• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Theo nông dân ‘săn’ cá, tôm mùa nước nổi

Nguồn tin: Báo Đồng Tháp, 30/10/2022
Ngày cập nhật: 1/11/2022

Mùa nước nổi là thời điểm nhiều người dân ở các huyện đầu nguồn tất bật vào mùa “săn” tôm, cá đồng. Với người dân nơi đây, cá, tôm... mùa này là món quà thiên nhiên ưu ái giúp họ có thêm nguồn thu nhập.

Theo chân “thợ săn” tôm

Những ngày cuối tháng 9, chúng tôi có dịp cùng ông Nguyễn Văn Thắng (ông Tư Thắng, 72 tuổi, ở xã Thường Lạc, huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp) đi thăm lọp tôm để hiểu thêm việc mưu sinh của nghề mà người ta gọi là “nghề lênh đênh sông nước”.

Vốn xuất thân từ đồng ruộng, sông nước, thế nhưng lần đầu trải nghiệm nghề đặt lọp tôm, với tôi đây không chỉ một nghề khá thú vị mà còn... “nguy hiểm”. “Nguy hiểm” theo đúng nghĩa đen, bởi chiếc xuồng ba lá đi thăm lọp khá nhỏ, sơ sẩy một chút là xuồng chìm bất cứ lúc nào. Ngồi trên xuồng, tôi nhiều lần thót tim khi gặp sóng của những chiếc xuồng máy chạy qua.

Xuồng nổ máy chạy nhè nhẹ trên con kênh Tứ Thường được chừng 15 phút, đoạn đến ngã 3, chiếc xuồng ba lá nhỏ bắt đầu rẽ phải vào kênh Cầu Muống - Cây Da để bắt đầu hành trình thăm lọp. Theo ông Tư, đây là khu vực nước êm và có nhiều bụi rậm, tôm, cá thường hay trú ngụ nên đặt lọp ở khu vực này sẽ dễ bắt được tôm lớn... Đến điểm thăm lọp, khi ông Tư từ từ kéo chiếc lọp lên xem có dính con tôm nào không, chúng tôi có nhiệm vụ ngồi im, không được nhúc nhích vì chiếc xuồng ba lá rất nhỏ, chỉ sơ sẩy một chút là dẫn đến lật xuồng. Ấy vậy mà có lúc xuồng rung lắc mạnh theo từng đợt sóng, khiến không ít lần nước tràn vào xuồng...

Ông Tư Thắng phấn khởi khi lọp dính tôm

Sau vài lần thăm lọp, chúng tôi có dịp tâm sự với ông Tư để hiểu rõ hơn về nghề đặt lọp. Người nông dân đã có kinh nghiệm hơn 40 năm làm nghề này cho biết, mùa nước nổi ở Đồng Tháp bắt đầu từ cuối tháng 7 và kết thúc vào tháng 10 (âm lịch). Thời điểm này nước lên và ấm nên rất thuận lợi cho người dân mưu sinh nghề đặt lọp tôm. Trước năm 2010, nước về nhiều, cá, tôm nhiều nên mỗi ngày, ông đặt lọp dính vài ký tôm là chuyện thường. Giá bán thời điểm đó cũng khá cao nên nông dân theo nghề sống được. Còn mấy năm gần đây nước ít, tôm cũng không còn “chạy” như trước, nên cách 1 ngày ông mới đi thăm lọp 1 lần, nhưng có ngày cũng về tay không...

Đoạn kênh hơn 2km với hơn 80 chiếc lọp tôm của ông Tư đã thăm xong, xuồng chúng tôi quay về. Chuyến đi này, ông Tư thu hoạch gần nửa ký tôm. Tuy không nhiều nhưng sự phấn khởi vẫn hiện rõ trên khuôn mặt của ông Tư. “Chuyến này, xem ra bán được tiền ít (thông thường tôm nhỏ có giá 160.000 đồng/kg) nhưng có tôm là mừng rồi. Hy vọng, 2 ngày nữa lọp sẽ bắt được tôm nhiều hơn, có cái để khoe”, ông Tư nói.

Đặt dớn bắt cá

Đặt dớn trên ruộng cũng được xem là một nghề phổ biến của người dân vùng đầu nguồn. Trong những ngày rong ruổi theo từng con nước lên xuống, chúng tôi cũng có dịp theo chân anh Trần Hải Quân (SN 1981) ở xã Thường Lạc, huyện Hồng Ngự, người có thâm niên hơn 20 năm trong nghề đặt dớn bắt cá.

Dớn là loại dụng cụ bắt cá đơn giản, được đặt trên những cánh đồng trống. Bộ phận quan trọng của dớn là cái đú nối dài tầm vài mét đến vài chục mét, là nơi để cá, tép chui vào. Anh Trần Hải Quân chia sẻ: “Việc đặt dớn chẳng theo một quy cách cố định nào, mỗi người đặt theo ý thích. Kinh nghiệm của gia đình tôi là tạo đường trường dài, càng dài càng dễ thu hút cá. Bầy cá chạy tung tăng men theo đường trường, ngờ nghệch chui vào bầu ép, từ từ tiến vào đú và rồi hết biết đường ra... Đặt dớn xong, tôi cứ thủng thỉnh chờ lúc thuận tiện bơi xuồng ra, kéo đú lên bắt cá...”.

Gần 1 tiếng đồng hồ, anh Quân đã thăm xong 6 cái dớn, thu được hơn 4kg cá (cá linh, cá sặc, cá chạch...), cua đồng. Anh cho biết với số cá này, anh và vợ đem ra chợ bán kiếm chút thu nhập để trang trải cho chi phí sinh hoạt hằng ngày...

Nhiều năm sống dựa theo mùa nước nổi, anh Quân thấy rõ nguồn lợi thủy sản ngày càng ít dần. Anh Quân nhớ lại, hơn chục năm trước cá, tôm còn nhiều, con nước lớn nên đặt dớn 1 đêm kiếm vài chục ký là chuyện bình thường, mỗi ngày thu về vài trăm nghìn đồng đến cả triệu đồng.

Trưa, chống xuồng đưa chúng tôi về, anh Quân nhìn về cánh đồng nước nổi mênh mông, bộc bạch: “Nghề câu lưới, đặt dớn... chủ yếu nhờ vào con nước, nhưng những năm gần đây biến đổi khí hậu, nước ít, nguồn lợi thủy sản cũng ít dần, người làm nghề câu, lưới ngày càng khó khăn, không biết vài năm sau nữa có còn mùa nước để người dân “săn bắt” cá hay không. Thôi thì mùa nước về đem phù sa, sản vật thiên nhiên đến đâu thì người dân hưởng đến đó...”.

Chia tay anh Quân, rời vùng rốn lũ Hồng Ngự, chúng tôi mang theo nỗi trăn trở của những người dân làm nghề đặt lọp, giăng lưới về những “mùa lũ cạn”, về những băn khoăn thu nhập của họ...

Ông Phạm Văn To - Chủ tịch Hội Nông dân xã Thường Lạc, huyện Hồng Ngự chia sẻ, xã Thường Lạc có khoảng 2.000 hộ dân thì có gần 500 hộ theo nghề đánh bắt thủy sản: làm lọp, giăng lưới, kéo cá, đặt dớn, lưới thả, lưới giăng... Tuy không còn sản vật nhiều như thời gian trước, nhưng mùa nước là thời gian nông nhàn, nên việc đánh bắt thủy sản mùa nước nổi đem lại nguồn thu nhập đáng kể cho người dân, góp phần ổn định cuộc sống.

MN

Các tin mới

 

Nhấn vào đây để xem các tin trước

Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang