• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Nam Định: Phát triển nuôi thủy sản nước ngọt ở Ý Yên

Nguồn tin: Báo Nam Định, 08/08/2022
Ngày cập nhật: 10/8/2022

Những năm qua, tận dụng lợi thế giáp sông Đào và sông Đáy, người dân ở nhiều xã trên địa bàn huyện Ý Yên (Nam Định) đã phát triển nghề nuôi thủy sản nước ngọt đem lại hiệu quả kinh tế ổn định.

Mô hình nuôi cá lồng của người dân xã Yên Phúc đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Hiện trên địa bàn huyện có các vùng nuôi thủy sản tập trung tại các xã: Yên Chính, Yên Trung, Yên Khánh… với các đối tượng chính như các loại cá nước ngọt truyền thống, chạch sụn, cá rô đầu vuông… Xã Yên Trung hiện có gần 30ha mặt nước phục vụ cho nuôi thủy sản nước ngọt. Trung bình hàng năm, sản lượng nuôi thủy sản toàn xã đạt khoảng 90 tấn. Để hỗ trợ người dân phát triển nuôi thủy sản, Đảng ủy, chính quyền xã Yên Trung đã khuyến khích, tạo điều kiện cho người dân khai thác lợi thế tự nhiên, nhất là phát triển quy mô trang trại, gia trại với đa dạng các đối tượng nuôi. Xã luôn tạo điều kiện thuận lợi để các hộ nuôi thủy sản mở rộng diện tích, tiếp cận nguồn vốn tín dụng đầu tư hạ tầng, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật nâng cao hiệu quả sản xuất. Đồng thời phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) huyện tổ chức các lớp tập huấn về nuôi thủy sản nước ngọt giúp các hộ dân nâng cao năng suất, chất lượng con nuôi. Được sự ủng hộ của chính quyền địa phương, nhiều hộ dân trong xã mạnh dạn chuyển đổi diện tích đất trũng, cấy lúa kém hiệu quả sang nuôi thủy sản. Ông Nguyễn Văn Viễn ở xã Yên Đồng phát triển mô hình nuôi cá rô đầu vuông được khoảng 10 năm. Ông cho biết, trước đây ông đã từng làm nhiều nghề, trồng nhiều loại cây nhưng chưa thực sự hiệu quả. Qua theo dõi các phương tiện truyền thông, ông nhận thấy mô hình nuôi cá rô đầu vuông ở một số tỉnh miền Trung cho hiệu quả kinh tế cao. Sau nhiều lần tìm hiểu và đi tham quan thực tế, năm 2012 ông Viễn mạnh dạn đưa cá rô đầu vuông về nuôi thử nghiệm. Dù là đối tượng mới nhưng cá rô đầu vuông phát triển rất tốt và cho hiệu quả kinh tế khá, mỗi năm gia đình ông Viễn xuất bán ra thị trường hơn 15 tấn cá với giá 40 nghìn đồng/kg. Sau khi trừ chi phí, mỗi năm gia đình ông Viễn lãi trên 200 triệu đồng. Ngoài ra, ông còn xây hơn 30m2 bể cá sộp, mỗi năm xuất bán gần 1 tấn thương phẩm với giá 60 nghìn đồng/kg. Ngoài mô hình nuôi cá rô đầu vuông của ông Viễn, mô hình nuôi chạch sụn của anh Tô Văn Mạnh ở xã Yên Phương cũng đem lại hiệu quả kinh tế cao. Hiện anh Mạnh có 8 ao nuôi cá chạch sụn. Cá chạch sụn cũng là loại tăng trưởng ổn định, cho thu hoạch 2 vụ/năm. Thời gian trung bình từ khi nuôi ương cá bột cho đến khi thành cá thương phẩm từ 3-5 tháng tùy theo mùa. Để đảm bảo chất lượng nguồn nước và thức ăn ổn định cho đàn chạch, anh Mạnh đã chế tạo ra máng ăn tự động, mỗi ao đặt từ 2-3 máng nhằm chủ động kiểm soát lượng thức ăn dư thừa trong ao. Trung bình mỗi năm, anh Mạnh thu được 60 tấn cá thương phẩm với giá bán dao động từ 50-60 nghìn đồng/kg. Giá trị kinh tế từ nuôi cá chạch sụn cao gấp 3 lần so với nuôi thả các loại cá truyền thống.

Cùng với các mô hình hiệu quả, trên địa bàn huyện có hơn 100 lồng cá trên sông ở các xã Yên Phúc, Yên Lộc. Anh Vũ Đình Tuấn ở xã Yên Phúc đang có hơn 15 lồng nuôi cá diêu hồng, cá lăng, cá trắm và cá chép. Anh Tuấn chia sẻ, sau khi học hỏi kinh nghiệm nuôi cá lồng của bạn bè và tìm hiểu qua sách, báo, năm 2014, được các cơ quan chức năng cấp phép, anh mạnh dạn đầu tư 1 tỷ đồng làm lồng nuôi cá. Theo tính toán của anh Tuấn, một lồng cá nuôi trên sông cho thu nhập cao gấp 2-3 lần so với nuôi trong ao, hồ. Mỗi năm, anh Tuấn xuất ra thị trường trong tỉnh và cả các tỉnh, thành phố như: Hà Nội, Ninh Bình, Hà Nam khoảng 100 tấn cá, thu nhập hơn 600 triệu đồng. Để đảm bảo nuôi cá lồng an toàn, hiệu quả, Ban Nông nghiệp xã Yên Phúc đã phối hợp với các tổ chức, đoàn thể hướng dẫn kiến thức cho các hộ nuôi cá lồng theo hướng bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, chấp hành tốt quy định về giao thông đường thủy; lựa chọn đối tượng nuôi phù hợp khả năng kinh tế và kỹ thuật. Những hộ nuôi nhỏ lẻ tập trung tổ chức sản xuất, có sự liên kết với nhau để chia sẻ kinh nghiệm nuôi cũng như giảm được áp lực đầu ra khi thu hoạch. Đối với các cơ sở nuôi cá lồng không theo quy hoạch, vi phạm quy định về điều kiện nuôi cá lồng trên sông, vi phạm quy định giao thông đường thủy, các cơ quan chức năng xử lý nghiêm theo quy định.

Để nâng cao hiệu quả nuôi thủy sản nước ngọt, Phòng NN và PTNT huyện đã kết hợp với các xã tổ chức các buổi, tham quan, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm từ các mô hình nuôi thủy sản trong và ngoài huyện; mời cán bộ chuyên môn về hướng dẫn, giúp đỡ các hộ nuôi thủy sản quy hoạch ao nuôi theo tiêu chuẩn, đồng thời tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật nuôi thả và phòng bệnh cho cá. Huyện cũng chỉ đạo các cơ quan chuyên môn quản lý chặt chẽ quá trình chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang nuôi cá nước ngọt, bảo đảm mở rộng diện tích theo đúng định hướng, tránh việc người dân nuôi tự phát, tràn lan, nhỏ lẻ, phá vỡ quy hoạch. Khuyến khích người dân hình thành những vùng nuôi thủy sản nước ngọt tập trung theo hướng bền vững, xa khu dân cư, không ảnh hưởng đến môi trường.

Thời gian tới, bám sát quy hoạch phát triển kinh tế thủy sản và bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, huyện Ý Yên chú trọng nghiên cứu sâu đặc điểm thực tiễn của từng xã để tiếp tục mở rộng diện tích nuôi thủy sản nội đồng, tạo điều kiện để người dân đầu tư cải tạo, nâng cấp cơ sở hạ tầng phát triển mô hình lúa cá truyền thống, nuôi cá lồng trên sông, quan tâm phát triển mô hình nuôi các loại cá truyền thống được thị trường ưa chuộng và các giống cá mới có hiệu quả kinh tế cao. Khuyến khích các hộ nuôi thủy sản áp dụng kỹ thuật nuôi theo hướng bán thâm canh và thâm canh để đạt năng suất cao gắn việc tổ chức sản xuất theo hướng hàng hóa, quy mô lớn, theo chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, áp dụng công nghệ hiện đại vào sản xuất phát triển bền vững./.

Bài và ảnh: Thanh Hoa

Các tin mới

 

Nhấn vào đây để xem các tin trước

Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang