• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Huyện Đông Hải (Bạc Liêu): Nhân rộng các mô hình nuôi trồng và khai thác thủy sản hiệu quả

Nguồn tin: Báo Bạc Liêu, 06/05/2022
Ngày cập nhật: 8/5/2022

Thời gian qua, tuy gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, nhưng với sự tập trung làm tốt công tác chỉ đạo phát triển sản xuất nên thế mạnh trong nuôi trồng và khai thác thủy sản của huyện Đông Hải (tỉnh Bạc Liêu) tiếp tục được phát huy.

Doanh nghiệp tham quan mô hình nuôi tôm công nghệ cao để liên kết sản xuất ở HTX tôm công nghệ cao Đông Hải.

NHIỀU MÔ HÌNH CHO LỢI NHUẬN CAO

Năm 2021, huyện Đông Hải đã thực hiện tốt tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới theo hướng bền vững, góp phần chuyển dịch cơ cấu sản xuất, phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn và không ngừng cải thiện đời sống, nâng cao thu nhập cho nông - ngư dân. Trong đó có nhiều mô hình sản xuất mới, hiệu quả được triển khai nhân rộng. Đặc biệt là thế mạnh trong nuôi trồng thủy sản (NTTS) được đầu tư khai thác và phát triển khá.

Điển hình như mô hình nuôi tôm thẻ siêu thâm canh đã và đang được nhân rộng với diện tích hiện nay trên 900ha, tập trung chủ yếu ở các xã phía Đông của huyện với 110 hộ nuôi. Mô hình được thiết kế ao nuôi bằng ao đất trải bạt, diện tích từ 700 - 1.000m2/ao; hoặc hồ tròn nổi khung sắt, diện tích 700m2/hồ, mật độ ương từ 2.000 - 6.000 con/m2. Sau 20 - 25 ngày chuyển tôm xuống ao nuôi và san thưa ra nhiều giai đoạn. Thời gian nuôi từ 90 - 120 ngày, tỷ lệ thành công trên 90%, năng suất bình quân từ 15 - 18 tấn/ha. Với kích cỡ thu hoạch 30 - 40 con/kg, cho lợi nhuận từ 800 triệu đến 1,2 tỷ đồng/ha/năm. Tiêu biểu cho mô hình nuôi này gồm: Hợp tác xã (HTX) Nuôi tôm công nghệ cao Đông Hải, HTX Nuôi tôm công nghệ cao Thành Đạt, HTX Nuôi tôm công nghệ cao Mỹ Điền và các hộ nông dân như hộ ông Nguyễn Văn Sự (xã Long Điền Đông), ông Huỳnh Hùng Anh (xã Long Điền Tây), ông Lê Văn Chiến (xã Long Điền Đông A)…

Song song đó, mô hình nuôi tôm quảng canh cải tiến - kết hợp cũng phát triển tương đối bền vững với diện tích trên 35.357ha, chiếm gần 90% tổng diện tích NTTS của huyện. Với hình thức nuôi thu tỉa thả bù, ghép các loại thủy sản như tôm - cua - cá…, gắn liên kết tiêu thụ sản phẩm sạch theo chuỗi giá trị nên mô hình này đã và đang được nông dân tập trung phát triển. Lợi nhuận bình quân thu được của mô hình từ 80 - 90 triệu đồng/ha/năm, cao hơn so với mô hình nuôi tôm truyền thống. Cá biệt, có một số hộ lợi nhuận trên 100 triệu đồng/ha như hộ ông Dương Minh Đoàn, ông Hồ Văn Út, ông Nguyễn Út Nhỏ (xã Định Thành), hộ ông Nguyễn Văn Công (xã An Trạch)...

ĐẨY MẠNH KHAI THÁC, ĐÁNH BẮT

Một trong những thế mạnh về kinh tế biển được huyện Đông Hải tập trung phát triển là nhân rộng các mô hình khai thác hiệu quả, mang lại lợi nhuận cao.

Hiện nay, toàn huyện có trên 550 phương tiện khai thác với công suất 130.108CV. Trong đó, tàu có chiều dài từ 15m trở lên là 273 phương tiện, từ 12m đến dưới 15m chiếm 77 phương tiện và dưới 12m là 201 phương tiện. Theo đó, có nhiều mô hình khai thác hiệu quả như: mô hình lưới rê xù, mô hình kết hợp câu vàng và lưới rê nổi, dịch vụ hậu cần nghề cá... Như mô hình lưới rê xù hiện có 84 tàu, trong đó có 30 tàu hoạt động vùng khơi, đánh bắt chọn lọc chủ yếu các loại cá có giá trị. Qua đánh giá, trung bình một chuyến biển với thời gian từ 50 - 60 ngày, có tổng chi phí từ 400 - 550 triệu đồng (gồm nhiên liệu, nước đá, các nhu yếu phẩm, khấu hao máy móc, chi phí cho ngư phủ). Sau khi trừ tất cả chi phí, chủ phương tiện thu lợi nhuận từ 200 - 250 triệu đồng. Điển hình một số tàu đạt hiệu quả cao như tàu của hộ bà Trần Mỹ Lan, ông Nguyễn Hữu Quân, ông Trần Minh Toàn (thị trấn Gành Hào)…

Hay mô hình câu kết hợp lưới rê nổi, hiện trên địa bàn huyện có 19 phương tiện tham gia, đánh bắt chủ yếu các loại hải sản giá trị cao và đánh bắt có chọn lọc. Qua đánh giá, trung bình một chuyến biển với thời gian từ 90 - 105 ngày, tổng chi phí từ 600 - 700 triệu đồng. Sau khi trừ tất cả chi phí, chủ phương tiện thu lợi nhuận từ 250 - 400 triệu đồng…

Tất cả những mô hình sản xuất hiệu quả trên đang được huyện Đông Hải tập trung nâng chất và tăng cường đầu tư, nhằm góp phần khai thác, phát huy thế mạnh từ kinh tế biển.

Tăng cường đầu tư hạ tầng phục vụ phát triển sản xuất

Năm 2022, huyện Đông Hải tiếp tục triển khai thực hiện Kế hoạch tái cơ cấu ngành Nông nghiệp và Kế hoạch 102 của UBND huyện về thực hiện Chỉ thị 06 của Ban Thường vụ Huyện ủy về việc quy hoạch, đầu tư để các xã phía Đông phát triển thành vùng sản xuất tập trung về nuôi tôm thâm canh - bán thâm canh (TC-BTC), các xã phía Tây là vùng nuôi tôm quảng canh cải tiến - kết hợp (QCCT-KH) theo hướng bền vững, chất lượng cao.

Theo đó, khuyến khích các hộ có điều kiện về vốn và kinh nghiệm sản xuất phối hợp mở rộng phát triển mô hình nuôi tôm siêu thâm canh gắn kết với các công ty, doanh nghiệp hoặc trang trại, nhằm tạo ra sản phẩm hàng hóa lớn, đáp ứng nhu cầu xuất khẩu. Đồng thời, nhân rộng mô hình QCCT-KH ít thay nước, sử dụng chế phẩm vi sinh theo tổ hợp tác, hợp tác xã gắn với liên kết theo chuỗi giá trị, góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân trên địa bàn huyện. Đưa mô hình máy cày phao nổi cải tạo mặt trảng vuông nuôi tôm QCCT-KH để nhân rộng.

Thực hiện tốt một số chính sách trong khai thác đánh bắt; khuyến khích phát triển các loại hình khai thác chủ yếu như: dịch vụ hậu cần nghề cá, nghề lưới rê, nghề câu; tổ chức lại sản xuất, chuyển đổi ngành nghề phù hợp, hạn chế tàu đánh bắt gần bờ, tăng cường đội tàu đánh bắt xa bờ có công suất lớn (trên 400CV); tổ chức khai thác theo tổ, đội, tổ hợp tác, hỗ trợ nhau về thông tin ngư trường, bám biển dài ngày, phòng chống thiên tai và góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo…

Song song đó, phát huy hiệu quả đầu tư từ các công trình, dự án đầu tư cho nông nghiệp, nhất là hạ tầng cơ sở vùng nuôi tôm TC-BTC tập trung xã Long Điền, Long Điền Đông, Long Điền Tây. Tiếp tục tăng cường đầu tư, nâng cấp hệ thống lưới điện và giao thông nông thôn để đáp ứng tốt hơn nhu cầu sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, đặc biệt là hệ thống điện 3 pha phục vụ cho các vùng nuôi tôm TC-BTC. Ưu tiên đầu tư nạo vét tuyến kênh bị bồi lắng và đẩy mạnh công tác thủy lợi - thủy nông nội đồng cho từng tiểu vùng sản xuất, hạn chế việc thiếu nước trong sản xuất…

HỒ TUẤN (Phòng NN&PTNT huyện Đông Hải) - TÚ ANH

Các tin mới

 

Nhấn vào đây để xem các tin trước

Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang