nguồn tin: Báo Báo Tây Ninh, 22/02/2022
Ngày cập nhật:
24/2/2022
Nâng cấp, xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ vùng nuôi tập trung, chuyên canh gồm các hạng mục như: nâng cấp hệ thống đường giao thông; hệ thống cấp, thoát nước; hệ thống điện; hệ thống cột chống sét; hệ thống ao xử lý nước…
Thu hoạch cá ở huyện Dương Minh Châu (ảnh chụp trước 27.4.2021). Ảnh: Lê Văn Hải
Ngành nuôi trồng thuỷ sản trên địa bàn tỉnh Tây Ninh đã đạt được những kết quả nhất định, giải quyết việc làm, ổn định đời sống cho người dân và góp phần chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp của tỉnh. Tuy nhiên, sự phát triển của ngành còn hạn chế do tự phát, nhỏ lẻ, chưa hình thành vùng nuôi tập trung, giá cả bấp bênh, thị trường không ổn định.
Còn nhiều hạn chế
Tây Ninh có điều kiện tự nhiên thuận lợi, với hồ Dầu Tiếng dung tích khoảng 1,5 tỷ m3 và 1.053 tuyến kênh có tổng chiều dài 1.000 km đã phát huy hiệu quả trong cân bằng sinh thái, phục vụ tưới tiêu trong nông nghiệp, cung cấp nước cho nuôi trồng thuỷ sản, sinh hoạt tiêu dùng và cho sản xuất công nghiệp. Ngoài ra, Tây Ninh còn có 2 con sông lớn là sông Sài Gòn và sông Vàm Cỏ Đông cùng nhiều suối, kênh rạch; tạo ra một mạng lưới thuỷ văn phân bố tương đối đồng đều trên địa bàn. Tuy nhiên, việc phát triển ngành thuỷ sản của tỉnh thời gian qua chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế vốn có.
Năm 2020, giá trị sản xuất thuỷ sản trên địa bàn tỉnh đạt 453,998 tỷ đồng; tỷ trọng giá trị sản xuất thuỷ sản/nông nghiệp đạt 1,73%. Trên địa bàn tỉnh hình thành một số vùng nuôi chuyên canh, nổi bật là vùng chuyên canh cá tra tại xã Hưng Thuận, thị xã Trảng Bàng; sản phẩm được chế biến tại Công ty TNHH công nghệ thực phẩm Miền Đông, xuất khẩu sang thị trường các nước như Trung Quốc, Nga… mang lại hiệu quả cao so với các mô hình nông nghiệp khác. Năm 2021, diện tích nuôi trồng thuỷ sản của toàn tỉnh đạt 574 ha; tổng sản lượng nuôi trồng đạt 11.408 tấn, sản lượng khai thác đạt 2.230 tấn.
Trong những năm qua, trên địa bàn tỉnh không có cơ sở sản xuất giống thuỷ sản; chủ yếu là nhập cá bột, cá hương từ các tỉnh miền Tây về ương, dưỡng lên thành cá giống để xuất ra các tỉnh lân cận hoặc bán cho các hộ nuôi tại địa phương; số hộ ương, dưỡng giống trên địa bàn tỉnh có xu hướng giảm, năm 2016 có tổng cộng 48 hộ, đến năm 2020 chỉ còn 25 hộ làm nghề ương, dưỡng giống thuỷ sản, với diện tích là 13,09 ha. Việc không chủ động được con giống làm ảnh hưởng nhiều đến nhu cầu nuôi thuỷ sản.
Riêng đối với ba ba, HTX nuôi trồng thuỷ sản tại xã Tân Hoà, huyện Tân Châu nhập ba ba giống, cho sinh sản tự nhiên, sau đó cung cấp giống cho các thành viên của hợp tác xã và bán giống cho các hộ nuôi quanh vùng. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh không có nhà máy chế biến thức ăn, đa phần các loại thức ăn viên chuyên dùng cho thuỷ sản được nhập từ các công ty ở Thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Đồng Nai, Long An…; sản lượng thức ăn nuôi thuỷ sản ước tính trên 3.000 tấn/năm.
Giá cả thị trường đối với sản phẩm thuỷ sản trong những năm qua không ổn định, chủ yếu do thị trường, thương lái quyết định; người nuôi có lúc có lợi nhuận, có lúc bị thua lỗ. Sản phẩm tiêu thụ chủ yếu trong nước, một số ít được thương lái vận chuyển sang Campuchia tiêu thụ dạng tươi sống, không qua công đoạn sơ chế, chế biến.
Đẩy mạnh phát triển vùng nuôi trồng thuỷ sản tập trung
Để ngành thuỷ sản phát triển ổn định và bền vững, giai đoạn 2021-2025, tỉnh tập trung phát triển vùng nuôi trồng thuỷ sản tập trung, chuyên canh hiện có gồm: vùng nuôi ba ba thương phẩm ở xã Tân Hoà, huyện Tân Châu; vùng nuôi cá lóc (lóc đen, lóc bông) tại các xã Phước Ninh, Phước Minh thuộc huyện Dương Minh Châu; vùng nuôi cá hỗn hợp tại xã Lộc Ninh, huyện Dương Minh Châu; vùng nuôi cá tra tập trung của Công ty TNHH công nghệ thực phẩm Miền Đông tại xã Hưng Thuận, thị xã Trảng Bàng.
Nâng cấp, xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ vùng nuôi tập trung, chuyên canh gồm các hạng mục như: nâng cấp hệ thống đường giao thông; hệ thống cấp, thoát nước; hệ thống điện; hệ thống cột chống sét; hệ thống ao xử lý nước; hệ thống tái sử dụng nước nuôi trồng thuỷ sản để tưới tiêu phục vụ nông nghiệp gồm nước nuôi thuỷ sản sau khi xử lý được bơm vào kênh tưới hoặc thiết kế tự chảy tuỳ vào điều kiện thực tế từng vùng nuôi.
Đến năm 2025, nhu cầu giống phục vụ nuôi trồng thuỷ sản trên toàn tỉnh là 46 triệu con/năm, trong đó nhu cầu giống thuỷ sản nuôi thâm canh diện tích 90 ha là 18 triệu con; nuôi hộ gia đình theo mô hình quảng canh, bán thâm canh với diện tích 580 ha là 18 triệu con; giống thuỷ sản đặc sản khoảng 10 triệu con.
Người dân nuôi cá chạch lấu.
Tỉnh khuyến khích việc xây dựng, phát triển các trang trại sản xuất giống thuỷ sản, phấn đấu đến năm 2025 đáp ứng được 70% - 80% nhu cầu giống thuỷ sản trên địa bàn tỉnh. Cơ cấu giống thuỷ sản truyền thống là 37,5%, giống thuỷ sản có năng suất và giá trị kinh tế cao là 37,5%, thuỷ sản đặc sản 25%.
Bên cạnh đó, tỉnh tăng cường thu hút, mời gọi các nhà đầu tư có năng lực, kinh nghiệm xây dựng nhà máy chế biến thức ăn thuỷ sản, thuốc thuỷ sản, sản phẩm xử lý cải tạo môi trường trong nuôi trồng thuỷ sản, thức ăn bổ sung… nhằm chủ động được nguồn thức ăn, kéo giảm giá thành sản xuất; tạo điều kiện thuận lợi về giao thông, bến bãi để doanh nghiệp vận chuyển nguyên liệu, thức ăn thành phẩm với giá thành rẻ nhất theo tuyến đường thuỷ, đặc biệt là tuyến sông Vàm Cỏ Đông.
Thực hiện việc khoanh vùng và xây dựng vùng nuôi chuyên canh, tập trung thử nghiệm tại xã Lộc Ninh với diện tích 70 ha và xã Truông Mít với diện tích 20 ha; khoanh vùng và lựa chọn khu vực phù hợp để xây dựng vùng nuôi thuỷ sản chuyên canh, tập trung gắn với hệ thống kênh thuộc công trình thuỷ lợi Dầu Tiếng.
Thu hút, lựa chọn các nhà đầu tư có năng lực đầu tư phát triển nuôi trồng thuỷ sản chuyên canh tại các vùng nuôi tập trung mới gắn với hệ thống kênh thuộc công trình thuỷ lợi Dầu Tiếng; thu hút đầu tư nhà máy thu gom, sơ chế, thuỷ sản; xây dựng các chuỗi liên kết trong sản xuất - sơ chế - tiêu thụ sản phẩm.
Nhi Trần
Củng cố, phát triển các vùng chuyên canh nuôi thuỷ sản tập trung hiện có; nâng tổng diện tích các vùng chuyên canh từ 110 ha hiện nay lên 200 ha vào năm 2025 và 230 ha vào năm 2030.
Quy hoạch, đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng vùng nuôi trồng thuỷ sản tập trung thử nghiệm tại xã Lộc Ninh với diện tích 70 ha và tại xã Truông Mít, huyện Dương Minh Châu với diện tích 20 ha.
Quy hoạch, xây dựng các vùng nuôi chuyên canh, tập trung mới gắn với hệ thống kênh thuộc công trình thuỷ lợi Dầu Tiếng, định hướng đến năm 2025 diện tích vùng chuyên canh là 90 ha, tổng diện tích nuôi trồng thuỷ sản trong tỉnh là 670 ha; đến năm 2030, diện tích vùng chuyên canh là 650 ha; tổng diện tích nuôi trồng thuỷ sản trong tỉnh là 1.250 ha. Sản lượng nuôi trồng thuỷ sản 20.000 tấn vào năm 2025 và 90.000 tấn vào năm 2030.
Phấn đấu đến năm 2025, thu hút đầu tư được ít nhất là 1 nhà máy thu gom, sơ chế thuỷ sản và đến năm 2030 ít nhất là 2 nhà máy. Xây dựng được từ 2 chuỗi liên kết giá trị ngành hàng thuỷ sản trở lên.
- Kỹ thuật nuôi tôm, nuôi cá, phòng trị bệnh tôm, cá và các loại thủy sản khác
Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.