• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Nỗi lo nuôi thủy sản mùa mưa bão

Nguồn tin: Báo Nam Định, 22/07/2022
Ngày cập nhật: 25/7/2022

Cũng như các lĩnh vực sản xuất nông nghiệp khác, sản xuất thủy sản bị tác động không nhỏ bởi thời tiết, đặc biệt trong mùa mưa bão. Để giảm thiểu thiệt hại, nhiều hộ dân nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh Nam Định đã chủ động gia cố bờ bao, hệ thống thoát nước, bảo đảm an toàn cho các khu nuôi trồng thủy sản.

Gia đình ông Nguyễn Văn Tung, xóm 2, xã Xuân Châu (Xuân Trường) thường xuyên gia cố lồng bè nuôi cá, bảo đảm an toàn khi mùa mưa bão đến.

Tận dụng diện tích mặt nước sông Hồng chảy qua địa bàn, gia đình ông Nguyễn Văn Tung ở xóm 2 xã Xuân Châu (Xuân Trường) đầu tư 30 lồng nuôi cá trên sông. Nghề nuôi cá trên sông đã đem lại thu nhập, hiệu quả kinh tế hàng trăm triệu đồng/năm cho gia đình. Tuy nhiên, việc nuôi cá lồng trên sông có nhiều rủi ro, nhất là trong mùa mưa bão vì nguy cơ vỡ lồng, nước sông ô nhiễm. Ông Nguyễn Văn Tung cho biết: “Gia đình tôi hiện có 30 lồng nuôi cá lăng, cá diêu hồng, cá chép giòn… trên sông Hồng. Để bảo vệ lồng bè, như mọi năm, vào mùa mưa bão, gia đình tôi phải chuẩn bị đầy đủ nguyên, nhiên liệu, máy móc, thiết bị phục vụ công tác phòng tránh, khắc phục hậu quả do thiên tai; gia cố công trình, lồng nuôi, công trình phụ trợ có khả năng chịu ảnh hưởng của bão gió, mưa lũ. Nếu dự báo thời tiết có bão lớn, gia đình tôi sẽ khẩn trương thu hoạch thủy sản nuôi đạt kích cỡ thương phẩm, di dời lồng, bè nuôi đến nơi tránh trú an toàn. Đồng thời, đầu tư mua thêm thùng phao nổi, gia cố lại trụ cột, thay mới những tấm lưới cũ, rách. Đặc biệt, trong mùa mưa bão, thời tiết thay đổi, nên phải tăng sức đề kháng cho cá, thường xuyên vệ sinh sạch sẽ, bảo đảm môi trường sống tốt cho cá, tránh dịch bệnh”. Hiện nay, thời tiết mưa nắng thất thường, nhiệt độ, độ pH trong nước thay đổi đột ngột, khiến cá không kịp thích nghi và dễ mắc bệnh. Chính vì vậy, để hạn chế nguy cơ gây bệnh cho cá, gia đình ông Tung cũng như các hộ nuôi cá lồng thường xuyên vệ sinh lồng sạch sẽ, thông thoáng đồng thời giảm mật độ nuôi còn từ 70-80% so với các vụ trước; thường xuyên thăm lồng và đo chỉ số độ pH, ô-xy của nước để xử lý kịp thời khi có bất thường…

Là một trong những hộ nuôi tôm thâm canh của xã Hải Đông (Hải Hậu), ông Nguyễn Văn Hạo ở xóm Hợp Thành ngay từ khi bắt đầu vào mùa mưa bão, gia đình ông đã triển khai nhiều biện pháp nhằm bảo đảm an toàn cho diện tích nuôi của gia đình. Ông Hạo hiện đang nuôi 8 bể (mỗi bể 36m2) và 3 ao, trong đó có 1 ao nuôi, 1 ao chứa nước và 1 ao để xử lý nước. Theo ông Hạo, vào mùa mưa này ông chỉ thả giống tôm thẻ chân trắng, bởi so với tôm sú thì tôm thẻ chân trắng dễ thích nghi với điều kiện thời tiết vào mùa mưa bão. Tuy nhiên, tôm là loại thủy sản rất nhạy cảm với thời tiết. Vào mùa mưa, độ pH và độ ô-xy trong nước giảm khiến các loại vi khuẩn, nhất là các loại gây bệnh đốm trắng, chân đỏ phát triển mạnh, làm tăng nguy cơ tôm chết hàng loạt. Biên độ nhiệt trong ngày lớn cũng khiến sức ăn của tôm giảm. Lượng ô-xy trong nước giảm sau cơn mưa cũng khiến tôm dễ mắc bệnh. Do đó, người nuôi phải chú ý theo dõi và bổ sung oxy hợp lý bằng quạt nước hoặc máy bơm, điều này cũng giúp tránh phân tầng nước trong ao nuôi. Sau những lần xuất hiện mưa, cần tiến hành kiểm tra môi trường nước và tình trạng của tôm để có biện pháp xử lý kịp thời. Bên cạnh đó, ông Hạo cũng lưu ý, mùa mưa người nuôi phải chú ý nhất là đáy ao. Trước khi nuôi, đáy ao phải được vệ sinh thật kỹ, sau mỗi trận mưa thì phải rải vôi để khử trùng bờ, chống phèn trôi xuống ao. Không chỉ người nuôi tôm, mà những hộ nuôi cá trong các ao đất tự nhiên cũng phải thận trọng hơn khi canh tác trong vụ mùa mưa, bởi những cơn mưa lớn, kéo dài làm cho các yếu tố thủy, lý, hóa môi trường ao nuôi thay đổi theo chiều hướng xấu, dễ dẫn đến dịch bệnh, từ đó gây ảnh hưởng đến hiệu quả nuôi thủy sản. Do đó, theo các hộ nuôi: phòng bệnh là giải pháp hiệu quả để giảm chi phí sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, nâng cao hiệu quả nuôi thủy sản.

Gia đình ông Lê Văn Bản ở xã Xuân Hòa (Xuân Trường) có tổng diện tích 2,7ha, chủ yếu nuôi các loại cá lăng, trắm đen, cá chép và xen canh tôm thẻ chân trắng. Để giảm thiểu thiệt hại trong mùa mưa bão, ông Bản đã luôn phải chủ động kiểm tra, gia cố lại bờ ao, chuẩn bị sẵn sàng lưới quây để chống thất thoát cá khi có mưa lớn. Ngoài ra, ông Bản cũng chuẩn bị sẵn sàng máy bơm nước, máy khuấy tạo ô-xy… để sử dụng khi cần điều tiết nước, điều hòa ô-xy trong nước cho cá sau mỗi lần thời tiết thay đổi, sau mưa. Bên cạnh đó, để hạn chế thiệt hại, ông Bản cũng dành thời gian tăng cường theo dõi sự thay đổi môi trường nước trong ao để điều chỉnh kịp thời bằng hóa chất, vôi bột, chế phẩm sinh học... bảo đảm môi trường và sinh trưởng của các đối tượng nuôi. Đối với ông Bản, quan trọng nhất trong thời điểm mùa mưa bão là người nuôi phải để ý các dấu hiệu, tình trạng bất thường trên cá nuôi để điều chỉnh lượng thức ăn cho phù hợp.

Theo nhận định của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, năm 2022 có khả năng xuất hiện bão mạnh trái quy luật với khoảng 10-12 cơn bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động trên khu vực Biển Đông. Lượng mưa trong năm có xu hướng gia tăng trên phạm vi toàn quốc, khả năng cao xảy ra hiện tượng mưa cực đoan. Do đó, để chủ động bảo vệ thủy sản nuôi, giảm thiệt hại xuống mức thấp nhất do mưa bão gây ra, bên cạnh việc thường xuyên khuyến cáo các biện pháp bảo vệ thủy sản mùa mưa, các ngành chức năng khuyến cáo người nuôi thủy sản trong thời điểm mưa bão cần theo dõi thường xuyên thời tiết và các thông tin dự báo hàng ngày để chủ động trong công tác sản xuất và nuôi trồng thủy sản. Trong thời điểm mưa nắng thất thường có thể xảy ra mưa bão và các hiện tượng thời tiết nguy hiểm như giông tố và gió giật mạnh. Do đó, đối với các cơ sở nuôi cá lồng cần tu sửa lồng bè, chằng chống dây cho chắc chắn, đảm bảo cho người làm việc trên bè và động vật thủy sản nuôi, thường xuyên theo dõi môi trường nước, kiểm tra hoạt động của động vật nuôi, quan sát để điều chỉnh lượng thức ăn vừa đủ, bổ sung các vitamin, khoáng chất nhằm tăng cường sức đề kháng cho động vật nuôi thủy sản. Đối với các hộ nuôi trong ao cần nạo vét kênh mương, kiểm tra các ống xả tràn ao nuôi, gia cố hệ thống thoát nước, bờ ao, các công trình nuôi, đảm bảo an toàn khi mưa, bão đến./.

Bài và ảnh: Văn Huỳnh

Các tin mới

 

Nhấn vào đây để xem các tin trước

Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang