Nguồn tin: Báo Bạc Liêu, 03/06/2022
Ngày cập nhật:
5/6/2022
Nuôi trồng và chế biến thủy sản đóng góp rất lớn cho phát triển ngành Nông nghiệp. Do đó, việc phòng, chống dịch bệnh trong nuôi trồng thủy sản (NTTS) có ý nghĩa quan trọng, giảm thiểu được thiệt hại cho người nuôi, bảo đảm nguồn nguyên liệu phục vụ chế biến, xuất khẩu của tỉnh.
NHIỀU DIỆN TÍCH TÔM NUÔI BỊ THIỆT HẠI
Bạc Liêu có tổng diện tích NTTS là 137.467ha; trong đó, diện tích nuôi tôm 133.551ha, diện tích nuôi cá và các loại thủy sản khác 3.916 ha. Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh có 1.353ha tôm nuôi bị thiệt hại, trong đó tỷ lệ thiệt hại trên 70% là hơn 1.000ha, tỷ lệ thiệt hại từ 30 - 70% là 323ha, chủ yếu ở giai đoạn từ 25 - 75 ngày tuổi. Nguyên nhân do môi trường, thời tiết, bệnh phân trắng, bệnh hoại tử gan tụy cấp, bệnh đốm trắng và bệnh đỏ thân...
Bên cạnh đó, qua xét nghiệm 844 mẫu tôm giống, ngành chức năng phát hiện có 34 mẫu nhiễm bệnh còi, 5 mẫu nhiễm bệnh đốm trắng, 4 mẫu nhiễm bệnh hoại tử gan tụy cấp, 4 mẫu nhiễm bệnh hoại tử dưới vỏ và cơ quan tạo máu, 32 mẫu nhiễm bệnh vi bào tử trùng. Đồng thời, xét nghiệm 893 mẫu tôm thịt và 296 mẫu nước; kiểm tra, kiểm dịch 169 xe nhập tỉnh với hơn 1 tỷ post; kiểm tra, kiểm dịch con giống sản xuất trong tỉnh hơn 3,8 tỷ post, không phát hiện nhiễm bệnh...
Theo ngành chức năng, để phòng và khống chế có hiệu quả dịch bệnh nguy hiểm trong NTTS, người nuôi cần tuân thủ các quy định về điều kiện cơ sở nuôi, xử lý nước thải, chất thải, mùa thả giống, chất lượng con giống, chất lượng kiểm dịch theo quy định. Từng bước áp dụng các quy trình kỹ thuật nuôi, quản lý, chăm sóc ao nuôi theo VietGAP, GlobalGAP... Hỗ trợ nâng cao sức đề kháng cho thủy sản để giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh, góp phần giảm dịch bệnh trong NTTS.
TĂNG CƯỜNG PHÒNG, CHỐNG DỊCH BỆNH
Để công tác phòng, chống dịch bệnh đạt hiệu quả, ngành Nông nghiệp sẽ tăng cường công tác kiểm tra, giám sát chặt chẽ dịch bệnh trên thủy sản; thực hiện lấy mẫu chẩn đoán tác nhân gây bệnh và phối hợp xử lý kịp thời không để dịch bệnh phát sinh và lây lan trên diện rộng, đặc biệt là bệnh đốm trắng và bệnh hoại tử gan tụy cấp trên tôm. Song song đó, thành lập đoàn thanh, kiểm tra về việc chấp hành pháp luật nhà nước, pháp luật chuyên ngành trong lĩnh vực kinh doanh, lưu hành, sử dụng thuốc thú y, thức ăn thủy sản trên địa bàn tỉnh. Tăng cường công tác phối hợp với các cơ quan chuyên môn để nắm tình hình thiệt hại, hướng dẫn các biện pháp phòng, chống bệnh trên thủy sản nuôi. Quản lý chặt các chỉ tiêu môi trường, thường xuyên kiểm tra sức khỏe tôm nuôi, định kỳ xử lý diệt khuẩn lại ao nuôi, dùng các chế phẩm sinh học cải thiện nền đáy ao, bổ sung vitamin và các khoáng chất cần thiết để tăng sức đề kháng cho tôm nuôi. Đối với mô hình tôm nuôi quảng canh cải tiến kết hợp, chọn con giống có xuất xứ, nguồn gốc rõ ràng trước khi thả nuôi.
Về phía người nuôi, cần cải tạo ao nuôi đúng quy trình, thả tôm với mật độ phù hợp. Bên cạnh đó, thường xuyên theo dõi môi trường trong ao nuôi để có biện pháp điều chỉnh, xử lý kịp thời; đồng thời, tăng cường sử dụng các chế phẩm sinh học, hạn chế dùng hóa chất diệt khuẩn nhằm ổn định môi trường ao nuôi. Ngoài ra, người nuôi nên cho tôm ăn đúng khẩu phần, bổ sung các loại vitamin, khoáng chất, vi lượng để tăng cường sức đề kháng cho tôm.
Thời gian tới, tình hình thời tiết và dịch bệnh trên tôm được dự báo tiếp tục diễn biến phức tạp. Do đó, ngành Nông nghiệp và các địa phương cần đẩy mạnh tuyên truyền, khuyến cáo nhằm nâng cao ý thức cho các hộ nuôi tôm về công tác phòng, chống dịch bệnh. Cần thường xuyên kiểm tra ao nuôi và báo ngay với cán bộ khuyến ngư khi phát hiện tôm có dấu hiệu không bình thường để có biện pháp xử lý kịp thời.
Một số giải pháp quản lý và phòng, chống dịch bệnh thủy sản
Ngành Nông nghiệp kiểm tra chất lượng tôm nuôi ở hộ nuôi tôm tại xã Vĩnh Thịnh (huyện Hòa Bình). Ảnh: M.Đ
Thủ tướng Chính phủ có Quyết định 434 về việc phê duyệt “Kế hoạch quốc gia phòng, chống một số dịch bệnh nguy hiểm trên thủy sản nuôi, giai đoạn 2021 - 2030”. Theo đó, cần khẩn trương triển khai áp dụng một số giải pháp sau:
Phòng bệnh và khống chế có hiệu quả một số dịch bệnh nguy hiểm đang lưu hành. Tập trung, huy động các nguồn lực để chủ động phòng bệnh, giám sát, phát hiện kịp thời, ngăn chặn và khống chế có hiệu quả các bệnh nguy hiểm trên thủy sản; áp dụng các quy trình kỹ thuật phòng, chống dịch bệnh. Kiểm soát, ngăn chặn nguy cơ xâm nhiễm một số dịch bệnh nguy hiểm trên thủy sản.
Xây dựng một số vùng, cơ sở, chuỗi sản xuất thủy sản an toàn dịch bệnh để phục vụ tiêu dùng trong nước và đẩy mạnh xuất khẩu. Tăng cường năng lực chẩn đoán, xét nghiệm bệnh thủy sản. Tăng cường năng lực quan trắc, cảnh báo môi trường trong NTTS.
Nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ tiên tiến vào nuôi trồng, chế biến thủy sản. Xây dựng chiến lược truyền thông nguy cơ phù hợp với từng đối tượng thủy sản nuôi; đa dạng hóa các hình thức thông tin, tuyên truyền để nâng cao nhận thức của cộng đồng về quản lý và bảo vệ môi trường vùng NTTS. Tăng cường phòng, chống dịch bệnh thủy sản, nghiên cứu khoa học về dịch bệnh, xây dựng vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh…
MINH CHÂU - NHẬT MINH (lược trích)
- Kỹ thuật nuôi tôm, nuôi cá, phòng trị bệnh tôm, cá và các loại thủy sản khác
Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.