Nguồn tin: VOV, 13/01/2022
Ngày cập nhật:
15/1/2022
Chuyện “tăng cơ, giảm mỡ” vốn tưởng chỉ dành cho người, nhưng lại là phương pháp được anh Phí Hải Vân ở huyện Quỳnh Nhai, tỉnh Sơn La áp dụng trong việc nuôi cá lăng thương phẩm trên lòng hồ thủy điện Sơn La.
Những lứa cá được tập luyện đã đem lại giá trị thương mại cao, góp phần nâng tầm thương hiệu cá sông Đà Quỳnh Nhai.
Từ bến cầu Pá Uôn, huyện Quỳnh Nhai, theo chiếc thuyền rẽ sóng về phía thượng nguồn sông Đà là tới mô hình nuôi cá lồng của HTX Hải Vân, xã Chiềng Ơn (huyện Quỳnh Nhai). Chủ HTX là anh Phí Hải Vân, một nông dân từ huyện Mai Sơn mang theo quyết tâm khởi nghiệp tới vùng lòng hồ.
Giữa mênh mông sông nước, 50 chiếc lồng đôi san sát nhau nổi bật trên mặt hồ. Ở đây, hơn 10 vạn con cá lăng đang được anh Phí Hải Vân nuôi trồng theo phương pháp “tăng cơ, giảm mỡ” kết hợp với chế độ dinh dưỡng, tạo nên những lứa cá thương phẩm giá trị cao, được thị trường ưa chuộng.
Chia sẻ về ý tưởng, anh Phí Hải Vân cho biết, trong quá trình tiếp thị sản phẩm tại thị trường lớn như Hà Nội, tưởng rằng những con cá lăng to, khỏe, nuôi trong môi trường tự nhiên sẽ thuyết phục được khách hàng. Thế nhưng, phần lớn họ đều từ chối với cùng một lý do là thịt cá không săn chắc, bụng quá nhiều mỡ.
Anh Vân cho rằng, nếu không thay đổi phương pháp, thì việc tìm đầu ra cho sản phẩm ngày càng khó khăn, vì vậy, đã mày mò tìm hiểu trên mạng. Từ một số bài viết chia sẻ kinh nghiệm của các nhà nghiên cứu, cho thấy, tăng cường tập luyện bơi lội cho cá sẽ làm cho cá săn chắc và chất béo giảm. Với quyết tâm tạo ra cá lăng thương phẩm, chất lượng đáp ứng nhu cầu của khách hàng, anh Vân quyết định áp dụng phương pháp tập thể dục cho cá lăng.
Mô hình nuôi cá lồng bằng phương pháp "tăng cơ, giảm mỡ" của anh Phí Hải Vân, huyện Quỳnh Nhai, tỉnh Sơn La.
Tức là khi kéo lưới lên, nó ngoi lên mặt nước thì nó vận động cơ đuôi, vận động nhiều thì tiêu bớt mỡ, thì nó săn chắc cơ thịt lại. Khi về dưới kia người ta ăn nó ngon hơn, ví dụ những món như là cá trộn hành tím, mà con cá không được tập luyện thể dục cho vào trộn nó bở cá. Nhưng khi mình đã tập luyện, người ta phi lê cắt miếng, nhúng vào nước sôi thì miếng thịt nó cong lại, ăn cảm giác nó giòn, rất là ngon.
Khi cá đủ 18 tháng, đạt trọng lượng trung bình khoảng 4-5 kg/con, anh Vân bắt đầu cho cá tập luyện. Mỗi ngày, cá sẽ tập luyện 2 lần vào đầu giờ sáng và cuối giờ chiều; kéo dài liên tục trong vòng 6 tháng, thường bắt đầu từ tháng 10 năm nay và kết thúc vào tháng 3 năm sau.
Trình diễn cho chúng tôi xem, anh Vân dùng hai tay tháo dây cột từng góc lưới và từ từ kéo lên. Chưa đầy 5 phút, những con cá lăng cách mặt nước 4 m dần ngoi lên, kéo đến khi cá chỉ còn cách mặt nước khoảng 30 cm thì dừng lại, những con cá lăng quẫy đuôi bơi lội khiến nước bắn tung tóe. Những lứa cá đã quen tập luyện thì ngay cả lúc được cho ăn cũng quẫy rất mạnh trên mặt nước.
Đặc điểm của cá được tập luyện là sẽ “giảm cân”. Cân nặng giảm nhưng giá trị của cá lại tăng, và quan trọng là đáp ứng được yêu cầu của thị trường.
So sánh về hiệu quả kinh tế, anh Vân cho biết: "Kéo con cá lên có thể hao ít nhất từ 3 – 5 lạng, người ta thấy hao tưởng mất tiền nhưng không phải. Ví dụ con cá 4 cân, để nguyên 4 cân bán về dưới kia chỉ được 400.000 đồng, nhưng khi kéo lên ép hao còn 3,5 cân nhưng bán được 540.000 đồng/con cá".
Không chỉ tập thể dục cho cá, anh Phí Hải Vân cũng áp dụng những quy trình kỹ thuật theo tiêu chuẩn VietGap, kết hợp với chế độ dinh dưỡng hợp lý để cá sinh trưởng, phát triển tốt, tạo nên sản phẩm đặc trưng của cá Sông Đà Quỳnh Nhai.
"Cá lăng tôi nuôi muốn ngon thì đầu tiên phải phụ thuộc vào nguồn nước. Thiên nhiên ở đây ưu đãi, không ô nhiễm, nên vị con cá không bị hôi tanh, thơm thịt. Mình nuôi đủ thời điểm, con cá ít nhất từ 24 tháng trở ra thì đủ độ dai, độ chắc. Thứ ba, là thức ăn tự nhiên chiếm 80%, ví dụ con cá mương người ta đi đánh bắt ở sông, kéo vó bè về thì mình tận thu cho bà con, cho cá nhà mình ăn, cá phát triển, thân hình con cá dài đẹp, thịt chắc, trắng, mỡ ít, tạo nên nét riêng của cá Quỳnh Nhai" - anh Vân chia sẻ.
Trung bình mỗi vụ, HTX Hải Vân cung cấp cho thị trường khoảng 180-200 tấn cá, chủ yếu là Hà Nội; với giá bán 130 nghìn đồng/kg cá lăng, doanh thu mỗi năm đạt khoảng 2 tỷ đồng.
Sau 5 năm triển khai, mô hình nuôi cá lồng của HTX Hải Vân được đánh giá là một trong những mô hình hiệu quả, góp phần vào việc phát triển nghề nuôi cá trên địa bàn huyện Quỳnh Nhai.
Ông Cầm Văn Huy, Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳnh Nhai cho biết: "Mô hình giúp cho bà con học tập kỹ thuật chăn nuôi, chăm sóc nuôi thủy sản trên lòng hồ. Từ đấy, bà con đã duy trì và nhân rộng ra cách thức nuôi cá. Cũng là đầu mối giúp bà con nhân dân trên địa bàn nuôi trồng thủy sản cung ứng, tiêu thụ sản phẩm ra thị trường ngoài huyện, đặc biệt là thị trường miền xuôi".
Không dừng lại ở sản phẩm cá “tăng cơ, giảm mỡ”, anh Phí Hải Vân dự định xây dựng phân xưởng sản xuất để sơ chế, chế biến nước mắm, mắm tép, cá sấy, chả cá lăng... Những sáng kiến của anh chắc hẳn sẽ góp phần tạo nên những sản phẩm mang đậm hương vị vùng lòng hồ thủy điện Sơn La trong thời gian tới./.
Lê Hạnh/VOV-Tây Bắc
- Kỹ thuật nuôi tôm, nuôi cá, phòng trị bệnh tôm, cá và các loại thủy sản khác
Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.