Nguồn tin: Báo Quảng Trị, 14/01/2022
Ngày cập nhật:
16/1/2022
Tận dụng lợi thế địa phương nằm ở vùng cửa lạch, có diện tích mặt nước rộng lớn, những năm gần đây người dân thôn An Hà, xã Triệu Phước, huyện Triệu Phong (Quảng Trị) đã đầu tư phát triển nghề nuôi cá lồng trên sông. Nhờ vậy, người nuôi cá lồng có điều kiện nâng cao thu nhập, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Tuy nhiên, bước vào vụ thả nuôi năm nay, việc nuôi cá lồng của người dân nơi đây gặp không ít khó khăn, đặc biệt là vốn đầu tư con giống, kinh phí sửa chữa lồng nuôi cá.
Một hộ dân ở thôn An Hà tu sửa lồng bị thiệt hại do lũ lụt nhưng vẫn chưa có vốn đầu tư để thả nuôi cá vụ mới - Ảnh: M.L
Năm 2017, sau khi có chủ trương của xã về chuyển đổi nghề đánh bắt hải sản trên sông qua mô hình nuôi cá lồng, gia đình ông Trần Văn Dũng ở thôn An Hà đầu tư hơn 150 triệu đồng làm 4 lồng, bình quân mỗi lồng 120 m2 để thả nuôi hơn 7.000 con cá giống các loại như vược, đù, nâu. Qua vài vụ nuôi cá, gia đình ông có thêm thu nhập đáng kể, tạo động lực để duy trì mô hình. Tuy nhiên, qua các đợt lũ lụt cuối năm 2020 toàn bộ lồng cá của gia đình ông bị hư hỏng nặng, cá bị cuốn trôi hoàn toàn, ước thiệt hại trên 200 triệu đồng.
Ông Dũng cho biết: “Tất cả vốn liếng gia đình tôi đầu tư nuôi cá lồng đã bị lũ lụt cuốn trôi hết rồi. Hiện nay chúng tôi không có khả năng làm lồng mới và mua con giống để nuôi cá tiếp được do kinh tế gia đình quá khó khăn và không được nhà nước hỗ trợ thiệt hại nuôi cá lồng do thiên tai”.
Không riêng gì gia đình ông Dũng, gia đình ông Văn Ngọc Lộc ở thôn An Hà vay vốn đầu tư nuôi cá lồng bè trên sông hơn 2 năm nay. Chưa kịp thu được lợi nhuận từ nuôi cá lồng, năm 2020 lũ lụt đã làm gia đình ông trắng tay khi đa số lồng cá bị cuốn trôi hoặc bị hư hỏng nặng. Sau trận lũ lụt đó, vốn vay ngân hàng chưa trả được, tiền lãi, tiền gốc ngày một tăng lên, khiến cho gia đình ông gặp khó khăn chồng chất, không đủ khả năng đầu tư để tiếp tục nuôi cá.
Hiện nay, 55 chiếc lồng bè nuôi cá trên sông của 24 hộ dân ở thôn An Hà bị cuốn trôi hoặc hư hỏng hoàn toàn sau trận lũ lụt năm 2020. Cùng với đó, hàng tấn cá nuôi trong lồng cũng bị mất trắng. Được biết, bình quân mỗi lồng người dân phải đầu tư khoảng 50 triệu đồng tiền vốn, cộng với tiền giống cá và thức ăn thì mỗi lồng thiệt hại do lũ lụt từ 100 - 200 triệu đồng. Sau thiên tai, các hộ dân bắt tay vào khắc phục lại lồng nhưng gặp rất nhiều khó khăn do thiếu vốn đầu tư.
Trưởng thôn An Hà Võ Văn Dũng cho biết: “Sau khi có chủ trương của Đảng ủy, UBND xã trong chuyển đổi nghề sang nuôi cá lồng, nhiều hộ dân trong thôn đã tham gia đầu tư nuôi cá lồng hiệu quả. Tuy nhiên, trong trận lụt năm trước hầu hết các hộ này bị thiệt hại nặng. Trong các buổi tiếp xúc cử tri của đại biểu HĐND các cấp, chúng tôi nhiều lần kiến nghị cấp trên quan tâm hỗ trợ cho người dân nuôi cá lồng bị thiệt hại do lũ lụt để họ tiếp tục tái sản xuất. Nhằm khắc phục khó khăn trong việc nuôi cá trên sông, thời gian tới, thôn vận động người dân tham gia thành lập tổ sản xuất nuôi trồng thủy sản và các ngành nghề khác thay vì phát triển nuôi trồng theo hướng đơn lẻ, tự phát. Thông qua các tổ sản xuất nuôi trồng thủy sản và các ngành nghề khác này sẽ tạo điều kiện cho nông dân tận dụng nguồn tài nguyên sông nước để phát triển nuôi trồng thủy sản, đồng thời tạo cơ sở pháp lý để bảo vệ lợi ích chính đáng cho các thành viên, giúp người dân tiếp cận được tốt hơn với các nguồn vốn tín dụng ưu đãi”.
Vụ cá lồng trên sông năm nay ở thôn An Hà không còn không khí hồ hởi ra quân sản xuất như mọi khi vì hầu hết người nuôi cá nơi đây đều trắng tay sau những đợt lũ lụt năm 2020. Người dân không còn nguồn lực đầu tư, khó khăn về con giống và việc tu sửa lại lồng bè trên sông chưa hoàn thành. Hiện người dân nơi đây rất cần sự quan tâm, giúp đỡ của chính quyền các cấp trong việc tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ kinh phí, có chính sách khoanh nợ, giãn nợ để yên tâm đầu tư phát triển cá lồng trên sông theo hướng bền vững.
Phó Chủ tịch UBND xã Triệu Phước Trương Thị Kim Cúc cho biết: “Những năm gần đây, nhờ nuôi cá lồng trên sông nên đời sống của nhiều hộ dân ở An Hà bắt đầu khấm khá lên. Chưa kịp vui mừng, thiên tai đã làm cho toàn bộ cá lồng vụ nuôi 2020 trong thôn bị thiệt hại lớn. Theo Nghị định 02/2017/NĐ-CP, ngày 9/1/2017 của Chính phủ về “Cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh” thì không có hạng mục nuôi cá lồng trên sông đối với cá nước lợ nên người dân thôn An Hà rất khó khăn trong việc tái sản xuất. Từ thực tế đó, địa phương chúng tôi kiến nghị cấp trên bổ sung hạng mục nuôi cá lồng trên sông nước lợ trong nghị định hoặc có chính sách hỗ trợ trực tiếp giúp người dân có thêm nguồn vốn tái sản xuất trong nuôi trồng thủy sản, ổn định cuộc sống”.
Minh Long
- Kỹ thuật nuôi tôm, nuôi cá, phòng trị bệnh tôm, cá và các loại thủy sản khác
Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.