Nguồn tin: Cổng TTĐT tỉnh Hà Tĩnh, 05/05/2022
Ngày cập nhật:
6/5/2022
Hình thức nuôi tôm quảng canh đang dần bộc lộ nhiều hạn chế trong kiểm soát dịch bệnh nên nhiều người dân Hà Tĩnh đã mạnh dạn đầu tư chuyển đổi sang nuôi bán thâm canh, thâm canh công nghệ cao để tăng năng suất, chất lượng...
Tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh
Vùng nuôi tôm truyền thống của thôn Hà Thanh (xã Tượng Sơn, Thạch Hà) rộng hơn 25 ha, trong đó, gần 15ha người dân đang nuôi theo hình thức quảng canh và quảng canh cải tiến.
Ông Trần Quốc Xuân - người nuôi tôm tại thôn Hà Thanh cho biết: “Nuôi quảng canh thì chi phí giống và thức ăn thấp, cần ít nhân lực… nên tôi vẫn đầu tư gần 10 năm qua. Tuy nhiên, mấy năm trở lại đây, không biết vì nguyên nhân gì mà tôm thường bị dính bệnh, chậm lớn đã có những vụ chúng tôi “mất trắng” số vốn bỏ ra”.
Được biết, tại đây, người dân chỉ nuôi trồng theo kiểu “được chăng hay chớ”, phần lớn tận dụng một phần nguồn giống, nước cấp từ tự nhiên nên năng suất không cao. Trên diện tích từ 1 - 3 ha/hồ, người dân chỉ thả xuống từ 10 - 15 vạn tôm giống, mật độ nuôi rất mỏng.
Chị Nguyễn Thị Hoài Thơ – cán bộ Trung tâm Ứng dụng KHKT và Bảo vệ cây trồng, vật nuôi huyện Thạch Hà cho biết: “Nhiều hộ dân không xây dựng ao lắng, ao cấp, xử lý đúng quy trình nên nguồn nước đã không đảm bảo. Đặc biệt, do thả nuôi trên diện tích ao lớn, mật độ thưa nên khi xảy ra dịch rất khó nắm bắt, khó lấy mẫu; thường chỉ khi thu hoạch thấy “trắng” hồ hoặc tôm cua chết nổi người dân mới báo cáo lên chính quyền. Khi này, các giải pháp xử lý môi trường đều không khả thi nữa”.
Thời điểm này, huyện Kỳ Anh vẫn có hơn 320 ha/500 ha nuôi quảng canh, quảng canh cải tiến (chiếm hơn 60% diện tích).
Ông Nguyễn Đức Thuận - Phó Chủ tịch UBND xã Kỳ Hải cho biết: “Những năm trở lại đây, dịch bệnh chủ yếu xảy ra đầu tiên ở các hộ nuôi quảng canh, quảng canh cải tiến sau đó lây lan ra các hộ nuôi tôm bán thâm canh, thâm canh do vi-rút mang mầm bệnh theo dòng nước đưa ra ngoài”.
Được biết, hiện nay, tổng diện tích nuôi tôm toàn tỉnh đạt khoảng gần 2.200 ha, trong đó, quảng canh, quảng canh cải tiến 1.240 ha (chiếm hơn 50%).
“Với điều kiện môi trường tự nhiên có nhiều thay đổi thường xuyên, nuôi trồng quảng canh đang bộc lộ nhiều hạn chế trong quá trình xử lý dịch bệnh như: không kiểm soát được các vật chủ trung gian truyền bệnh như tôm, cua tự nhiên, nuôi xen ghép nhiều loại, nguồn nước cấp không xử lý sạch bệnh. Khi dịch bệnh xảy ra thì chậm báo cáo chính quyền, không tuân thủ hướng dẫn của ngành chuyên môn…”, bà Đặng Thị Thu Hoàn - Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Hà Tĩnh cho biết.
Đầu tư phát triển bán thâm canh, thâm canh công nghệ cao
Sau gần 10 năm nuôi tôm theo hình thức quảng canh, anh Lê Thành Viên (xã Kỳ Hải, Kỳ Anh) đã quyết định cải tạo ao đầm để chuyển đổi hình thức nuôi theo hướng thâm canh. Anh Viên chia sẻ: “Được hưởng chính sách hỗ trợ của huyện, tôi đã xây dựng hệ thống nuôi tôm bài bản. Trong vụ tôm xuân hè 2022, lần đầu tiên tôi dám thả nuôi hơn 1 triệu con tôm giống; tôm đang phát triển tốt, kích thước đạt chuẩn”.
Được biết, trong năm 2022, huyện Kỳ Anh dự kiến giải ngân 1,3 tỷ đồng theo Nghị quyết 105/NQ-HĐND về một số chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn và xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2023 hỗ trợ đầu tư cho các hộ nuôi trồng thủy sản bán thâm canh, thâm canh; đầu tư 11 tỷ đồng để nâng cấp 2 vùng nuôi lớn thuộc xã Kỳ Thọ và xã Kỳ Thư.
Theo ông Trần Bá Toàn - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Kỳ Anh, hiện nay, hệ thống cơ sở hạ tầng nhiều vùng nuôi trồng thủy sản trọng điểm đã được đầu tư nâng cấp. Chính sách hỗ trợ của huyện đã đi vào sản xuất, nhiều mô hình nuôi tôm được đầu tư chuyển từ nuôi quảng canh sang bán thâm canh, thâm canh công nghệ cao. Từ đó, dịch bệnh được hạn chế, năng suất của đối tượng nuôi theo hình thức này được tăng lên gấp 3,5 lần.
Hiện nay, nhiều tổ chức, cá nhân đã đầu tư hạ tầng cho phát triển nuôi trồng thuỷ sản đạt năng suất 10 - 15 tấn/ha/vụ trong ao đất và 20 - 30 tấn/ha/vụ trong ao nuôi công nghệ cao trên cát ở Kỳ Hải (Kỳ Anh); Kỳ Hà, Kỳ Ninh (TX Kỳ Anh); xã Xuân Liên, Cương Gián (Nghi Xuân)…
Nhờ đó, đến nay, diện tích nuôi thâm canh, bán thâm canh toàn tỉnh tăng dần qua các năm và đạt trên 950 ha, tăng hơn 140 ha so với năm 2017.
Các mô hình nuôi thâm canh công nghệ cao áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật đã khẳng định được sự đúng đắn trong xu thế phát triển của nghề nuôi tôm tại Hà Tĩnh.
Bà Đặng Thị Thu Hoàn - Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Hà Tĩnh cho biết: “Trong điều kiện tự nhiên có nhiều khó khăn như hiện nay, các mô hình nuôi thâm canh công nghệ cao áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật đã khẳng định được sự đúng đắn trong xu thế phát triển của nghề nuôi trồng thủy sản, nhất là nghề nuôi tôm nước lợ tại Hà Tĩnh.
Vì thế, về lâu dài, ngành chuyên môn, chính quyền, người dân cần rà soát, đánh giá bài bản để chuyển đổi dần sang nuôi bán thâm canh, thâm canh công nghệ cao ở những vùng nuôi đạt yêu cầu, điều kiện. Với những vùng nuôi quảng canh thì nên gắn trách nhiệm cho người dân, giám sát tốt để hạn chế dịch bệnh, áp dụng nuôi xen canh cá đối, cá rô phi, cá dìa nhằm làm sạch tạp chất, vật truyền bệnh… Cùng với đó, người dân cần nâng cao ý thức trong theo dõi môi trường, dịch bệnh và báo cáo kịp thời cho chính quyền; xây dựng nhận thức cộng đồng cùng bảo vệ và phát triển”.
Theo BHT
- Kỹ thuật nuôi tôm, nuôi cá, phòng trị bệnh tôm, cá và các loại thủy sản khác
Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.