Nguồn tin: Báo Lào Cai, 20/7/2022
Ngày cập nhật:
22/7/2022
Hơn chục hộ ở thôn An Quang, xã Quang Kim (Bát Xát, tỉnh Lào Cai) đã mạnh dạn thành lập mô hình sản xuất, cung cấp nông sản an toàn. Nhu cầu lớn, giá bán cao nên việc sản xuất, tiêu thụ nông sản sạch đã giúp các hộ này có thu nhập cao, ổn định.
Trước đây, dù sở hữu gần 8.000 m2 ao nuôi thủy sản nhưng mỗi năm, gia đình anh Dương Xuân Hữu, ở thôn An Quang chỉ thu lãi khoảng chục triệu đồng từ bán cá. Năm 2018, nhận thấy người tiêu dùng, nhất là khu vực thành thị, có nhu cầu tiêu thụ nông sản sạch, anh đã thay đổi, bắt đầu từ nuôi cá. Trước đây, với diện tích mặt nước hiện có, anh có thể thả hàng vạn con cá với đủ loại trắm, chép, rô phi… nhưng nay anh chỉ thả khoảng 1.000 con cá trắm cỏ và thêm vài chục con chép, mè. Cá trắm mà anh Hữu thả xuống ao ban đầu có trọng lượng 1 - 1,5 kg nên ăn cỏ rất tốt và lớn nhanh. Nếu chăm sóc tốt thì chỉ trong 1 năm, cá có trọng lượng lên tới 4,5 - 5 kg, thậm chí 6 kg/con.
Anh Hữu cho biết: Để chăm sóc khoảng 1.000 con cá trắm, hằng ngày gia đình tôi luôn phải có 2 nhân lực cắt 1,5 - 2 tạ cỏ, lá chuối, cây ngô non. Cá trắm cỏ được ăn no, cùng với nguồn nước sạch nên rất khỏe, nhanh lớn, chất lượng thịt thơm, ngon, giá bán cao, khoảng 75 - 85 nghìn đồng/kg tùy trọng lượng. Trừ chi phí, mỗi năm gia đình tôi có lãi khoảng 150 triệu đồng từ nuôi cá.
Sau mỗi lần gạn ao, nhận thấy lượng cá nhỏ, cá tạp rất lớn, giá bán lại rẻ, anh Hữu đã sấy khô rồi nghiền lẫn với ngô làm thức ăn chăn nuôi lợn. Mỗi năm, anh còn phải mua thêm 4 tấn ngô để nuôi khoảng 6 tấn lợn thịt. Anh Hữu cho biết: Lợn khi đã đủ trọng lượng, gia đình tôi tự mổ bán cho những khách quen. Vì chủ động được con giống, thức ăn, đặc biệt là không nuôi cám tăng trọng nên chất lượng thịt đảm bảo. Giá lợn thịt gia đình tôi bán đắt hơn ngoài chợ khoảng 10 nghìn đồng/kg mà vẫn không có để bán.
Anh Hữu nuôi cá sạch mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Anh Nguyễn Văn Duy ở phường Pom Hán (thành phố Lào Cai) là khách quen của gia đình anh Hữu. Theo anh Duy, việc tìm được địa chỉ cung cấp thực phẩm an toàn, đảm bảo chất lượng như gia đình anh Hữu ở Quang Kim không phải dễ. Giá sản phẩm cá, lợn tuy đắt hơn đôi chút nhưng đó không phải vấn đề lớn, quan trọng nhất là gia đình anh được sử dụng thực phẩm an toàn, chất lượng.
Mô hình sản xuất, tiêu thụ nông sản an toàn khép kín mang lại cho gia đình anh Hữu lợi nhuận khoảng 450 - 500 triệu đồng/năm. Từ thành công của gia đình anh Hữu, đến nay, thôn An Quang đã có hàng chục hộ triển khai mô hình sản xuất, cung cấp nông sản an toàn. Nhà nào có lợi thế về vườn, rừng thì chăn nuôi lợn, gà, trồng cây lấy gỗ, cây ăn quả; có lợi thế về ao thì nuôi cá… tạo nên chuỗi khép kín từ con giống, thức ăn cho đến khi bán sản phẩm ra thị trường.
Anh Nguyễn Văn Tuyên, ở thôn An Quang có ao lên tới gần 1 ha. Anh đã lựa chọn mô hình nuôi cá sạch để phát triển dịch vụ câu cá. Khách câu được cá sẽ trả tiền, giá nhỉnh hơn ngoài chợ 8 - 10 nghìn đồng/kg tùy loại. Anh Tuyên cho biết: Vì là cá “sạch” nên rất đông khách từ thành phố Lào Cai, thị trấn Bát Xát và khu vực lân cận đến câu. Nguồn cá được gia đình tôi lựa chọn từ các hộ trong nhóm sản xuất nông sản sạch của thôn An Quang, sau đó tiếp tục chăm sóc đúng quy trình, vì thế luôn đảm bảo về chất lượng.
An Quang - vùng đất ven sông nhiều lau sậy ngày nào nay đã có sự thay đổi rõ rệt. Những bãi đất phù sa được bàn tay cần cù, chịu khó của người dân phủ lên màu xanh ngô, lúa… làm nguồn thức ăn sạch để chăn nuôi; những hố nước lầy lội được người dân cải tạo thành ao nuôi thủy sản chất lượng cao.
Ông Phạm Văn Tính, Chủ tịch Hội Nông dân xã Quang Kim cho biết: Những năm qua, mô hình sản xuất nông sản an toàn của nhóm hộ thôn An Quang mang lại hiệu quả cao. Những gia đình tham gia sản xuất nông sản an toàn tại thôn An Quang có lợi nhuận từ 100 - 500 triệu đồng/năm. Trong thời gian tới, xã tiếp tục tuyên truyền, vận động và hướng dẫn kỹ thuật cho người dân ở các địa phương khác trong xã triển khai mô hình sản xuất, cung cấp nông sản sạch để phát kinh tế hiệu quả, bền vững.
Nhu cầu tiêu thụ nông sản an toàn ngày càng lớn, nhất là ở các khu đô thị. Mô hình sản xuất, cung cấp nông sản an toàn của người dân thôn An Quang là hướng đi phù hợp, có thể nhân rộng, nhất là với địa phương gần trung tâm thành phố, thị xã, thị trấn…
Trung Nguyên
- Kỹ thuật nuôi tôm, nuôi cá, phòng trị bệnh tôm, cá và các loại thủy sản khác
Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.