Nguồn tin: Báo Đồng Khởi, 07/03/2022
Ngày cập nhật:
9/3/2022
Hiện tỉnh Bến Tre đang phát triển 5 đối tượng nuôi có giá trị kinh tế bao gồm tôm sú, tôm chân trắng, cá tra, nghêu và tôm càng xanh. Trong đó, tôm càng xanh được nuôi bằng nhiều hình thức như nuôi trong mương vườn dừa, nuôi bán thâm canh trong ao đất và nuôi xen canh với trồng lúa. Hiện tại phong trào nuôi tôm - lúa cũng đang phát triển ổn định với diện tích khoảng 6.600ha và có khả năng phát triển khoảng 15.000ha, sản lượng 1.060 tấn. Đặc biệt, việc áp dụng quy trình nuôi tôm càng xanh toàn đực xen trong ruộng lúa, đồng thời luân canh tôm sú sinh thái thích ứng với tình trạng xâm nhập mặn, biến đổi khí hậu là điều cần thiết trong giai đoạn hiện nay.
Mô hình nuôi tôm - lúa của Công ty TNHH Xã hội chuỗi tôm rừng Minh Phú, tại ấp An Bình, xã An Nhơn, huyện Thạnh Phú. Ảnh: H. Hiệp
“Con tôm ôm cây lúa”
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đoàn Văn Đảnh chia sẻ, việc áp dụng quy trình nuôi tôm càng xanh toàn đực xen trong ruộng lúa, đồng thời luân canh tôm sú sinh thái thích ứng với tình trạng xâm nhập mặn, biến đổi khí hậu là hướng đi phù hợp mang lại hiệu quả kinh tế và môi trường một cách thiết thực và bền vững. Mô hình canh tác tôm - lúa trong thời gian qua đã đạt được hiệu quả rõ nét, thiết thực và ổn định, giúp người dân nâng cao thu nhập trên cùng một đơn vị diện tích, cân bằng môi trường sinh thái, cải tạo môi trường, làm giảm dịch bệnh. Đặc biệt, được sự quan tâm của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thông qua Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, tỉnh đã chủ trì thực hiện nhiều dự án tôm càng xanh xen, luân canh trong ruộng lúa giai đoạn 2019 - 2021, bước đầu đã mang lại những kết quả đáng khích lệ. Về lúa, năng suất khoảng 4,8 tấn/ha/vụ; về tôm, năng suất bình quân 500kg/ha/vụ (kích cỡ 20 con/kg, 6 tháng nuôi, tỷ lệ sống 60%). Ngoài ra, còn có Dự án WB9 trong năm 2021 với 60ha đã mang lại những hiệu quả thiết thực.
Mặt khác, trong năm 2022 thực hiện Dự án đầu tư sản xuất tôm - lúa có trách nhiệm tại tỉnh do Công ty THHH Xã hội chuỗi tôm rừng Minh Phú làm chủ dự án. Quy mô 30ha tại ấp An Bình, xã An Nhơn, huyện Thạnh Phú. Dự án này hứa hẹn sẽ mang lại hiệu quả trên nhiều mặt kinh tế - xã hội, môi trường. Góp phần vào sự thành công của Đề án tái cơ cấu lại ngành nông nghiệp của tỉnh trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và đa dạng hóa đối tượng nuôi phù hợp với tình hình biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn đang ngày càng gay gắt.
Tại hội thảo mô hình tôm - lúa khu vực đồng bằng sông Cửu Long, được tổ chức tại tỉnh Bạc Liêu hồi đầu tháng 2-2022, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho biết: Đây không phải là mô hình mới, thậm chí từ những năm 2001 đã thực hiện. Nhưng tại sao nó mất luôn và tới những năm 2020 mới phục hồi dần lại? Bộ trưởng kêu gọi mọi người cùng suy nghĩ tại sao một mô hình là kết tinh từ giá trị tri thức, từ tâm huyết của các nhà khoa học, nhưng lại chậm phát triển?
Bộ trưởng Lê Minh Hoan gợi mở, cần tổ chức cho những người nông dân ngồi lại với nhau, cùng ngẫm nghĩ, thảo luận để chia sẻ những giá trị của mô hình này. “Nông dân sáng ra đồng, tối về ngủ, thành ra những thông tin, tri thức, tâm huyết đó không đến được với họ, thậm chí đại bộ phận nông dân họ xa lạ với những thuật ngữ, ý tưởng của chúng ta”. Bộ trưởng nhận xét và nói rằng: “Thành ra họ vẫn chọn làm theo cách truyền thống, tức xảy ra chuyện xung đột người này, người kia dẫn đến dần tan rã”. Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, cần xây dựng một nơi sinh hoạt cộng đồng để tại đây, doanh nghiệp, chuyên gia và bà con nông dân cùng ngồi lại để trao đổi bằng suy nghĩ, bằng tâm thức của người nông dân, thì mới có dịch chuyển từ họ, tức những mô hình hay mới lan tỏa vào cộng đồng, phát huy được giá trị.
Vì sao mô hình chưa thể nhân rộng?
Theo Giám đốc Trung tâm Khuyến nông, khuyến ngư Châu Quang Trị, thời gian qua, tỉnh tập trung nuôi ở huyện Thạnh Phú, là địa bàn có vị trí địa lý gần sông Cổ Chiên và sông Hàm Luông nên thuận lợi cho việc cung cấp nước cho mô hình lúa - tôm càng xanh. Chi phí đầu tư rất thấp, có thể tiếp cận được giống tôm càng xanh tại địa phương. Do diện tích canh tác không nhiều, trung bình dưới 1ha và mô hình lúa - tôm càng xanh cũng không đòi hỏi nhiều lao động nên sử dụng lao động gia đình là chủ yếu, ngoại trừ khi thu hoạch trong thời gian ngắn là cần nhiều người. Người dân đã có kinh nghiệm sản xuất mô hình lúa - tôm càng xanh. Sản xuất lúa - tôm càng xanh được đánh giá là mô hình sản xuất nông nghiệp bền vững, ít rủi ro so với các mô hình nuôi trồng thủy sản khác và được xem như mô hình thích ứng với biến đổi khí hậu.
Bên cạnh các kết quả đạt được, mô hình canh tác lúa - tôm càng xanh luôn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Thời tiết thay đổi bất thường đã ảnh hưởng đến năng suất của lúa và tôm. Suy thoái môi trường nước mặt ảnh hưởng đến sự phát triển của tôm càng xanh. Năng suất mô hình nuôi tôm càng xanh trên ruộng lúa còn thấp. Diện tích đất trung bình của 1 hộ thấp, nhưng người dân thiếu kết nối trong sản xuất để tiêu thụ sản phẩm được tốt hơn. Về thị trường đầu ra, tôm càng xanh bị cạnh tranh với tôm sú, thẻ chân trắng. Trình độ kỹ thuật của nông dân còn thấp, chủ yếu dựa vào kinh nghiệm. Năng suất tôm còn thấp nên lợi nhuận chưa cao. Chưa có định hướng xây dựng thương hiệu tôm và lúa an toàn để nâng cao giá trị sản phẩm. Tỉnh chưa chủ động được về con giống.
Các giải pháp để cải thiện mô hình
Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đoàn Văn Đảnh, cần thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ giống tái sản xuất khi bị rủi ro thiên tai, dịch bệnh. Có chính sách ưu đãi như giảm miễn thuế, cho tư nhân vay lãi suất thấp. Tổ chức cung cấp con giống, nuôi thương phẩm, dịch vụ thức ăn, thuốc thú y phòng trị bệnh tại vùng nuôi của huyện. Ngành nông nghiệp nên xem lúa thơm - tôm sạch là một chuỗi giá trị ngành hàng để có sự đầu tư đúng mức về cơ sở vật chất, hạ tầng cũng như cơ chế, chính sách một cách đầy đủ và đồng bộ.
Nên chọn địa điểm nuôi tôm càng xanh ruộng lúa có độ mặn từ 2 - 5%o, ruộng nuôi có chất đáy bùn cát và cát bùn là phù hợp. Chọn giống đảm bảo chất lượng, kích thước giống thả nuôi đạt tiêu chuẩn kỹ thuật, mật độ tôm giống thả nuôi trung bình từ 3 - 5 con/m2. Nên thả giống từ tháng 4 - 6 và trồng lúa từ tháng 7 - 8 dương lịch. Nên cho tôm ăn bằng cách rải đều và kết hợp kiểm tra bằng sàng ăn để tính lượng thức ăn cần thiết cho tôm, giúp hạn chế sự ô nhiễm môi trường nước. Các viện, trường chuyển giao công nghệ nghiên cứu giống lúa chịu mặn; sinh sản tôm càng xanh toàn đực để đủ đáp ứng nhu cầu tại địa phương. Thực hiện các đề tài nghiên cứu chuyên sâu về bệnh tôm càng xanh, về mật độ nuôi, để nâng cao hiệu quả nghề nuôi tôm càng xanh ruộng lúa. Các giải pháp về vốn, tăng đầu tư từ nguồn vốn ngân sách nhà nước cho công tác nghiên cứu khoa học, khuyến ngư, nâng cao năng lực của cán bộ trong ngành. Hỗ trợ vốn xây dựng các mô hình trình diễn ứng dụng công nghệ mới để triển khai nhân rộng. Xây dựng thương hiệu tôm - lúa sạch, tạo sản phẩm đặc trưng của vùng nhằm tiêu thụ hết nguyên liệu cho người nuôi, giảm bớt rủi ro khi thị trường có biến động xấu.
Thu Huyền
- Kỹ thuật nuôi tôm, nuôi cá, phòng trị bệnh tôm, cá và các loại thủy sản khác
Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.