Nguồn tin: Báo Nam Định, 15/06/2022
Ngày cập nhật:
17/6/2022
Bước vào mùa mưa bão năm nay, nhiều diện tích nuôi thủy sản của tỉnh Nam Định vẫn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn, ảnh hưởng đến năng suất, sản lượng và thiệt hại cho người nuôi. Vì vậy, công tác bảo đảm an toàn cho diện tích nuôi thủy sản, nhất là vùng trũng ven sông, ven biển, vùng nội đồng có nguy cơ ngập úng cao trong mùa mưa bão đang được ngành Nông nghiệp, các địa phương và người nuôi thủy sản tích cực triển khai thực hiện.
Cán bộ xã Yên Phúc (Ý Yên) tuyên truyền, nhắc nhở các hộ dân nuôi cá lồng trên sông Đào thực hiện tốt các biện pháp bảo đảm an toàn lồng bè, hạn chế thiệt hại khi có bão, lũ xảy ra.
Hiện nay, các vùng nuôi thủy sản trên địa bàn huyện Vụ Bản chủ yếu tại các khu chuyển đổi ruộng trũng vùng nội đồng, vùng ven sông. Cơ sở hạ tầng tại các vùng nuôi thủy sản vẫn còn nhiều hạn chế nên luôn tiềm ẩn các rủi ro mất an toàn trong mùa mưa bão. Qua kiểm tra cho thấy, những ao, đầm nuôi thủy sản ven sông Đào, sông Sắt là những nơi có nguy cơ bị ảnh hưởng nhiều hơn khi có gió to, mưa lớn kéo dài. Do đó, các hộ nuôi thủy sản trong khu vực này cần quan tâm nhiều hơn đến việc thực hiện các giải pháp bảo đảm an toàn vùng sản xuất… Tại xã Yên Phúc (Ý Yên), phong trào nuôi cá lồng trên sông Đào đang khá phát triển, thu hút 16 hộ tham gia với tổng diện tích trên 20 nghìn m2 lồng bè. Theo ông Vũ Đình Tuấn ở thôn An Quang là hộ có diện tích nuôi cá lồng lớn nhất xã cho biết, lợi thế lớn nhất của nuôi cá lồng trên sông chính là nguồn nước luôn động, ít bị ô nhiễm, nguồn thức ăn tự nhiên dồi dào hơn so với nuôi nội đồng nên có thể thả các loại cá với mật độ cao, cá lớn nhanh và ít bị bệnh. Tuy nhiên mô hình này cũng có nguy cơ rủi ro lớn là ảnh hưởng của bão, lũ. Vì vậy, để bảo vệ an toàn sản xuất, chúng tôi phải thường xuyên kiểm tra, gia cố các lồng cá và tích cực thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn…
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT), năm nay diện tích nuôi thủy sản toàn tỉnh là 16 nghìn ha, trong đó nuôi mặn lợ 6.650ha và nuôi nước ngọt 9.350ha. Tại các địa phương có 1.228 lao động trông coi bãi nuôi ngao và 225 lồng bè nuôi thủy sản trên các tuyến sông. Để bảo đảm an toàn các vùng nuôi thủy sản trong mùa mưa bão năm nay, Sở NN và PTNT đã thành lập Ban Thường trực phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn chuyên ngành thủy sản; phối hợp với các ngành chức năng, chính quyền các địa phương tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cộng đồng nói chung, người nuôi thủy sản nói riêng về công tác đảm bảo an toàn cho người và ao, đầm nuôi. Bên cạnh đó, Sở NN và PTNT chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp với Phòng NN và PTNT các huyện, Phòng Kinh tế thành phố Nam Định kiểm tra hệ thống tiêu thoát nước, hướng dẫn người dân có các biện pháp bảo vệ ao, đầm nuôi thủy sản khi có mưa to, gió lớn. Tập trung đầu tư cải tạo, nâng cấp hệ thống thủy lợi, nạo vét hệ thống kênh mương để bảo đảm tiêu thoát nước nhanh chóng, kịp thời. Các địa phương tăng cường hướng dẫn người dân các biện pháp gia cố, bảo vệ bờ, cống; hướng dẫn người nuôi thủy sản thu hoạch trước mùa mưa, bão nếu tôm, cá đạt kích cỡ thương phẩm nhằm hạn chế thất thoát, thiệt hại kinh tế khi bão, lũ xảy ra; thường xuyên kiểm tra và áp dụng các biện pháp phòng bệnh cho con nuôi thủy sản khi thời tiết thay đổi. Đồng chí Đỗ Hải Điền, Chủ tịch UBND huyện Hải Hậu cho biết, hàng năm trong phương án phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn chung của huyện đều có phương án phòng, chống úng nội đồng, bảo vệ vùng nuôi thủy sản. Chỉ đạo, hướng dẫn các xã, thị trấn tu sửa, nâng cấp các công trình thuỷ lợi, cầu cống, bờ đầm, chòi, nhà bảo vệ tại các vùng nuôi thủy sản. Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện và các xã, thị trấn đã tổ chức kiểm kê, rà soát các vùng nuôi thủy sản; hệ thống kênh, trạm bơm tiêu chống úng khu vực nuôi thủy sản nhằm chủ động các biện pháp ứng phó khi có mưa to, bão lớn, siêu bão xảy ra.
Phối hợp với Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Chi cục Thủy sản (Sở NN và PTNT), các cơ quan chuyên môn, cấp ủy Đảng, chính quyền cơ sở tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn người dân thường xuyên kiểm tra, tu bổ, đắp áp trúc tôn cao bờ ao, bờ vùng khu vực nuôi thủy sản bảo đảm chắc chắn, phát quang cây xanh, cỏ dại, tạo đường thoát nước mưa nhanh; đặt lưới chắn xung quanh bờ ao (độ cao 40-50cm, ghim sâu 20-30cm dưới mặt đất) để ngăn thủy sản thoát ra ngoài, đặt lưới chắn hình chữ V trước cống xả tràn để tăng diện tích thoát nước khi có lũ lụt lớn xảy ra; tháo bớt nước trong ao trước các đợt mưa, lũ lớn, chuẩn bị các dụng cụ, vật tư cần thiết để dự phòng; kiểm tra, gia cố lại hệ thống lồng bè, dây neo, phao lồng và di chuyển vào nơi kín gió, có dòng chảy nhẹ để tránh gió bão làm hỏng; trong trường hợp lồng không thể di chuyển thì hạ độ sâu của lồng để giảm bớt ảnh hưởng bởi sóng, gió; thường xuyên vệ sinh lồng sạch sẽ, thông thoáng… Hướng dẫn thu hoạch đúng mùa vụ và có các biện pháp đảm bảo an toàn cho người và tài sản, tuyệt đối không cho người dân ở lại đầm và chòi canh coi khi có bão. Chống tư tưởng chủ quan với những bất thường của thời tiết, nhất là khi có áp thấp nhiệt đới, bão trên Biển Đông.
Tập trung thực hiện đồng bộ các biện pháp bảo đảm an toàn cho vùng nuôi thủy sản sẽ góp phần giảm thiệt hại, duy trì tốc độ tăng trưởng của ngành Nông nghiệp và nâng cao thu nhập cho người dân./.
Bài và ảnh: Văn Đại
- Kỹ thuật nuôi tôm, nuôi cá, phòng trị bệnh tôm, cá và các loại thủy sản khác
Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.