Nguồn tin: Báo Bắc Ninh, 14/01/2022
Ngày cập nhật:
17/1/2022
Khai thác tiềm năng, lợi thế sẵn có, nghề nuôi thủy sản nói chung, nuôi cá lồng trên sông nói riêng ở các địa phương trong tỉnh Bắc Ninh phát triển mạnh mang lại nguồn thu nhập ổn định cho nhiều hộ dân. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhiều hộ nuôi cá lồng đang phải đối diện với không ít khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm, cần sự chung tay hỗ trợ của chính quyền, ngành chức năng.
Gần chục năm nuôi cá lồng trên sông Đuống, chưa khi nào ông Vũ Văn Chiến, xã Đức Long (Quế Võ) gặp khó về khâu tiêu thụ như năm nay. Duy trì nuôi 30 lồng cá, chủ yếu là cá lăng và cá chép giòn với sản lượng đến kỳ xuất bán khoảng 100 tấn nhưng hơn 1 tháng nay ông Chiến chưa tiêu thụ được do đầu ra gặp khó. Chia sẻ với chúng tôi ông Chiến không giấu nổi sự lo lắng: “Như các năm trước, mỗi ngày thương lái có thể đến mua từ 1 đến 2 lồng. Tuy nhiên, hiện tại có khi 10 ngày vẫn chưa bán hết 1 lồng. Không chỉ khó tiêu thụ, giá cá còn giảm mạnh khiến chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn. Cụ thể giá cá lăng chỉ ở mức 45.000 đồng/kg, giảm gần 20.000 đồng/kg so với cùng kỳ năm trước, cá chép giòn 90.000 đồng/kg, giảm hơn 20.000 đồng/kg, cá diêu hồng 35.000 đồng/kg, giảm 10.000-15.000 đồng/kg”. Trong khi giá cá giảm, thị trường tiêu thụ khó khăn thì giá thức ăn, liên tục tăng, tính từ đầu năm 2021 đến nay, thức ăn cho cá đã điều chỉnh tăng giá hàng chục lần, điển hình như giá cám nutreco tăng từ 270.000 đồng/bao 25 kg (thời điểm tháng 4-2021) lên mức 392.500 đồng. Với 30 lồng cá, mỗi ngày gia đình ông Chiến chi phí 26 triệu đồng tiền thức ăn. Toàn bộ chi phí thức ăn chăn nuôi ông phải mua theo hình thức trả chậm tại một đại lý của tỉnh Hải Dương nên giá thành cao hơn khoảng 20.000 đồng/bao so với mua bằng tiền mặt. Vì vậy mặc dù sản lượng cá năm 2021 tăng gần gấp đôi so với năm 2020 nhưng theo ông Chiến đây tiếp tục là vụ cá thất thu của gia đình ông.
Ông Nguyễn Quang Biều, Chủ tịch UBND xã Đức Long cho biết: “Toàn xã có 200 hộ nuôi hơn 300 lồng cá, chủ yếu là các giống cá lăng, chép giòn, diêu hồng, trắm đen. Ảnh hưởng của dịch COVID-19, thị trường tiêu thụ chậm, toàn xã còn khoảng 600 tấn cá đã đến thời kỳ thu hoạch nhưng không thể xuất bán. Chính quyền xã khuyến cáo bà con không nên bán tháo, cần chăm sóc cá thường xuyên, đúng quy trình, bảo đảm chất lượng cá, chờ khi thị trường lưu thông sẽ có sản phẩm cung cấp cho thị trường.
Lồng cá của gia đình ông Vũ Văn Chiến, xã Đức Long (Quế Võ).
Cũng như các hộ nuôi cá lồng ở Đức Long, hơn 8 tháng qua, các hộ nuôi cá lồng tại HTX nuôi trồng thuỷ sản Minh Tiến, xã Trung Kênh (Lương Tài) đứng ngồi không yên bởi thị trường tiêu thụ ảm đạm, giá bán sụt giảm. Ông Đỗ Văn Lên, Giám đốc HTX chia sẻ: Hàng năm, tầm tháng 10 các hộ cơ bản thu hoạch hết lượng cá đến kỳ xuất bán, song hiện vẫn tồn đọng rất nhiều, chưa biết đến bao giờ mới bán được. Một khó khăn nữa mà các hộ dân nuôi cá lồng gặp phải là lứa cá thương phẩm không xuất bán được thì không có lồng trống để vào lứa cá tiếp theo cho năm sau. Nếu duy trì nuôi lứa cá này, chi phí sẽ lớn hơn chi phí vào đàn cá mới”.
Theo ông Nguyễn Hồng Quang, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh, với tổng diện tích mặt nước ao, hồ, đầm và ruộng trũng khoảng 5.200 ha, Bắc Ninh có tiềm năng, lợi thế để phát triển thuỷ sản. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 người nuôi cá lồng đang gặp khó khăn đầu ra. Toàn tỉnh hiện có 2.500-3.000 tấn cá đến thời kỳ xuất bán không tiêu thụ được khiến nhiều hộ nuôi cá lồng bị thua lỗ, không kịp thu hồi vốn và để lỡ khung thời vụ chăn nuôi sản xuất tiếp theo. Để hỗ trợ người nuôi giải phóng thủy sản tồn đọng, vừa qua, ngành Nông nghiệp tỉnh phối hợp với các địa phương, doanh nghiệp, hợp tác xã nuôi trồng thủy sản thống kê sản lượng cá thương phẩm đến kỳ xuất bán để kết nối tiêu thụ với các đơn vị thu mua truyền thống, đồng thời, tiếp tục tìm kiếm, tạo mối liên kết với các tỉnh, thành phố và các doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm bảo đảm giá thành ổn định cho người dân; đẩy mạnh tập huấn cho nông dân quy trình nuôi cá lồng trên sông theo hướng VietGAP; tăng cường xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu, gắn với truy xuất nguồn gốc để tiêu thụ và quảng bá sản phẩm cho nhân dân. Khuyến khích liên kết sản xuất theo chuỗi giữa doanh nghiệp và người nuôi hoặc hình thành các hợp tác xã, tổ hợp tác tạo điều kiện về nguồn lực đầu tư nhằm phát triển nghề nuôi cá lồng theo hướng tập trung, tăng giá trị sản phẩm, gắn với thị trường tiêu thụ, tiếp tục khai thác tiềm năng, thế mạnh chăn nuôi thủy sản, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Tuấn-Hà
- Kỹ thuật nuôi tôm, nuôi cá, phòng trị bệnh tôm, cá và các loại thủy sản khác
Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.