• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Thạnh Hóa (Long An): Mô hình Nuôi lươn không bùn mang lại hiệu quả kinh tế cao

Nguồn tin: Báo Long An, 05/07/2022
Ngày cập nhật: 7/7/2022

Ít tốn công chăm sóc, tiết kiệm diện tích, lươn nuôi phát triển tốt, ít bệnh, tỷ lệ sống đạt trên 90%,... là những ưu điểm của mô hình Nuôi lươn không bùn.

Mô hình Nuôi lươn không bùn trên địa bàn huyện Thạnh Hóa bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế

Những năm qua, do dịch tả heo châu Phi kéo dài, đầu ra không ổn định, nhiều hộ chăn nuôi heo bị thua lỗ nặng phải bỏ trống chuồng trại. Tận dụng chuồng trại sẵn có, nhiều hộ dân ở huyện Thạnh Hóa, tỉnh Long An chuyển sang mô hình Nuôi lươn không bùn, bước đầu thử nghiệm đã mang lại hiệu quả kinh tế, tạo thêm thu nhập cho gia đình. Để định hướng mô hình nuôi thủy sản phát triển bền vững, có sự liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, cuối năm 2019, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện đã triển khai, thực hiện mô hình Nuôi lươn không bùn tại 3 hộ dân. Tham gia mô hình, nông dân (ND) được hỗ trợ 50% chi phí mua con giống và được cán bộ kỹ thuật tập huấn, hướng dẫn các quy trình nuôi, cách phòng trị bệnh, kỹ thuật chăm sóc lươn. Theo đó, mỗi hộ thả nuôi 3.000 con lươn giống, với mật độ nuôi 200 con/m2.

Qua đánh giá mô hình, lươn phát triển tốt, dễ chăm sóc, ít bệnh, tỷ lệ sống đạt trên 90%. Đặc biệt, ND có thể tận dụng hệ thống túi ủ biogas của việc nuôi heo trước đây để xử lý chất thải, giúp giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Sau khi trừ chi phí đầu tư ban đầu, 6.000 con lươn giống của 2 hộ trong mô hình Nuôi lươn không bùn mang về lợi nhuận trên 63 triệu đồng.

Là một trong những hộ nuôi lươn không bùn đạt hiệu quả trên địa bàn huyện, ông Huỳnh Văn Ngời, ngụ xã Thạnh Phú, chia sẻ: “Nhờ áp dụng kỹ thuật chăm sóc tốt nên tỷ lệ hao hụt thấp, lươn lớn nhanh, sau khoảng 10 tháng nuôi thì có thể thu hoạch. Hiện thương lái thu mua lươn với giá 150.000 đồng/kg. Từ 5.000 con giống ban đầu, đến nay, gia đình tôi đã mở rộng diện tích thả nuôi trên 20.000 con lươn thương phẩm”. Song song với việc nuôi lươn thương phẩm, ông Ngời còn tìm tòi, học hỏi và đã ươm thành công lươn giống, từ đó, gia đình ông tự chủ được nguồn con giống; đồng thời, cung cấp lươn giống cho người dân khi có nhu cầu.

Còn tại hộ ông Trương Văn Út, ngụ xã Thuận Nghĩa Hòa, sau nhiều năm nuôi cá nhưng hiệu quả kinh tế không cao nên đã chuyển sang mô hình Nuôi lươn không bùn. Ông Út phấn khởi: “Nuôi lươn không khó, quan trọng nhất là nguồn nước, phải có bể nước xả tràn và thay nước 2 lần/ngày sau khi cho ăn để tránh nước bị ô nhiễm. Đặc biệt, người nuôi phải cho lươn ăn vừa đủ, không thừa cũng không thiếu, chủ yếu sát khuẩn bể nuôi thường xuyên, phòng ngừa bệnh là chính,... Trước đây, khi biết tại địa phương có hộ ươm thành công lươn giống, tôi đã đến tìm hiểu, học hỏi kinh nghiệm và quyết định thả nuôi 6.000 con lươn. Đến nay, lươn đã hơn 7 tháng tuổi, phát triển tốt và đạt khoảng 150g/con, tỷ lệ hao hụt thấp”.

Nuôi lươn không bùn ít tốn công chăm sóc, tiết kiệm diện tích

Được biết, nguồn thức ăn chủ yếu của lươn là thức ăn công nghiệp, dạng viên hỗn hợp. Sau khi lươn đạt trọng lượng khoảng 100g có thể trộn thêm các loại ốc, cá tạp,... cùng thức ăn hỗn hợp để giảm chi phí. Mặt khác, người nuôi cần bổ sung thêm vitamin C, men tiêu hóa để tăng sức đề kháng cho lươn phát triển tốt. Sau khi thả nuôi từ 10-11 tháng, lươn thương phẩm đạt khoảng 200g/con thì thu hoạch, có thể thu tỉa hoặc thu toàn bộ tùy theo nhu cầu của thị trường tiêu thụ.

Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thạnh Hóa - Nguyễn Kinh Kha cho biết, thời gian tới, các cơ quan chuyên môn sẽ phối hợp hỗ trợ ND tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi, khoa học - kỹ thuật để nhân rộng các mô hình kinh tế hiệu quả, trong đó có mô hình Nuôi lươn không bùn. Ngoài ra, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện tiếp tục quan tâm, chia sẻ những khó khăn cùng ND để phát triển mô hình Nuôi lươn không bùn được ổn định, bền vững hơn.

Có thể nói, mô hình Nuôi lươn không bùn đã mở ra hướng đi mới cho việc nuôi trồng thủy sản trên địa bàn huyện Thạnh Hóa. Thời gian tới, mô hình cần được nhân rộng nhằm cải thiện thu nhập cho ND và góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển./.

Hoài An - Trung Hưng

Các tin mới

 

Nhấn vào đây để xem các tin trước

Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang