Nguồn tin: Báo Vĩnh Long, 16/08/2022
Ngày cập nhật:
17/8/2022
Vĩnh Long có nhiều tiềm năng và phát triển nuôi thủy sản. Tuy nhiên thời gian qua, giá thức ăn tăng, dịch bệnh, thời tiết đã ảnh hưởng không nhỏ đến các hộ chăn nuôi. Và nhất vào mùa mưa lũ, việc thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn trong sản xuất cũng đang đặt ra yêu cầu sự vào cuộc chủ động đối với nhiều hộ nuôi.
Giá thức ăn tăng cao khiến người nuôi giảm lợi nhuận.
Nuôi thủy sản: Nhiều khó khăn
Nuôi cá nhiều năm, anh Huỳnh Văn Thanh (ấp Bình Lương- xã An Bình), cho hay: “Trước đây tôi có 4 lồng bè nuôi cá điêu hồng nhưng lỗ quá nên tôi ngưng nuôi và chuyển sang nuôi cá mè hôi cầm chừng”.
Kế bên khu lồng bè của anh Thanh, có 20 lồng bè nuôi cá, anh Nguyễn Quang Hoanh, chia sẻ: “Tôi chủ yếu nuôi cá điêu hồng, sản lượng có thể cung ứng cho thị trường từ 150- 200 tấn/năm, các loại cá khác từ 10- 20 tấn/loại. Tuy nhiên giá thức ăn đang tăng cao hơn so với các năm trước khiến người nuôi cá điêu hồng khó kiếm lời. Nuôi cá “khó ăn”, lỗ thì nhiều mà lời thì ít”.
Anh Hoanh tính toán: Từ khoảng năm 2020, giá thức ăn chăn nuôi ổn định khoảng 14.000 đ/kg, với mức giá cá điêu hồng từ 35.000 đ/kg thì người nuôi có lời khoảng 4.000 đ/kg cá. Tuy nhiên, từ đầu năm 2022 đến nay, giá thức ăn tăng lên liên tục, tăng 4.800 đ/kg (khoảng 19.000 đ/kg thức ăn), trung bình 2kg thức ăn/1kg cá bán, với giá cá 38.000- 39.000 đ/kg thì người nuôi còn phải bù lỗ thêm khoảng 5.600 đ/kg cá.
Đó là chưa kể hiện nay vào mùa mưa lũ, nước đục nên cá dễ nhiễm bệnh hơn, như bệnh gan thận mủ, xuất huyết,… và tháng 7âl còn là nghịch vụ cá nên tỷ lệ hao hụt cũng nhiều hơn. “Năm nay nước lũ về sớm hơn 1 tháng, nước bắt đầu đục dần nên cũng ảnh hưởng lớn đến môi trường sinh trưởng của cá điêu hồng nuôi trong bè”- anh Hoanh cho biết thêm.
Với 3 ao đang nuôi cá tra, anh Trần Trung Tấn (xã Bình Hòa Phước- Long Hồ), cho biết: “Vào mùa mưa, lũ, các yếu tố môi trường ao nuôi có thể bị thay đổi đột ngột làm thủy sản nuôi bị sốc, dễ phát sinh dịch bệnh. Do đó, tôi thường xuyên theo dõi môi trường nước, kiểm tra hoạt động của cá, quan sát để điều chỉnh lượng thức ăn vừa đủ, bổ sung các vitamin, khoáng chất để tăng cường sức đề kháng cho cá”.
Theo nhiều người nuôi thủy sản tại xã An Bình (Long Hồ), một trong những nguyên nhân tạm nghỉ nuôi là do giá cả thức ăn tăng mạnh, trong khi giá bán thấp khiến người nuôi không có lời, thậm chí thua lỗ nặng.
Phó Chủ tịch UBND xã An Bình (Long Hồ) Nguyễn Hữu Phước, cho biết: Xã An Bình có tiềm năng và lợi thế phát triển thủy sản nuôi lồng bè. Tính đến tháng 7/2022, diện tích mặt nước nuôi thủy sản toàn xã có trên 21ha và cặp sông Tiền, sông Cổ Chiên hiện có khoảng 1.000 lồng bè nuôi thủy sản. Từ đầu năm đến nay, người chăn nuôi đang phải đối mặt với tình trạng giá thức ăn tăng cao, người nuôi không có lợi nhuận, thậm chí thua lỗ.
Chủ động bảo vệ thủy sản mùa mưa, lũ
Chưa hết lo chi phí, lợi nhuận, người chăn nuôi thủy sản hiện nay còn phải lo bảo vệ thủy sản nuôi vào mùa mưa, lũ. Theo đó, để hạn chế thiệt hại, bên cạnh các khuyến cáo của ngành chức năng, người nuôi cũng đã chủ động sớm chuẩn bị các biện pháp đảm bảo an toàn.
Để bảo vệ các lồng bè nuôi cá, anh Nguyễn Quang Hoanh (Long Hồ) đã thuê thợ gia cố lại lồng bè, thường xuyên kiểm tra, gia cố lại hệ thống lồng nuôi. Tương tự, do nuôi cá sát sông Tiền, nên anh Trần Trung Tấn cũng chia sẻ: “Nếu không chủ động phòng, chống trong mùa mưa lũ, chẳng may gặp rủi ro sẽ gây thiệt hại không nhỏ. Do vậy, tôi cập nhật thông tin thời tiết, cảnh báo, dự báo thiên tai để chủ động phòng, tránh, giảm thiểu thiệt hại”.
Ông Nguyễn Hữu Phước cho biết: Ngay từ đầu năm xã đã củng cố, kiện toàn Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn, thành lập đội xung kích tình nguyện để khi có sự cố xảy ra sẽ kịp thời hỗ trợ người dân. Trong đó, đối với các hộ nuôi thủy sản, địa phương cũng tăng cường tuyên truyền, khuyến cáo đến các hộ dân thường xuyên kiểm tra dây neo, mái che để đảm bảo an toàn khi có giông, gió, mưa lũ, triều cường, sạt lở,… xảy ra.
Ông Trần Chí Cường- Phó Chủ tịch UBND xã Bình Hòa Phước (Long Hồ) cũng cho hay: UBND xã đã kiện toàn Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn, trong đó công an, quân sự cấp xã là lực lượng chủ yếu đóng vai trò phản ứng nhanh nếu có trường hợp khẩn cấp, kịp thời hỗ trợ người dân di dời lồng bè, gia cố cơ sở nuôi, giảm thiểu thiệt hại. Theo dự báo, lũ sẽ về sớm hơn 1 tháng so với năm trước nên địa phương cũng tích cực tuyên truyền, vận động các chủ ao, lồng bè thường xuyên kiểm tra ao nuôi và bè cá... để đảm bảo an toàn, chủ động phòng, tránh thiệt hại của những đợt triều cường mùa mưa lũ sắp tới.
Nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại do mưa lũ gây ra, ngành nông nghiệp cũng đã tăng cường thông tin, tuyên truyền đến người nuôi thủy sản phương pháp chăm sóc, bảo vệ các lồng cá; thông báo kịp thời tình hình mưa lũ; vận động người dân đầu tư lồng bè nuôi cá bằng hệ thống khung thép chắc chắn. Đến thời điểm này, hầu hết các diện tích nuôi thủy sản trên địa bàn tỉnh đã được người dân triển khai các biện pháp bảo vệ kịp thời.
Theo ông Lê Thanh Tùng- Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi Thú y và Thủy sản, cho biết: Từ đầu năm đến nay, yếu tố môi trường thường xuyên biến động là nguyên nhân gây xuất hiện bệnh trên cá điêu hồng. Chi cục cũng khuyến cáo các cơ sở nuôi nên chọn con giống lớn, khỏe mạnh thả nuôi để hạn chế hao hụt. Bên cạnh đó, giá thức ăn liên tục tăng cao ảnh hưởng tới hiệu quả sản xuất của người nuôi.
Theo Chi cục Chăn nuôi Thú y và Thủy sản (Sở Nông nghiệp- PTNT), trong 6 tháng đầu năm, số lượng lồng bè toàn tỉnh giảm đáng kể so với cùng kỳ, cụ thể: Giảm 45 chiếc lồng bè và giảm 14 cơ sở so với cùng kỳ, sản lượng 6 tháng đầu năm cũng giảm 22,4% so với cùng kỳ. Nguyên nhân chủ yếu là do một số cơ sở nuôi di dời lồng bè về neo đậu tại tỉnh khác; giá cá điêu hồng thương phẩm giảm nhẹ nên người nuôi không có lãi. Bên cạnh, vì để giảm thiểu rủi ro trong sản xuất nên nhiều cơ sở nuôi chuyển sang thả nuôi các loại cá có giá trị kinh tế khác như cá mè hôi, tai tượng, cá lăng...
Bài, ảnh: NGUYÊN KHANG - THẢO TIÊN
- Kỹ thuật nuôi tôm, nuôi cá, phòng trị bệnh tôm, cá và các loại thủy sản khác
Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.