Nguồn tin: Lao Động, 19/08/2022
Ngày cập nhật:
21/8/2022
Sau ảnh hưởng COVID-19, tới ảnh hưởng giá xăng, dầu, hầu hết các loại thức ăn cho nuôi tôm đều tăng giá. Trong khi đó, giá tôm thương phẩm không tăng đã đẩy người nuôi tôm vào thế khó.
Giá thức ăn nuôi tôm tăng cao, nhiều người nuôi vẫn chưa dám thả tôm. Ảnh: Nhật Hồ
Giá tăng chưa hồi kết
Cuối tháng 4.2022, Công ty Japfa Comfeed Việt Nam - khu vực phía Nam đã chính thức thông báo điều chỉnh giá sản phẩm thức ăn chăn nuôi gà thịt, áp dụng cho trại trực tiếp với mức tăng 400 đồng/kg, thời gian áp dụng từ ngày 3.5.
Nguyên nhân tăng giá được Japfa đưa ra là do nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi đang biến động rất mạnh.
Tương tự, Công ty TNHH Emivest Feedmill Việt Nam cũng thông báo điều chỉnh giá thức ăn chăn nuôi từ ngày 1.5 với mức tăng 400 đồng/kg cho thức ăn đậm đặc và heo con và 300 đồng/kg cho các loại thức ăn còn lại. Công ty TNHH De Heus cũng buộc phải tăng giá thức ăn chăn nuôi do áp lực giá nguyên liệu đầu vào tăng quá cao.
Thông báo chính thức của Công ty TNHH Quốc tế Long Thăng gửi đến các khách hàng thông báo giá tăng cho tất cả mã số thức ăn cho tôm thẻ và tôm sú 1.500 đồng/kg.
Theo thông báo của doanh nghiệp này, lý do tăng là: Nhằm đảm bảo chất lượng để quý khách hàng được an tâm sử dụng trong giao đoạn giá cả thị trường biến động rất lớn, hầu hết các nguyên liệu đều tăng giá rất cao, nên công ty xin được điều chỉnh lại giá bán.
Thức ăn cho chăn nuôi cá cũng tăng liên tục. Năm 2020, một bao cám 25kg có giá 330.000 đồng thì nay tăng lên 420.000 đồng. Trong khi đó giá bán của hầu hết các loại cá thương phẩm hiện nay đều không tăng so với trước.
Ông Võ Văn Phục, Tổng Giám đốc Công ty CP Thủy sản sạch Việt Nam (Vina Cleanfood) phàn nàn, dịch COVID-19 đã tác động rất mạnh khiến giá vật tư đầu vào tăng chóng mặt, trong đó có thức ăn chăn nuôi.
Theo Tổng cục Thủy sản, từ giữa năm 2020, giá nguyên liệu làm thức ăn thuỷ sản, thức ăn chăn nuôi có dấu hiệu đi lên và càng đến gần cuối năm 2020 đầu năm 2021 giá càng tăng mạnh. Đến nay, giá vẫn chưa có chiều hướng giảm.
Các doanh nghiệp thức ăn thuỷ sản, thức ăn chăn nuôi được coi là đối tượng ảnh hưởng đầu tiên khi hầu hết đều trong tình trạng thiếu hụt nguồn cung, vừa sản xuất, vừa chờ nguyên liệu dẫn đến hoạt động sản xuất đình trệ.
Hiện nay, nhiều doanh nghiệp sản xuất thức ăn thuỷ sản không thể mua nguyên liệu theo quý, theo năm như trước mà chỉ mua theo từng tháng.
Ai cũng kêu khó
Báo cáo từ Tổng cục Thủy sản cho thấy, hiện nay trên cả nước có tổng số 121 cơ sở sản xuất thức ăn thuỷ sản đã được cấp chứng nhận cơ sở đủ điều kiện sản xuất. Trong đó, có 58 cơ sở có vốn đầu tư nước ngoài. Công suất tối đa đạt khoảng 5,2 triệu tấn/năm, trong đó thức ăn cho cá, ếch đạt khoảng 3,5 triệu tấn, thức ăn tôm đạt khoảng 1,7 triệu tấn.
Có 63 cơ sở sản xuất có vốn đầu tư trong nước sản xuất thức ăn, với công suất tối đa ước đạt 4,7 triệu tấn/năm. Ngoài ra, cả nước còn có 63 cơ sở (20 cơ sở có vốn đầu tư nước ngoài và 43 cơ sở trong nước) sản xuất nguyên liệu (bột cá, cám gạo, tấm, dầu gạo, bột mì, hỗn hợp khoáng, vitamin…) cung cấp ra thị trường.
Theo ông Trần Đình Luân, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, nguyên nhân khiến giá thức ăn chăn nuôi thủy sản tăng cao là do nguyên liệu sản xuất thức ăn như bột cá, ngũ cốc, đậu tương, phụ gia, khô dầu chủ yếu phải nhập khẩu, chiếm 70-80%.
Giá nguyên liệu tăng cao là do dịch COVID-19 tác động tới logistics toàn cầu, khiến cước vận chuyển nhiều loại hàng hóa tăng mạnh. Hơn nữa, các nguyên liệu mà Việt Nam thiếu lại là thế mạnh của nước Nam Mỹ và Bắc Mỹ như Mỹ, Argentina, Brazil, Châu Âu, Nga... những khu vực này đang chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19 và căng thẳng Nga-Ukraina khiến việc giao thương và hệ thống logistics gặp khó khăn.
Trước thực trạng trên, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản cho rằng, cần triển khai các giải pháp đồng bộ kiểm soát chất lượng và giá thức ăn thủy sản giúp cho người nuôi ổn định sản xuất, tránh lợi dụng để tăng giá bất hợp lý.
Về phía người nuôi tôm, ông Long Quang Nghĩa (phường Nhà Mát, thành phố Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu) than: “Giá thức ăn cứ tăng đều như thế này, trong khi giá tôm nguyên liệu gần như không tăng khiến cho lợi nhuận người nuôi tôm giảm đi rất nhiều.
Hiện tại, nếu không áp dụng mô hình an toàn dịch bệnh, nuôi sinh học với khả năng, tỉ lệ sống đạt trên 80% coi như người nuôi không có lãi”.
Ông Nguyễn Văn Bé, huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng cho biết: “Bà con ở xã Hòa Tú 2, huyện Mỹ Xuyên nuôi theo mô hình bán thâm canh, thả thưa, có cho thức ăn. Tuy nhiên, gần đây giá thức ăn tăng quá cao khiến nhiều hộ không dám thả nuôi”.
Trước tình hình này, tỉnh Bạc Liêu đề nghị Sở NNPTNT phối hợp với các sở, ngành, địa phương, đặc biệt là các hiệp hội, hợp tác xã trên địa bàn hướng dẫn người nuôi tôm tiết kiệm chi phí, đảm bảo thức ăn thú y thủy sản, con giống chất lượng nhằm giảm bớt khó khăn cho người nuôi.
NHẬT HỒ
- Kỹ thuật nuôi tôm, nuôi cá, phòng trị bệnh tôm, cá và các loại thủy sản khác
Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.