Nguồn tin: Báo Khánh Hòa, 05/09/2022
Ngày cập nhật:
9/9/2022
Bảo tồn biển, phát triển nguồn lợi thủy sản chính là bảo tồn “nguồn vốn tự nhiên” để ngành thủy sản phát triển bền vững. Tuy đã có nhiều nỗ lực nhưng công tác bảo tồn biển của tỉnh Khánh Hòa vẫn còn những mặt hạn chế.
Những hạn chế
Theo ông Lê Trần Nguyên Hùng - Vụ trưởng Vụ Bảo tồn và Phát triển nguồn lợi thủy sản (Tổng cục Thủy sản), Khánh Hòa được thiên nhiên ưu đãi rất lớn khi có tới 385km đường bờ biển, hơn 200 đảo lớn nhỏ, đặc biệt là quần đảo Trường Sa; các vùng biển, đảo có hệ sinh thái đa dạng, phong phú về loài, gen. Ngoài Khu Bảo tồn biển vịnh Nha Trang, Khánh Hòa còn có 3 khu bảo tồn biển cấp quốc gia được đưa vào quy hoạch gồm: Nam Yết, Thuyền Chài, Song Tử. Tổng diện tích quy hoạch cho bảo tồn biển tại Khánh Hòa là 148.030ha, chiếm gần 1/3 diện tích bảo tồn biển của cả nước. Trong một thời gian dài, tuy đã có nhiều nỗ lực nhưng công tác bảo tồn biển của tỉnh chưa đạt kỳ vọng. Đơn cử như việc bảo tồn biển tại vịnh Nha Trang - nơi có hệ sinh thái rạn san hô có tính đa dạng cao và có giá trị về mặt sinh học, kinh tế quan trọng, với hơn 350 loài san hô, 230 loài cá rạn, 112 loài giáp xác, 27 loài da gai và 112 nhuyễn thể đã được ghi nhận. Thế nhưng, hệ sinh thái rạn san hô nơi đây đã bị suy giảm nghiêm trọng. Khu Bảo tồn biển Nam Yết đã được quy hoạch từ lâu nhưng tỉnh vẫn chưa thành lập khu bảo tồn...
Hoạt động thả cá tái tạo nguồn lợi thủy sản được tỉnh triển khai thường xuyên.
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT), thời gian qua, công tác bảo tồn biển, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản tại địa phương vẫn còn nhiều tồn tại, khó khăn. Nguyên nhân là do nguồn lực còn hạn chế so với nhu cầu thực tế; sự quan tâm vào cuộc của chính quyền, các cơ quan liên quan chưa đầy đủ, chưa chú trọng công tác bảo tồn, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản. Nguồn lợi thủy sản suy giảm đáng kể, môi trường sống của các loài thủy sản bị ô nhiễm; các hệ sinh thái biển đang bị suy thoái cả về quy mô, diện tích lẫn chất lượng. Trong khi đó, tình trạng vi phạm pháp luật trong lĩnh vực bảo tồn biển, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản còn diễn ra, chưa được phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời. Công tác điều tra nguồn lợi và môi trường sống của các loài thủy sản còn thiếu đồng bộ, đặc biệt là ở những vùng biển ven bờ có các hệ sinh thái.
Tập trung tuyên truyền, kiểm tra, kiểm soát
Theo ông Lê Tấn Bản - Giám đốc Sở NN-PTNT, thời gian tới, các ngành chức năng, địa phương ven biển trong tỉnh sẽ tập trung tuyên truyền để nâng cao nhận thức của người dân về bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản; tăng cường kiểm tra, kiểm soát, xử lý nghiêm việc buôn bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng chất nổ, xung điện, các ngư cụ bị cấm sử dụng trong khai thác thủy sản; nghiên cứu và đề xuất các giải pháp hỗ trợ để chuyển đổi một số nghề khai thác ven bờ mang tính hủy diệt sang nghề khác. Đồng thời, phát huy hiệu quả của các mô hình đồng quản lý ven bờ, từ đó nhân rộng các mô hình đồng quản lý nghề cá, từng bước phục hồi, tái tạo nguồn lợi thủy sản ven bờ, quản lý chặt chẽ hoạt động khai thác thủy sản, nâng cao đời sống của cộng đồng ngư dân. Bên cạnh đó, chú trọng công tác tái tạo nguồn lợi thủy sản bằng cách thả giống ra vùng nước tự nhiên tại các vịnh, như: Nha Trang, Vân Phong, Cam Ranh và các đầm: Nha Phu, Thủy Triều; xây dựng kế hoạch tổng thể phục hồi hệ sinh thái rạn san hộ tại Khu Bảo tồn biển vịnh Nha Trang…
Nhiều chuyên gia cho rằng, để thực hiện tốt công tác bảo tồn biển, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản, bên cạnh thành lập, quản lý hiệu quả các khu bảo tồn biển, việc cần làm là phải thiết lập các vùng bảo vệ nghiêm ngặt trong các khu bảo tồn biển nhằm duy trì và bảo tồn các loài quý hiếm, duy trì tài nguyên cho khai thác thủy sản bền vững và hoạt động du lịch địa phương. Việc bảo vệ các bãi đẻ, ươm giống của các loài mang lại nguồn lợi cũng cần được chú trọng, có cơ chế và giải pháp thực thi để doanh nghiệp và cộng đồng cùng quản lý, sử dụng tài nguyên đa dạng sinh học biển…
Tại buổi làm việc với UBND tỉnh về công tác bảo tồn biển mới đây, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến nhấn mạnh: Trong thời gian tới, bên cạnh việc có kế hoạch tổng thể phục hồi hệ sinh thái rạn san hô tại Khu Bảo tồn biển vịnh Nha Trang, Khánh Hòa cần sớm thành lập Khu Bảo tồn biển Nam Yết và giao cho huyện đảo Trường Sa quản lý; quan tâm bố trí thêm nguồn kinh phí để giúp việc quản lý bảo tồn biển được hiệu quả.
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến: Hiện nay, diện tích bảo tồn biển cả nước mới đạt 0,185%, trong khi các nước là 5-6%, có nước lên đến 30%. Nghị quyết số 36 năm 2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đặt mục tiêu: đến năm 2030 cả nước phải đạt 3%, tiến đến 6%. Do đó, Khánh Hòa và các địa phương ven biển trong cả nước cần chú trọng triển khai công tác bảo tồn biển để phát triển bền vững ngành thủy sản.
HẢI LĂNG
- Kỹ thuật nuôi tôm, nuôi cá, phòng trị bệnh tôm, cá và các loại thủy sản khác
Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.