Nguồn tin: Báo Thừa Thiên Huế, 11/05/2022
Ngày cập nhật:
12/5/2022
Hàng trăm ha ao hồ ở Ngũ Điền (tỉnh Thừa Thiên Huế) mùa này không thể thả nuôi tôm vì lo sợ nắng nóng, dịch bệnh, gây lãng phí.
Mô hình nuôi tôm bằng ao tròn công nghệ cao, hiệu quả ở Ngũ Điền
Mất hàng trăm tỷ đồng
Ông Võ Kháng ở thôn Hải Thế, xã Phong Hải (Phong Điền) cũng như các hộ nuôi rất nan giải trước thực trạng ao hồ thường bỏ hoang mỗi khi vào mùa nắng nóng. Không thể thả tôm, ông Kháng và người dân cũng phải bỏ công sức, chi phí thu dọn, bảo quản máy móc, thiết bị. Rồi đến vụ nuôi lại tốn chi phí, nhiều công sức lót bạt, lắp ráp dàn quạt ô xy, các thiết bị nuôi trồng…
Ông Kháng nhẩm tính, bình quân mỗi ha nếu không bị dịch bệnh có thể lãi một tỷ đồng trở lên mỗi vụ, tương ứng với nguồn thu nhập bị thiệt hại khi người dân bỏ hoang ao hồ. Tính riêng vùng Ngũ Điền có khoảng 400ha ao hồ bỏ hoang, tương ứng mất trên 400 tỷ đồng.
Chủ tịch UBND xã Phong Hải, ông Hoàng Văn Sửu cho hay, người dân đã từng nuôi tôm vụ hè nhưng bị dịch bệnh, thiệt hại do nắng nóng. Mùa nắng nóng, nhiệt độ tăng cao thường ảnh hưởng đến sức khỏe tôm nuôi, nhất là giai đoạn vừa xuống giống đến trong vòng một, hai tháng. Nắng nóng thường kéo dài 3-4 tháng làm thay đổi các chỉ số môi trường ao nuôi như pH, độ kiềm, độ mặn, nhiệt độ nước… Mùa nắng nóng cũng thường xảy ra những cơn mưa trái mùa, mưa giông bất chợt vào chiều tối làm các yếu tố môi trường ao nuôi càng thay đổi đột ngột dẫn đến tôm chết hàng loạt.
TS. Mạc Như Bình, Khoa Thủy sản - Trường đại học Nông Lâm (Đại học Huế) khẳng định, tại vùng cát ven biển Ngũ Điền cũng như các vùng khác trên địa bàn tỉnh hoàn toàn có thể nuôi tôm quanh năm, kể cả mùa nắng nóng nếu có sự đầu tư bài bản, chuyên nghiệp. Thực tế tại nhiều tỉnh phía nam, người dân nuôi tôm cả vụ hè rất hiệu quả. Mới đây, một số hộ thử nghiệm thành công mô hình nuôi tôm bằng ao tròn công nghệ cao, theo chuỗi giá trị. Mô hình này được đánh giá hiệu quả, có thể nhân rộng trên địa bàn tỉnh và áp dụng nuôi trong vụ hè.
Ứng dụng công nghệ cao
Theo TS. Mạc Như Bình, một trong những mô hình cần nghiên cứu, đánh giá để có thể áp dụng nuôi tôm chân trắng trên cát là nuôi tôm bằng công nghệ nano. Mô hình này do nhóm nghiên cứu của TS. Bình nuôi thử nghiệm thành công tại xã Phú Thuận (Phú Vang). Tuy nhiên, do địa phương thu hồi đất, chuyển đổi mục đích sử dụng nên mô hình nuôi tôm bằng công nghệ nano tạm dừng hoạt động.
Yêu cầu đặt ra với mô hình này là tôm giống phải đạt kích cỡ, hạn chế mật độ theo quy định, thả nuôi trong điều kiện cân bằng nhiệt độ nguồn nước. Nguồn nước được dẫn từ biển vào ao nuôi phải qua hệ thống lọc thô, hòa thêm dung dịch diệt khuẩn. Định kỳ sau 7 ngày thay 30% nước và cấp bổ sung khi mực nước trong ao thất thoát, kết hợp các biện pháp diệt khuẩn, thường xuyên theo dõi các yếu tố môi trường để xử lý, điều chỉnh kịp thời.
Ưu điểm của việc sử dụng dung dịch nano là diệt hầu hết các loại vi khuẩn, vi rút, các loại nấm gây hại, xử lý và cải tạo môi trường, đặc biệt môi trường nước bị ô nhiễm; phòng và diệt nguồn bệnh trong ao nuôi, nhất là bệnh do vi khuẩn vibrio spp. Ngoài ra, cần quản lý tốt nguồn thức ăn vừa giảm chi phí, tăng chất lượng nước vừa làm sạch đáy ao và hạn chế dịch bệnh, tảo độc phát triển giúp tôm sinh trưởng và phát triển tốt. Khi cho tôm ăn, trộn thức ăn với các loại vi sinh, vitamin, bổ sung khoáng chất nhằm tăng cường sức đề kháng, tăng hiệu quả chuyển hóa thức ăn…
Theo Chi cục Thủy sản, một trong những yêu cầu đối với công nghệ nano nói riêng và các mô hình nuôi tôm nói chung là tuân thủ chặt chẽ “các quy tắc quản lý ao nuôi tôm”. Ao nuôi phải được che chắn lưới bảo vệ môi trường; xây dựng ao lắng riêng để có thể chủ động nguồn nước sạch trước khi lấy vào ao và duy trì mực nước trong ao cao hơn 1,3m và có lượng oxy luôn cao hơn 4ppm để hạn chế những bất lợi do nắng nóng gây ra…
Bài, ảnh: Hoàng Triều
- Kỹ thuật nuôi tôm, nuôi cá, phòng trị bệnh tôm, cá và các loại thủy sản khác
Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.