Nguồn tin: Báo Đồng Khởi, 18/03/2022
Ngày cập nhật:
19/3/2022
Những năm gần đây, tại các xã biển đang ngày càng xuất hiện nhiều nhân tố mới mang tính điển hình trong phát triển kinh tế nông nghiệp. Hiện có rất nhiều nông dân “chân đất” đã và đang trở thành tỷ phú từ mô hình nuôi tôm công nghệ cao. Ông Nguyễn Văn Thừa, ấp Thạnh An, xã Thạnh Phong, huyện Thạnh Phú (tỉnh Bến Tre), là một điển hình “nông dân tỷ phú”.
“Nông dân tỷ phú” Nguyễn Văn Thừa bên ao tôm công nghệ cao.
Mạnh dạn chuyển đổi mô hình
Ông Nguyễn Văn Thừa vừa được tuyên dương là nông dân Bến Tre xuất sắc giai đoạn 2018 - 2020, tại Chương trình tôn vinh “Nông dân Bến Tre xuất sắc” lần 2, do Hội Nông dân tỉnh tổ chức vào đầu năm 2022. Để có được thành công như hôm nay, ông Thừa đã quyết tâm bám trụ nghề nuôi tôm, liên tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức trong từng thời điểm khác nhau. Đến khi chuyển sang nuôi tôm công nghệ cao, ông mới thật sự nắm bắt được thành công và vững niềm tin để tiếp tục phát triển hơn nữa.
Ông Thừa nhớ lại: Từ nhiều năm trước, ông đã mạnh dạn đầu tư nuôi tôm. Tuy nhiên, ông cũng như nhiều nông dân khác gặp rất nhiều khó khăn do kinh nghiệm nuôi tôm chưa nhiều, thời tiết không thuận lợi, tôm thường bị chết với số lượng lớn. Với niềm đam mê nuôi tôm và quyết tâm cao độ, ông vẫn bám trụ vào nghề nuôi tôm.
“Từ năm 2017, được sự hỗ trợ của chính quyền, Hội Nông dân các cấp và Công ty cổ phần Chăn nuôi C.P Việt Nam Chi nhánh Bến Tre, tôi đã mạnh dạn chuyển đổi sang mô hình nuôi tôm công nghệ cao. Tất cả quy trình nuôi được khép kín và áp dụng các quy chuẩn kỹ thuật rất nghiêm ngặt, góp phần bảo vệ môi trường. Nếu như theo cách nuôi tôm truyền thống như trước đây, 1ha đất sẽ có 2 ao nuôi, mỗi ao khoảng 4 ngàn mét vuông mặt nước. Diện tích còn lại là ao lắng xử lý nước, tuy có thể thả tôm với mật độ dày nhưng hiệu quả không cao. Với cách nuôi tôm công nghệ cao, 1ha đất chỉ nuôi khoảng 1.500m2 mặt nước. Phần diện tích còn lại làm ao ương và ao xử lý nước. Cách làm này có thể thả tôm với mật độ cao dày đặc, rồi liên tục thay đổi nguồn nước sạch nên tôm lớn nhanh, ít bệnh, cho năng suất cao, tăng hơn 3 lần so với thả nuôi theo cách truyền thống…”, ông Nguyễn Văn Thừa chia sẻ.
Ông Thừa so sánh, mặc dù nuôi tôm công nghệ cao vốn đầu tư ban đầu khá lớn, khoảng 1 tỷ đồng/ha để xây dựng bể nổi chứa nước có phủ bạt, làm hệ thống tạo oxy, hệ thống xử lý nước thải, kho chứa thức ăn... nhưng đổi lại là đạt kết quả rất cao. Do nuôi khép kín, quản lý được thức ăn, môi trường nước được xử lý kỹ, quản lý được dịch bệnh ngay từ ban đầu nên hạn chế được tối đa các mầm bệnh so với cách nuôi truyền thống. Đồng thời, tôm lớn nhanh, dễ thu hồi vốn và mau có lợi nhuận.
Quy trình nuôi tôm trải qua giai đoạn ương và giai đoạn nuôi thương phẩm. Mỗi giai đoạn, tôm được nuôi trong một ao phù hợp, tôm sẽ được di chuyển từ ao này sang ao khác sau mỗi giai đoạn, theo dòng chảy tự nhiên, nhờ đó tôm không bị sốc nước. Nuôi tôm công nghệ cao rủi ro rất thấp. Hơn nữa, đây là xu thế tất yếu trong nuôi trồng thủy sản hiện đại. Đặc biệt, nuôi tôm theo quy trình tiên tiến nên chủ động trong sản xuất, giảm sự lệ thuộc vào thời tiết, không dùng kháng sinh nên cho sản phẩm tôm sạch, nâng cao năng suất và chất lượng. Từ đó, được rất nhiều doanh nghiệp bao tiêu thu mua.
Lợi thế thành công
“Với mật độ thả nuôi 300 con/m2, sau hơn 2 tháng, tôm trong bể có thể đạt trọng lượng khoảng 30 con/kg. Hiện tại, tổng diện tích nuôi tôm công nghệ cao của tôi là 3,7ha, năng suất 60 tấn/vụ nuôi, lợi nhuận hơn 1 tỷ đồng/năm, góp phần giải quyết việc làm cho nhiều lao động nghèo tại địa phương...”, ông Thừa bộc bạch.
Lợi thế của nuôi tôm công nghệ cao còn là tôm thu hoạch có kích cỡ lớn do có thể sang tách ao nhiều giai đoạn. Tôm nuôi ao ương 25 ngày sẽ có thể sang ao thương phẩm và tiếp tục sang tách ao theo các mốc thời gian sau 40 ngày và sau 50 ngày… Mật độ khoảng 50 - 60 con/m2 mới có thể nuôi tôm cỡ 20 con/kg. Do đó, chỉ nuôi theo mô hình công nghệ cao thì mới có thể tách ao nhiều giai đoạn. Với lợi thế này, hầu hết các ao nuôi tôm công nghệ cao trong vùng đều đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhất trong năm 2021, khi mà tỉnh thực hiện đợt giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Cũng thời điểm này, các doanh nghiệp chỉ ưu tiên thu mua tôm cỡ lớn để xuất khẩu. Kết quả mỹ mãn đã đến là lúc này, ông Thừa cùng với nhiều hộ nuôi công nghệ cao trên địa bàn đều thu hoạch được tôm để bán với giá cao ổn định.
Ông Trần Văn Tơ - Chủ nhiệm Câu lạc bộ Nông dân tỷ phú huyện Thạnh Phú nhận định: Ông Nguyễn Văn Thừa là một trong những thành viên gương mẫu của Câu lạc bộ Nông dân tỷ phú huyện. Ông luôn cùng các thành viên tìm tòi những sáng kiến hay, tiến bộ khoa học công nghệ để ứng dụng vào lao động sản xuất, từng bước hoàn thiện hơn nữa mô hình nuôi tôm công nghệ cao tại địa phương. Ông cùng các thành viên câu lạc bộ thường xuyên chia sẻ kinh nghiệm, tuyên truyền, vận động, hỗ trợ các hội viên, nông dân có đủ điều kiện tham gia mô hình để ngày càng có nhiều hơn nữa những nông dân tỷ phú từ mô hình nuôi tôm công nghệ cao.
Tấm gương sản xuất giỏi cấp tỉnh của nông dân tỷ phú Nguyễn Văn Thừa và sự lan tỏa hiệu quả từ mô hình nuôi tôm công nghệ cao cũng chính là những “điểm sáng” về niềm tin và khát vọng phát triển hướng Đông của tỉnh trong thời gian tới.
Bài, ảnh: Cẩm Trúc
- Kỹ thuật nuôi tôm, nuôi cá, phòng trị bệnh tôm, cá và các loại thủy sản khác
Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.