Nguồn tin: Báo Bà Rịa - Vũng Tàu, 29/03/2022
Ngày cập nhật:
2/4/2022
Với sự đồng thuận của đại đa số các hộ nuôi lồng bè trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, việc di dời, giải tỏa các cơ sở nuôi trồng thủy sản trái phép nằm ngoài vùng quy hoạch đang được ngành chức năng gấp rút triển khai.
Tình trạng nuôi trồng thủy sản lồng bè phát triển ồ ạt, ảnh hưởng lớn đến môi trường sinh thái. Trong ảnh: Khu vực nuôi cá lồng bè trên sông Chà Và, xã Long Sơn.
Cưỡng chế với trường hợp chây ỳ
Là một trong những địa phương có số lượng cơ sở nuôi cá lồng bè trái phép lớn với 160 lồng bè, trải dài trên sông Mỏ Nhát qua địa bàn phường Phước Hòa và xã Tân Hòa, TX. Phú Mỹ thời gian qua đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động chủ cơ sở tự giác di dời ô lồng, công trình nuôi thủy sản ra khỏi khu vực.
Theo ông Nguyễn Thành Nam, Phó Chủ tịch UBND TX. Phú Mỹ, để thuyết phục các hộ nuôi thực hiện việc di dời, cơ quan chức năng đã tới nhà từng hộ vận động ký cam kết không thả giống mới. Sau vụ thu hoạch phải di dời phương tiện, trả lại vùng nước đã lấn chiếm trái phép. Đến nay, 32/42 cơ sở nuôi thủy sản đã tự nguyện di dời, 4 cơ sở đang thực hiện tháo dỡ dần.
“Cùng với việc tiếp tục tuyên truyền, vận động, chúng tôi sẽ áp dụng biện pháp mạnh nếu hộ nào vẫn không chấp hành việc tự di dời”, ông Nam nhấn mạnh.
TP. Vũng Tàu cũng có 125 hộ nuôi trồng thủy hải sản nằm ngoài vùng quy hoạch thuộc diện phải di dời, chủ yếu tập ở sông Dinh đoạn phường Rạch Dừa, phường 12 và xã Long Sơn; khu vực sông Rạng thuộc xã Long Sơn. Năm 2021, thành phố đã tổ chức cưỡng chế, di dời 39 lồng bè, còn 86 lồng bè chưa di dời.
Bà Nguyễn Thị Thu Hương, Phó Chủ tịch UBND TP. Vũng Tàu cho biết, chủ trương của thành phố là đẩy mạnh công tác tuyền truyền để người dân tự tháo dỡ. Đến nay, TP. Vũng Tàu đã vận động 54/86 chủ bè nuôi trồng thủy sản di dời. Trong đó, có 31 chủ bè cam kết sẽ di dời trong thời hạn quy định. Cơ quan chức năng thành phố sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động di dời đến các cơ sở còn lại. Trường hợp nào sau thời gian tuyên truyền, ký cam kết mà không tự di dời, chính quyền địa phương sẽ thực hiện cưỡng chế.
“Thành phố sẽ bố trí lực lượng, chuẩn bị đầy đủ phương tiện khi tiến hành cưỡng chế và cố gắng hoàn thành trong quý II/2022”, bà Hương thông tin.
Đang có lồng bè với diện tích khoảng 1.200m2 nằm ngoài khu quy hoạch nuôi thủy sản của tỉnh, ông Nguyễn Đình Tuấn (TP. Vũng Tàu) sau khi được địa phương giải thích, hướng dẫn đã ký cam kết tự nguyện tháo dỡ lồng bè, trả lại phần diện tích mặt nước xây dựng trái phép.
“Việc xây dựng lại sẽ gặp nhiều khó khăn, bởi tìm kiếm điểm địa mới để di dời lồng bè không dễ. Gia đình tôi rất mong được sự hỗ trợ từ chính quyền địa phương trong việc tìm kiếm địa điểm mới hoặc chuyển đổi nghề để tiếp tục mưu sinh”, ông Tuấn bày tỏ.
Phát triển theo hướng bền vững
Theo báo cáo của Sở NN-PTNT, trên địa bàn tỉnh hiện có 225 cơ sở, hộ dân lấn chiếm đất mặt nước trái phép để nuôi trồng thủy sản và các nhà hàng kinh doanh ăn uống trên sông tại các địa phương như TP. Vũng Tàu, TX. Phú Mỹ và huyện Long Điền.
Những năm qua, tình trạng nuôi trồng thủy sản lồng bè phát triển ồ ạt, vượt xa về quy hoạch của tỉnh, ảnh hưởng lớn đến môi trường sinh thái. Một số hộ dân còn đặt trụ đăng bắt cá và lồng bè ra gần giữa lòng sông, khiến cho việc lưu thông của tàu thuyền gặp khó khăn, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông. Do đó, việc triển khai di dời, giải tỏa các cơ sở nuôi trồng thủy sản trái phép là yêu cầu bức thiết, giúp lưu thông hệ thống đường thủy trên địa bàn tỉnh được thuận lợi hơn. Bên cạnh đó, việc quy hoạch, sắp xếp lại lồng bè nhằm phát triển nuôi trồng thủy sản bền vững và thân thiện với môi trường, giảm thiểu ô nhiễm môi trường sinh thái, quản lý tốt sức khỏe của vật nuôi thủy sản, bảo đảm chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, thuận lợi cho công tác quản lý Nhà nước, cũng như kiểm soát và phòng, chống dịch bệnh.
Theo quy hoạch phát triển hệ thống logistics do Chính phủ phê duyệt, hai bên bờ sông Mỏ Nhát thuộc địa bàn quản lý của UBND TX. Phú Mỹ nằm trong quy hoạch Trung tâm Logistics Cái Mép Hạ. Nơi đây sẽ phát triển hệ thống cảng thủy nội địa, cảng trung chuyển hàng hóa đường biển, trung tâm dịch vụ logistics và KCN Phú Mỹ 3. Từ nhiều năm qua, các cảng, bến tập kết vật liệu xây dựng đã hình thành ở đoạn thượng lưu sông. Gần đây, một số dự án logistics cũng dần hoàn thiện hoặc đang trong quá trình kiểm kê, đền bù mặt bằng. Tuy nhiên, việc chiếm dụng mặt sông và vùng đất ngập nước hai bên bờ nuôi thủy sản lồng bè tự phát tồn tại nhiều năm nay gây khó khăn cho công tác giải phóng mặt bằng các dự án, làm mất cơ hội khai thác hiệu quả, khoa học nguồn tài nguyên đất mặt nước phục vụ phát triển kinh tế-xã hội.
Ông Nguyễn Hữu Thi, Phó Chi cục Thủy sản (Sở NN-PTNT) cho biết, ngành nông nghiệp trước đó đã tổ chức cắm mốc nhận dạng các vùng nuôi, bàn giao thực địa cho các địa phương để nhận dạng và phân biệt ranh giới các tiểu khu nuôi. Qua đó, tạo thuận tiện trong việc bố trí cho các tổ chức, cá nhân nuôi trồng thủy sản thực hiện đăng ký nuôi theo quy định. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ cùng các địa phương tiến hành tuyên truyền, vận động các hộ nuôi nằm ngoài quy hoạch thực hiện việc di dời, giải tỏa trả lại diện tích mặt nước lẫn chiếm.
“Việc sắp xếp dựa trên yêu cầu không chạy theo số lượng, sản lượng mà phát triển thủy sản của tỉnh theo chất lượng, có giá trị kinh tế với các vùng nuôi tập trung có cấp mã số. Đối với những hộ dân nuôi trái phép chiếm dụng mặt nước, trước mắt chính quyền địa phương vận động người dân tự động tháo dỡ trả lại diện tích chiếm dụng ban đầu. Đồng thời, tỉnh cũng đang xây dựng các chính sách về hỗ trợ đào tạo chuyển đổi nghề cho những hộ nuôi bị ảnh hưởng”, ông Thi cho hay.
Bài, ảnh: HỒNG PHÚC
- Kỹ thuật nuôi tôm, nuôi cá, phòng trị bệnh tôm, cá và các loại thủy sản khác
Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.