• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Bạc Liêu hướng đến mục tiêu ‘thủ phủ’ tôm của cả nước: Cần một cơ chế mới cho nuôi tôm công nghệ cao

Nguồn tin: Báo Bạc Liêu, 20/05/2022
Ngày cập nhật: 21/5/2022

Từ năm 2016, từ khóa “thủ phủ” tôm đã góp phần làm cho hình ảnh Bạc Liêu tỏa sáng với nhiều mô hình nuôi tôm siêu thâm canh áp dụng quy trình, công nghệ hiện đại đứng đầu cả nước. Cũng từ đây đã chỉ ra đường hướng phát triển mới cho nền kinh tế tỉnh nhà và hình thành nên một trụ cột chiến lược để Bạc Liêu bứt phá. Với quyết tâm ấy, qua hai nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh, mục tiêu xây dựng Bạc Liêu trở thành trung tâm ngành công nghiệp tôm của cả nước luôn được đặt lên hàng đầu trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và xem là trụ cột bậc nhất trong 5 trụ cột phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Thế nhưng, hình hài về một trung tâm ngành công nghiệp tôm của cả nước qua gần 7 năm thực hiện giấc mơ “thủ phủ” tôm vẫn chưa được hiện rõ. Đáng trăn trở và lo lắng hơn cả là Bạc Liêu sẽ chậm chân hơn so với các tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) trong tương lai gần và cả mai sau, nếu như không có giải pháp ngay từ bây giờ. Bởi Bạc Liêu đã và đang đứng trước hàng loạt các “nút thắt” và “điểm nghẽn” trong thực hiện Đề án xây dựng Bạc Liêu trở thành trung tâm ngành công nghiệp tôm của cả nước.

Bài 2: Cần một cơ chế mới cho nuôi tôm công nghệ cao

Một trong những mục tiêu quan trọng của Đề án xây dựng Bạc Liêu trở thành trung tâm ngành công nghiệp tôm của cả nước chính là tạo ra sức lan tỏa mạnh trong phát triển các mô hình nuôi tôm công nghệ cao (CNC) không chỉ cho tỉnh Bạc Liêu, mà còn cho khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) và cả nước. Tuy nhiên, mức độ lan tỏa của các mô hình nuôi tôm CNC hiện nay chưa nhiều và mục tiêu đến năm 2025 diện tích nuôi thâm canh, bán thâm canh và siêu thâm canh đạt 35.900ha liệu có khả thi?

TIỀN TỶ CHỈ LÀ… “RÁC”!

Từ năm 2017, khi có Quyết định 694 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập và ban hành Quy chế hoạt động Khu nông nghiệp ứng dụng CNC phát triển tôm Bạc Liêu, UBND tỉnh đã tích cực chỉ đạo ngành Nông nghiệp xây dựng “Đề án xây dựng Bạc Liêu trở thành trung tâm ngành công nghiệp tôm cả nước” và hy vọng với Đề án này sẽ tạo nên những động lực to lớn cho con tôm phát triển, nhất là các mô hình nuôi tôm ứng dụng CNC.

Thế nhưng, qua hơn 5 năm thực hiện Quyết định 694 và Đề án nói trên, đến nay cả tỉnh chỉ có 23 công ty, đơn vị và 650 hộ dân đầu tư phát triển mô hình nuôi tôm siêu thâm canh, với diện tích trên 3.900ha so với tổng diện tích nuôi trồng thủy sản của tỉnh trên 143.000ha. Từ con số trên cho thấy, mức độ lan tỏa của các mô hình nuôi tôm ứng dụng CNC còn khá chậm và nếu với tiến độ này thì mục tiêu đạt 35.900ha nuôi tôm thâm canh, bán thâm canh và siêu thâm canh vào năm 2025 là khó hoàn thành.

Nguyên nhân chính dẫn đến tốc độ phát triển của các mô hình nuôi tôm ứng dụng CNC phát triển chậm chủ yếu do nông dân và doanh nghiệp không có vốn đầu tư. Theo tính toán của Công ty TNHH MTV Long Mạnh (huyện Hòa Bình), để đầu tư cho 1ha nuôi tôm ứng dụng CNC cần đến 5 tỷ đồng. Với mức đầu tư này, gần như vượt quá tầm với của doanh nghiệp, người nông dân và muốn phát triển mô hình nuôi CNC chỉ có cách duy nhất là dựa vào vốn vay của các ngân hàng.

Thế nhưng, các ngân hàng lại không chấp nhận cho vay và xem các hạng mục công trình được đầu tư trên đất chỉ là “rác”, hoặc là “phế liệu”. Chẳng hạn như tài sản được hình thành trên đất phục vụ nuôi tôm ứng dụng CNC gồm: khung sắt, bạt, máy bơm ôxy, quạt nước… là những tài sản không có giá trị thế chấp (trừ đất nuôi tôm). Trong khi đó, tất cả tài sản được hình thành trên đất này trên thực tế được đầu tư tiền tỷ!

Ở một góc nhìn khác, sự phủ nhận về tài sản và không chấp nhận đầu tư vốn của các ngân hàng là hợp lý, vì sau một thời gian nuôi tôm trong môi trường nước mặn, các thiết bị sẽ mục, sét, rách, hư hỏng và đều phải bỏ đi chứ không thể thanh lý.

Mặt khác, bản thân các ngân hàng cũng là doanh nghiệp, ngân hàng cũng phải đi vay vốn thông qua hình thức huy động tiền gửi để có nguồn vốn đầu tư cho phát triển sản xuất - kinh doanh và có trách nhiệm trả lãi cho khách hàng gửi tiền. Vì vậy, để đảm bảo đạt lợi nhuận, chủ động phòng tránh rủi ro, vốn trở thành mục tiêu hàng đầu của các ngân hàng thương mại trong việc lựa chọn, quyết định đầu tư cho các dự án, mô hình mà khi phát sinh rủi ro các tài sản được đem ra thế chấp ấy có giá trị thanh lý cao.

Xuất phát từ thực tiễn này mà đến nay vẫn chưa có một quy định pháp lý nào bắt buộc các ngân hàng thương mại cổ phần phải đầu tư vốn vay cho con tôm, và nếu như “nút thắt” này không được tháo gỡ thì khả năng lan tỏa của các mô hình nuôi tôm ứng dụng CNC là rất khó.

Ngoài lý do tài sản không có giá trị thế chấp nên các ngân hàng không đầu tư vốn cho con tôm, các ngân hàng còn một lý do chính đáng khác nữa là đến nay Bạc Liêu vẫn chưa ban hành một mô hình mẫu nào để chứng minh tính hiệu quả và bền vững, nhằm giúp các ngân hàng làm cơ sở trong việc thẩm định cho vay! Đây cũng là một “nút thắt” mà ngành quản lý cần có ngay lời giải bởi xây dựng Bạc Liêu trở thành “thủ phủ” ngành công nghiệp tôm của cả nước mà không có một mô hình mẫu để “soi sáng” hay “dẫn đường”, nhất là khi nông dân, doanh nghiệp nuôi tôm đặt ra câu hỏi: chúng tôi sẽ lựa chọn và áp dụng mô hình nuôi tôm của ai và đâu là mô hình nuôi hiệu quả nhất trong điều kiện hiện nay có quá nhiều mô hình, cách làm khác nhau!?

Hạ tầng phục vụ nuôi tôm CNC được đầu tư tiền tỷ nhưng không được xem là tài sản thế chấp.

LIÊN KẾT “5 NHÀ”, ĐƯỢC KHÔNG?

Để giải quyết các “nút thắt” này, thiết nghĩ Tỉnh ủy, UBND tỉnh cần chỉ đạo xây dựng mô hình liên kết “5 nhà” thay vì liên kết “4 nhà” như lâu nay. Đó là ngoài sự tham gia của Nhà nước, nhà khoa học, nhà nông, nhà doanh nghiệp (thực hiện bao tiêu sản phẩm) cần thêm sự tham gia tích cực của nhà băng (ngân hàng).

Song, muốn liên kết này được bền chặt thì phải xây dựng cho được mô hình chuỗi liên kết sản xuất gắn với phát huy vai trò, trách nhiệm và nghĩa vụ của các “nhà”. Nếu trước đây, trong liên kết “4 nhà” chỉ tập trung chủ yếu ở khâu doanh nghiệp giúp nông dân bao tiêu sản phẩm, còn sản xuất nông dân “tự bơi”, thì với mô hình liên kết chuỗi mới này, các “nhà” đều phải tham gia trực tiếp vào quá trình sản xuất và thể hiện đầy đủ trách nhiệm của mình.

Cụ thể là ngân hàng sẽ không đầu tư vốn theo kiểu trọn gói cho người nuôi tôm như trước đây, mà đầu tư vốn vay cho các doanh nghiệp cung cấp thức ăn, con giống để các doanh nghiệp này đầu tư lại cho nông dân. Cách làm mới này sẽ giúp cho người nuôi tôm giảm bớt gánh nặng về tài chính khi vật tư nông nghiệp, con giống chiếm gần 70% chi phí sản xuất. Đặc biệt là tránh được nạn bị các đại lý kinh doanh con giống, thức ăn triệt buộc cung cấp hàng kém chất lượng và kê thêm 30% lãi suất do mua chịu.

Hơn nữa, khi các đại lý kinh doanh con giống, thức ăn vay vốn ngân hàng tham gia chuỗi sản xuất cũng tác động tích cực và làm thay đổi căn bản mối quan hệ giữa các bên. Lâu nay, các đại lý chỉ tập trung lo bán hàng và mặc cho sự may rủi của người nuôi tôm, thì khi tham gia thực hiện liên kết này buộc các đại lý phải luôn đồng hành cùng người nuôi tôm, không bỏ rơi người nuôi tôm nửa đường khi con tôm phát sinh dịch bệnh. Vì nếu người nuôi tôm bị thiệt hại, không có tiền thanh toán vật tư, thì người gánh nợ ngân hàng chính là các đại lý chứ không phải người nuôi tôm. Với tư cách là một trong những thành viên tham gia chuỗi sản xuất, các đại lý sẽ có trách nhiệm lựa chọn, cung cấp sản phẩm tốt nhất, với giá rẻ nhất, nhằm góp phần giảm giá thành sản xuất, tăng lợi nhuận cho các thành viên mà đại lý cũng là người được hưởng lợi nhuận trực tiếp mang lại từ chuỗi liên kết này.

Một điểm lợi nữa, với hình thức đầu tư này sẽ giúp cho các ngân hàng quản lý tốt dòng tiền và giải ngân theo tiến độ gắn với từng giai đoạn sinh trưởng của con tôm. Phát huy được hiệu quả đầu tư từ khi giải ngân vốn cho đến khi kết thúc mùa vụ, thu hồi vốn và lãi. Chủ động phòng tránh được những rủi ro trong đầu tư, nhất là tình trạng nông dân, doanh nghiệp vay vốn nuôi tôm nhưng lại sử dụng sai mục đích của đồng vốn. Theo bà Nguyễn Thị Nhật Tân - Giám đốc Ngân hàng BIDV - Chi nhánh Bạc Liêu: “Nếu Bạc Liêu xây dựng được mô hình sản xuất bền vững gắn với liên kết này thì các ngân hàng sẽ mạnh dạn đầu tư cho con tôm, vì bản thân người nuôi tôm không còn đơn độc, gánh nặng về tài chính đã được sẻ chia và tránh nhiệm các “nhà” cũng được thể hiện rõ ràng, phát huy đầy đủ”.

Cùng với giải pháp liên kết chuỗi để tháo gỡ các “nút thắt” trong khai thông đồng vốn, về chiến lược lâu dài Bạc Liêu cần kiến nghị Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nghiên cứu, ban hành một chính sách tín dụng đặc thù dành riêng cho con tôm như con cá tra của khu vực ĐBSCL. Đồng thời, có cơ chế, chính sách hỗ trợ các ngân hàng tích cực đầu tư vốn cho con tôm như: ưu tiên tái cấp vốn, thực hiện giảm dự trữ bắt buộc đối với các ngân hàng có tỷ lệ đầu tư lớn cho con tôm và có tăng trưởng tín dụng cao đối với lĩnh vực này. Cùng với đó là khuyến khích nhiều ngân hàng khác tham gia, chủ động cân đối nguồn vốn để đầu tư cho con tôm; thực hiện tốt miễn giảm lãi vay, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, tăng cường cho vay tín chấp không cần tài sản bảo đảm… Riêng các trường hợp tôm nuôi bị thiệt hại do dịch bệnh, thiên tai bất khả kháng thì tập trung cơ cấu lại thời hạn trả nợ, khoanh nợ và tiếp tục tái đầu tư.

Ngoài liên kết “5 nhà”, thì trong hội nhập kinh tế toàn cầu cũng cần có sự tham gia của một nhà nữa là “nhà truyền thông” trong việc quảng bá, xây dựng thương hiệu, hình ảnh về một “thủ phủ” ngành tôm, nhằm giúp con tôm Bạc Liêu không ngừng vươn xa và nâng cao năng lực cạnh tranh trong thời kỳ hội nhập và phát triển.

Thông tin phản hồi: Sau khi Báo Bạc Liêu thực hiện chuyên đề “Bạc Liêu hướng đến mục tiêu “thủ phủ” tôm của cả nước” đã nhận được sự quan tâm và phản hồi từ các doanh nghiệp, địa phương. Dưới đây là một số ý kiến của lãnh đạo địa phương và doanh nghiệp.

* Chủ tịch UBND huyện Hòa Bình - Hồ Văn Linh: Tăng cường đầu tư hạ tầng cho phát triển con tôm

So với các địa phương khác, huyện Hòa Bình có diện tích nuôi tôm siêu thâm canh, thâm canh, bán thâm canh lớn nhất tỉnh với 10.320ha. Tuy nhiên, khó khăn nhất của huyện hiện nay chính là hạ tầng thủy lợi không đáp ứng được nhu cầu cho con tôm phát triển, nhất là vào những tháng mùa khô, như Báo Bạc Liêu đã phản ánh và phân tích.

Để góp phần xây dựng Bạc Liêu trở thành “thủ phủ” ngành tôm của cả nước, huyện kiến nghị tỉnh hỗ trợ huyện thực hiện “Đề án phát triển hệ thống thủy lợi phục vụ nuôi trồng thủy sản”, nhằm hoàn thiện hệ thống thủy lợi, cải thiện nguồn nước và tạo điều kiện cấp thoát nước chủ động cho nuôi trồng thủy sản, nhất là mô hình nuôi tôm CNC. Quan tâm bố trí nguồn ngân sách đầu tư nâng cấp hệ thống thủy lợi, nhất là các tuyến kênh cấp III và đảm bảo có đủ nguồn nước tốt phục vụ cho vùng nuôi tôm siêu thâm canh. Đặc biệt là ưu tiên đầu tư xây dựng hoàn chỉnh hệ thống lưới điện 3 pha đảm bảo đáp ứng nhu cầu cho phát triển nuôi tôm, vì điện hiện nay chỉ đáp ứng khoảng 20 - 30% nhu cầu cho nuôi tôm siêu thâm canh, trong khi Hòa Bình được xác định là địa phương trọng điểm về nuôi tôm CNC.

Riêng huyện sẽ tập trung đẩy mạnh thu hút đầu tư và tạo điều kiện, hỗ trợ các công ty, doanh nghiệp thực hiện liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm thủy sản. Tăng cường công tác ứng dụng, chuyển giao khoa học - công nghệ trong nuôi tôm; hướng dẫn, hỗ trợ hộ nuôi tôm thực hiện nuôi tôm đạt chứng nhận ASC, GlobalGAP…

* Giám đốc Công ty TNHH MTV Long Mạnh - Long Văn Nghĩa: Xây dựng và công bố quy hoạch để tránh tình trạng mạnh ai nấy làm

Những vấn đề Báo Bạc Liêu phản ánh đã thể hiện được nhiều vấn đề nóng, bức xúc và đáng quan tâm trong nuôi tôm hiện nay. Bạc Liêu sẽ không thể xây dựng thành công “thủ phủ” tôm nếu như môi trường ô nhiễm nặng nề. Do vậy, cần xây dựng một mô hình quản lý chất thải, nước thải đạt chuẩn gắn với nâng cao ý thức, trách nhiệm của người nuôi tôm. Việc cần làm hiện nay chính là xây dựng và công bố quy hoạch cho từng vùng nuôi gắn với kiểm tra, giám sát tốt quy hoạch, nhằm tránh tình trạng phát triển nóng “mạnh ai nấy làm”. Đồng thời, có chế tài xử lý các vi phạm gây ô nhiễm môi trường và xây dựng một chiến lược trong quản lý, tái sử dụng có hiệu quả tài nguyên nước.

LƯ DŨNG - HOÀNG LAM - L.D (thực hiện)

Các tin mới

 

Nhấn vào đây để xem các tin trước

Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang