Nguồn tin: Báo Thái Bình, 07/01/2022
Ngày cập nhật:
9/1/2022
Phát huy tiềm năng của huyện ven biển, thời gian qua đã có nhiều hộ nuôi tôm ở Thái Thụy (tỉnh Thái Bình) mạnh dạn đầu tư mô hình nuôi tôm công nghệ cao mang lại hiệu quả kinh tế cao. Tuy nhiên, việc phát triển mở rộng mô hình này trên địa bàn huyện vẫn còn gặp không ít khó khăn, thách thức.
Ương dưỡng tôm giống tại Công ty TNHH Phương Nam.
Tiềm năng lớn để nuôi tôm công nghệ cao
Thái Thụy là một trong hai huyện ven biển của tỉnh, có 27km bờ biển và hàng chục nghìn héc-ta bãi triều, đây là tiềm năng rất lớn để phát triển nuôi trồng thủy sản, nhất là nuôi tôm nước lợ. Toàn huyện hiện có 1.430ha nuôi trồng thủy sản nước lợ, trong đó diện tích nuôi tôm 1.294ha, còn lại là diện tích nuôi cá và các đối tượng nuôi khác. Từ năm 2010 đến nay, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và bất lợi của môi trường nên nhiều hộ nuôi tôm trong huyện đã chủ động chuyển dần từ phương thức nuôi quảng canh, bán thâm canh sang nuôi tôm công nghệ cao.
Ông Nguyễn Văn Quyết, thôn Bích Du, xã Thái Thượng cho biết: Nhận thấy nuôi tôm theo hình thức quảng canh truyền thống kém hiệu quả, năm 2018 tôi đã mạnh dạn đầu tư hơn 3 tỷ đồng để nuôi tôm công nghệ cao với tổng diện tích 1ha, trong đó xây dựng hệ thống ao nuôi, ao ương dưỡng tôm giống, ao chứa, xử lý nước nuôi và ao chứa, xử lý nước thải cùng hệ thống công trình phụ trợ. Nhờ đầu tư đồng bộ khu ao nuôi cùng với kinh nghiệm nuôi tôm nhiều năm đã giúp tôi áp dụng mô hình thuận lợi và cho hiệu quả kinh tế cao. Trung bình một năm nuôi từ 4 - 5 vụ, năng suất và sản lượng đạt 10 - 15 tấn/ha/vụ, doanh thu đạt 2 - 3 tỷ đồng/ha/vụ.
Nhận thấy hiệu quả kinh tế từ mô hình nuôi tôm công nghệ cao mang lại, thời gian qua đã có nhiều doanh nghiệp và hộ nuôi tôm trong huyện đầu tư nuôi tôm công nghệ cao. Năm 2021, Thái Thụy mở rộng được 100ha diện tích nuôi tôm công nghệ cao, tăng 15ha so với năm 2020, tập trung chủ yếu tại các xã, thị trấn ven biển. Việc mở rộng diện tích nuôi tôm công nghệ cao đã giúp doanh nghiệp và người nuôi tôm nâng cao năng suất, sản lượng và giá trị kinh tế, góp phần phát triển nghề nuôi tôm theo hướng hiệu quả, bền vững, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân, đồng thời đóng góp tích cực cho tăng trưởng sản lượng nuôi trồng thủy hải sản của huyện hàng năm đạt từ 50.000 - 60.000 tấn.
Còn nhiều khó khăn, thách thức
Mặc dù diện tích nuôi tôm công nghệ cao của Thái Thụy tăng hàng năm nhưng vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của huyện. Minh chứng là diện tích nuôi tôm công nghệ cao mới chỉ đạt gần 8% tổng diện tích nuôi tôm toàn huyện. Thành công của các hộ nuôi tôm công nghệ cao đang mở ra triển vọng mới, thúc đẩy nghề nuôi tôm phát triển hiệu quả, bền vững, góp phần thay đổi cuộc sống của người dân Thái Thụy nhưng thực tế cho thấy các doanh nghiệp, hộ nuôi tôm trong huyện đang gặp phải không ít khó khăn, thách thức trong việc đầu tư áp dụng mô hình mới này.
Ông Đỗ Quang Bốn, Giám đốc Công ty TNHH Phương Nam (xã Thái Thượng) cho biết: Để nuôi tôm công nghệ cao đòi hỏi nguồn vốn đầu tư rất lớn nhưng người nông dân lại gặp khó khăn trong làm thủ tục thế chấp để vay vốn ngân hàng. Các ngân hàng vẫn còn e dè với việc cho người dân vay vốn đầu tư nuôi tôm, việc giải quyết cho vay còn khó khăn và cũng chỉ vay được rất ít, vài chục triệu đồng/hộ, tùy vào tài sản thế chấp. Ngoài ra, công tác quản lý đất đầm nuôi trồng thủy sản còn nhiều bất cập, đến nay vẫn chưa có văn bản mới để người dân có điều kiện thuê lâu dài và được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để làm cơ sở vay vốn phát triển nuôi tôm.
Mô hình nuôi tôm công nghệ cao tại xã Thái Thượng (Thái Thụy).
Ngoài nguồn vốn lớn, nuôi tôm công nghệ cao đòi hỏi người dân phải biết ứng dụng khoa học kỹ thuật. Trong khi đó, đa số các hộ vẫn quen với cách nuôi truyền thống vốn đã lạc hậu. Ngoài ra, vấn đề môi trường cũng là trở ngại không nhỏ bởi nuôi tôm công nghệ cao sử dụng nguồn nước và nguồn thức ăn rất lớn nên chất thải chưa qua xử lý xả ra môi trường sẽ gây ô nhiễm môi trường; công tác kiểm soát chất lượng tôm giống chưa bảo đảm; biến đổi khí hậu ngày càng bất lợi cho nuôi tôm...
Theo ông Bùi Huy Tập, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện: Để góp phần khắc phục các tồn tại, khó khăn đối với nghề nuôi tôm, nhất là đầu tư phát triển nuôi tôm công nghệ cao, UBND huyện Thái Thụy đã đề nghị các cấp, ngành của tỉnh từng bước giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong việc vay vốn của người dân; đầu tư nguồn vốn để hỗ trợ xây dựng hoàn thiện các hạng mục công trình của các vùng chuyển đổi nuôi tôm nước lợ, nhất là hệ thống cấp, tiêu nước và đường điện hạ thế phục vụ nuôi tôm công nghệ cao. Bên cạnh đó, huyện đã và đang tích cực triển khai đề án phát triển thủy sản của tỉnh nhằm giúp các hộ dân chuyển từ nuôi tôm theo phương thức cũ sang nuôi công nghệ cao. Đồng thời, đẩy mạnh chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho nông dân và tổ chức đi tham quan các mô hình để có thêm kiến thức áp dụng trong nuôi tôm.
Trần Tuấn
- Kỹ thuật nuôi tôm, nuôi cá, phòng trị bệnh tôm, cá và các loại thủy sản khác
Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.