Nguồn tin: VOV, 20/03/2022
Ngày cập nhật:
24/3/2022
Đến cù lao Tân Phú Đông, tỉnh Tiền Giang hỏi đến tên ông Tuấn Hiền - tên thường gọi của anh Ngô Minh Tuấn thì rất nhiều người biết và trầm trồ ngợi khen tấm gương lao động giỏi, làm giàu từ mô hình nuôi trang trại tôm công nghệ cao.
Mô hình nuôi tôm công nghệ cao của anh Ngô Minh Tuấn (44 tuổi)- nông dân ở ấp Bãi Bùn, xã Phú Thạnh, huyện Tân Phú Đông, tỉnh Tiền Giang có quy mô lớn và thành công nhất ở địa phương này. Mô hình không chỉ giúp người nông dân này làm giàu trên vùng đất khó mà còn là “hạt nhân” đi đầu, mở ra hướng nuôi tôm theo kiểu tiên tiến làm thay đổi tư duy, phương thức nuôi thủy sản của người dân vùng cù lao.
Đến cù lao Tân Phú Đông, tỉnh Tiền Giang hỏi đến tên ông Tuấn Hiền - tên thường gọi của anh Ngô Minh Tuấn thì rất nhiều người biết đến và trầm trồ ngợi khen tấm gương lao động giỏi, làm giàu từ mô hình nuôi trang trại tôm công nghệ cao.
Trước đây, gia đình anh Ngô Minh Tuấn nuôi tôm sú công nghiệp với diện tích khoảng 2 ha đất, nhưng hiệu quả không cao do bị dịch bệnh. Từ năm 2015, thấy con tôm công nghệ cao có triển vọng, nhất là ít rủi ro nên anh Tuấn mạnh dạn thuê đất ruộng để đào ao, đầu tư nuôi thử nghiệm mô hình này. Nhờ có kiến thức, kinh nghiệm, kỹ thuật được học hỏi, tiếp thu từ báo đài, các ngành chuyên môn anh đã áp dụng vào quy trình nuôi tôm công nghệ cao nên khá thành công.
Sau mỗi năm, tích lũy được vốn, anh sang nhượng thêm đất để mở rộng mô hình. Đến nay, anh Ngô Minh Tuấn đã làm chủ 5 trang trại nuôi tôm công nghệ cao với hơn 30 ha đất ở các xã Phú Thạnh (2 khu), Phú Tân (2 khu) và Phú Đông (1khu).
Mô hình nuôi tôm công nghệ cao của người nông dân vùng cù lao này không chỉ có quy mô lớn mà được đầu tư rất đúng chuẩn để con tôm phát triển. Trên diện tích các trang trại, anh dành khoảng 20% diện tích để xây các ao tôm, vách xung quanh bằng bê tông, đáy phủ bạc, mặt ao che lưới; 80% diện tích đất còn lại là các ao xử lý nước đầu vào, đầu ra đạt “ sạch” đúng quy định. Tính trung bình mỗi ha đất nuôi tôm anh đầu tư khoảng 1,5 tỷ đồng.
Một trong 5 trang trại nuôi tôm công nghệ cao của anh Ngô Minh Tuấn tại xã Phú Đông, huyện Tân Phú Đông.
Qua hơn 6 năm gắn bó với con tôm thẻ chân trắng công nghệ cao, anh Tuấn luôn thành công, năng suất tôm đạt từ 45-50 tấn/ha, cao hơn 2 lần so với các mô hình nuôi tôm truyền thống trước đây, thu lãi đạt trên 40%.
Cụ thể năm 2020, anh thu hoạch tôm được 440 tấn, năm ngoái do dịch Covid-19 nên cắt vụ, giảm còn 360 tấn. Mỗi khi thu hoạch tôm, các doanh nghiệp chế biến thủy sản xa gần hay các nhà vựa ở các chợ đầu mối tại TP. HCM đến thu mua theo hợp đồng, nên sản phẩm đầu ra rất ổn.
Thành công nhất của mô hình nuôi tôm thẻ công nghệ cao này là tỉ lệ tôm sống đến khi thu hoạch đạt hơn 90% nên đảm bảo có lãi. Mới đây, dù hết vụ nhưng anh Ngô Minh Tuấn cũng thu hoạch được 40 tấn tôm thẻ chân trắng, bán với giá 180.000 đồng/kg (loại 30 con/kg).
Đề cập đến yếu tố quan trọng để nuôi tôm công nghệ cao thành công, anh Ngô Minh Tuấn chia sẻ: "Đầu tiên là quy trình nuôi, con giống phải tốt, phải nuôi nước sạch và đủ điều kiện về ô-xy; kiểm tra môi trường hàng ngày và quan trọng nhất là phải có kỹ thuật nuôi. So với trước đây thì mô hình nuôi công nghệ cao này giảm rủi ro, không có dịch bệnh, rất an toàn, sản lượng đạt cao hơn".
Ở thời điểm này, các trang trại nuôi tôm công nghệ cao của anh Ngô Minh Tuấn là một trong những mô hình có quy mô lớn và đầu tư bài bản nhất vùng ĐBSCL. Để chăn nuôi đạt hiệu quả, anh còn tuyển chọn 40 lao động có tay nghề gắn bó với các ao tôm; trong đó có 14 kỹ sư thủy sản có trình độ chuyên môn cao. Trước khi dịch bệnh bùng phát, các ao tôm này mỗi tháng tiếp đón gần 20 đoàn khách trong nước đến tham quan, trao đổi kinh nghiệm, kỹ thuật nuôi tôm công nghệ cao.
Ngoài nuôi tôm công nghệ cao, gia đình anh Ngô Minh Tuấn còn phát triển lĩnh vực kinh doanh thức ăn, thuốc thú y thủy sản và cung ứng con giống tôm cho người dân tại địa phương. Hiện tại công ty TNHH Nuôi trồng thủy sản Tuấn Hiền do anh làm chủ đã có nhiều cửa hàng kinh doanh ở các Phú Thạnh, Phú Tân để phục vụ nhu cầu chăn nuôi tôm của nông dân.
Từ mô hình nuôi tôm công nghệ cao của anh Ngô Minh Tuấn đã có gần 200 nông dân khác ở huyện Tân Phú Đông, Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang học hỏi, nhân rộng mô hình. Các hộ chưa am hiểu kỹ thuật nuôi tôm đều được anh tận tình tư vấn, giúp đỡ họ về kiến thức cũng như con giống, nguồn thức ăn, thuốc thú y thủy sản...
Nhờ gắn bó với con tôm thẻ công nghệ cao, gia đình anh Ngô Minh Tuấn đã trở nên khá giả và được mệnh danh là “tỉ phú cù lao”, nông dân sản xuất giỏi nhiều năm liền. Hiện nay, anh còn là Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp huyện Tân Phú Đông, rất tích cực với các hoạt động từ thiện, xã hội tại địa phương.
Ông Nguyễn Văn Đoàn Bí thư Đảng ủy xã Phú Thạnh, huyện Tân Phú Đông cho biết: "Phải nói là mô hình của anh Tuấn Hiền rất hiệu quả, nếu nhân rộng được và bền vững thì con tôm ở huyện Tân Phú Đông sẽ phát triển tốt. Anh Tuấn Hiền vừa là chủ doanh nghiệp phát triển kinh tế thủy sản và vừa làm công tác xã hội rất tốt về mặt hỗ trợ cho người nghèo, hộ gia đình khó khăn trong vấn đề xây nhà ở; hỗ trợ các đợt vận động khó khăn trong dịch bệnh Covid-19 theo vận động của Ủy ban MTTQ”.
Công việc quản lý, chăm sóc các trại tôm có quy mô lớn ở những địa bàn khác nhau và hoạt động kinh doanh nên anh Ngô Minh Tuấn bận rộn và không kém phần vất vả nhưng rất lạc quan vì hiệu quả và triển vọng của mô hình.
Ông Nguyễn Văn Hải, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Tân Phú Đông cho biết, toàn xã có khoảng 70 ha ao tôm công nghệ cao; trong đó mô hình của anh Ngô Minh Tuấn đạt hiệu quả cao nhất, làm mô hình "kiểu mẫu" để nhân rộng. Đối với cá nhân anh Tuấn năm nay huyện sẽ đề nghị về trên tặng danh hiệu "Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi cấp toàn quốc".
Theo anh Ngô Minh Tuấn, môi trường nước trong ao là yếu tố quan trọng để nuôi tôm thành công
Vốn là kỹ sư thủy sản nên anh rất có kinh nghiệm và yêu con tôm, quyết đeo đuổi nuôi đạt kết quả cao. Theo anh chỉ có con tôm công nghệ cao mới giúp nông dân vùng cù lao đổi đời, nhưng muốn nuôi thành công là cả một quá trình, đòi hỏi người nông dân cần có vốn và kỹ thuật chăn nuôi. Hướng tới anh tiếp tục nhân rộng mô hình này và giúp đỡ nhiều nông dân phát triển mô hình thay thế mô hình nuôi truyền thống có nhiều rủi ro để cùng làm giàu trên mảnh đất quê hương.
"Hiện tại, thời tiết ngày càng khó, dịch bệnh nhiều nên bây giờ tôi có xây khu nuôi mới với mô hình nuôi ao tròn và che mái để hạn chế dịch bệnh. Qua thu hoạch 2 vụ thì thấy rất an toàn. Hiện tại quỹ đất tôi đã khai thác hết, có thể sẽ nhân rộng thêm; còn đội ngũ kỹ sư lành nghề của tôi thì luôn sẵn sàng đi hỗ trợ khách hàng để triển khai mô hình này".
Đất không phụ lòng người, có chí sẽ thành công, đây là tâm nguyện để phấn đấu đạt được của nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi Ngô Minh Tuấn ở cù lao Tân Phú Đông, tỉnh Tiền Giang. Câu chuyện nuôi tôm công nghệ cao trở thành tỉ phú của anh đã là hiện thực. Đây là ngọn lửa niềm tin, là hướng đi để người dân vùng đất nhiễm mặn của vùng cù lao này phát triển sản xuất, cùng vươn lên làm giàu./.
Nhật Trường/VOV-ĐBSCL
- Kỹ thuật nuôi tôm, nuôi cá, phòng trị bệnh tôm, cá và các loại thủy sản khác
Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.