• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Hơn 15.000 ha nuôi thủy sản bị thiệt hại

Nguồn tin: Báo Nhân Dân, 7/5/2022
Ngày cập nhật: 9/5/2022

Dịch bệnh khiến cua nuôi trong vuông tôm chết hàng loạt những tháng đầu năm 2022 nhưng chưa có giải pháp khắc phục hữu hiệu.

Trong năm 2021 vừa qua, cả nước có hơn 15.000 ha nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại nhưng phần lớn chưa xác định được nguyên nhân.

Thông tin trên được nêu rõ tại Hội nghị Phòng, chống dịch bệnh thủy sản năm 2022 do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp UBND tỉnh Cà Mau tổ chức sáng 7/5.

Báo cáo của Cục Thú y cho biết, năm 2021, tổng diện tích nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại là gần 15.600 ha. Nguyên nhân chủ yếu là do tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường. Ngoài ra, cả nước còn hơn 5.600 ha diện tích nuôi trồng thủy sản bị dịch bệnh (chưa xác định mức độ thiệt hại), giảm 33% so cùng kỳ năm 2020.

Từ đầu năm 2022 đến nay, theo thống kê bước đầu, diện tích nuôi trồng thủy sản bị dịch bệnh (chưa xác định được thiệt hại) khoảng 1.200 ha, tăng gần 14% so cùng kỳ năm 2021. Trong đó, diện tích tôm nuôi bị dịch bệnh là gần 1.000 ha, chủ yếu là bệnh đốm trắng và hoại tử gan tụy cấp tính.

Ngành chức năng cũng xác định tổng diện tích nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại những tháng đầu năm lên đến khoảng 11.000 ha, tăng hơn 2 lần so cùng kỳ năm 2021. Thiệt hại xảy ra chủ yếu trên tôm nuôi nước lợ với diện tích bị thiệt hại hơn 10.800 ha và có gần 90% (9.649 ha) tổng diện tích tôm nuôi thiệt hại chưa xác định được nguyên nhân.

Qua kiểm tra thực tế của ngành chức năng, diện tích tôm thiệt hại chủ yếu xảy ra ở những ao tôm sú nuôi quảng canh theo hình thức đa canh (tận dụng ao, đầm và nguồn nước tự nhiên để nuôi tôm kết hợp nhiều loài thủy sản khác như cua biển, cá biển, nhuyễn thể,...); không đầu tư cải tạo ao, không cho ăn thức ăn bổ sung, không nuôi cắt vụ…

Tại Cà Mau, nơi có diện tích nuôi thuỷ sản lớn nhất cả nước, ngành chức địa phương xác định, những tháng cuối năm 2021 và đầu năm 2022, có khoảng 30.000 ha diện tích nuôi quảng canh/quảng canh cải tiến-kết hợp thả nuôi tôm sú quảng canh, cua biển, cá biển, nhuyễn thể… tại các huyện Đầm Dơi, Năm Căn, Cái Nước và Ngọc Hiển của tỉnh xuất hiện hiện tượng cua bị chết bất thường, do trong ao nuôi tôm bị nhiễm ký sinh trùng giáp xác chân tơ.

Dù biết rõ loại bệnh nhưng đến nay vẫn chưa có biện pháp phòng ngừa hiệu quả do không kiểm soát được môi trường nước và các loài thủy sản khác được nuôi lẫn trong ao và từ ngoài môi trường xâm nhập ao nuôi.

Ngoài tôm, cua,… dịch bệnh còn xảy ra đối với nhiều vật nuôi khác trên cả nước. Riêng tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long, có khoảng 50 ha và hơn 400 bè, vèo thủy sản tại An Giang, Đồng Tháp, Bến Tre… bị mắc một số bệnh thông thường: cá điêu hồng, cá lóc, cá nàng hai bị xuất huyết, ký sinh trùng và phù đầu; ếch bị xuất huyết, chướng hơi, lở loét và ngoẹo cổ...

Phát biểu tại Hội Nghị, Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho biết, mặc dù chịu nhiều tác động do dịch bệnh và nguyên nhân khác nhưng trong năm 2021, sản xuất nông nghiệp cả nước vẫn tăng trưởng 2,95%, sang 3 tháng đầu năm 2022 tiếp tục đà tăng trưởng với tốc độ tăng trưởng 2,45%.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh rằng, trong hoàn cảnh nào, khó khăn nào thì tốc độ tăng trưởng của ngành nông nghiệp vẫn đạt cao so kế hoạch. Chỉ riêng 4 tháng đầu năm 2022, tổng sản lượng thủy sản ước đạt 2,6 triệu tấn, tăng 2,2% cùng kỳ 2021, đạt 29,8% kế hoạch cả năm, trong đó sản lượng khai thác thủy sản là 1,2 triệu tấn, sản lượng nuôi trồng thủy sản đạt 1,37 triệu tấn; giá trị xuất khẩu thủy sản 4 tháng đầu năm 2022 ước đạt 3,5 tỷ USD, tăng 43% so cùng kỳ năm 2021, đạt gần 40% kế hoạch năm 2022 (9 tỷ USD).

Tin, ảnh: HỮU TÙNG

Các tin mới

 

Nhấn vào đây để xem các tin trước

Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang