Nguồn tin: Báo Vĩnh Phúc, 28/01/2022
Ngày cập nhật:
31/1/2022
Cho đến năm 2015, khu lâm nghiệp Vĩnh Ninh, xã Đạo Trù, huyện Tam Đảo (tỉnh Vĩnh Phúc) vẫn còn được biết đến với tên gọi “ốc đảo nhiều không” (không điện, không nước sinh hoạt…) và nằm heo hút bên dưới những cánh rừng nguyên sinh. Thế nhưng, cũng trên ốc đảo ấy, hàng chục năm về trước đã có những con người quyết tâm bám trụ trên mảnh đất này, vượt khó đi lên từ hai bàn tay trắng. Trong đó, có ông Trần Văn Trường, Chủ nhiệm HTX dịch vụ nuôi cá tầm Tam Đảo.
Ông Trần Văn Trường với mô hình nuôi cá tầm thương phẩm.
Từ trung tâm xã Đạo Trù, vượt qua quãng đường gần 10km, men theo những con đường nhỏ hẹp, quanh co dưới chân dãy núi Tam Đảo, chúng tôi tìm đến trang trại của ông Trường. Trong ngôi nhà khang trang giữa lòng rừng, ít ai biết, phía sau thành công hôm nay là một câu chuyện khởi nghiệp đầy gian truân, thử thách.
Vốn là công nhân lâm trường Lập Thạch (huyện Lập Thạch cũ), những năm 60 của thế kỷ trước, ông Trường cùng hàng chục người khác được phân công lên khu lâm nghiệp Vĩnh Ninh với nhiệm vụ khai thác gỗ, làm đường tàu hỏa. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, ông đã ở lại vùng rừng núi hẻo lánh này để khai hoang, lập nghiệp.
Nhớ lại thời điểm đó, ông Trường chia sẻ: “Khi ấy, nơi đây được ví như ốc đảo chẳng sai chút nào. Hàng chục năm trời, các hộ dân phải sống trong cảnh không điện, không nước, không đường... Muốn đi được đến trung tâm xã phải vượt qua gần 10km là đường núi nhỏ hẹp, gập ghềnh. Đến tận năm 2012, nhờ có Dự án nuôi cá tầm, cá hồi của Trung tâm Lâm nghiệp Tam Đảo, khu lâm nghiệp này mới có con đường bê tông chạy qua.
Những năm tháng đó, với những khó khăn chồng chất đã khiến không ít con người bám trụ nơi đây dường như không còn dám mơ ước về một sự “đột phá” hay nuôi giấc mộng đổi đời. Một ngày có đủ 3 bữa cơm no đã là điều hạnh phúc. Nhưng với ông Trường, những gian truân, thử thách đó chưa khi nào khiến ông nhụt chí.
Với quyết tâm, sự từng trải của người công nhân lâm trường vốn quen cảnh ngủ rừng, chai sạn với sương gió, đến ngày hôm nay, vợ chồng ông có một cơ ngơi đáng mơ ước với khu trang trại chăn nuôi tổng hợp cho thu lãi hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Trên diện tích gần 1 ha, 18 năm nay ông nuôi gần 120 con lợn rừng, cao điểm lên đến 200 con. Lợn được thả rông, quanh năm ăn rau sắn, lá rừng, dũi đất đá để làm ổ nuôi con nên thịt chắc, thơm, ngọt thịt.
Ông Trường cho biết: “Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên giá thấp hơn mọi năm, khoảng 150.000/1 kg, chứ bình thường phải lên đến gần 200.000 nghìn đồng. Giá cao hơn so với mặt bằng chung của thị trường, song cứ tới kỳ xuất chuồng, thương lái đánh xe đến tận nơi mua, có thời điểm còn không có mà bán. Lắm lúc muốn mở rộng quy mô, sản lượng song vợ chồng tôi có tuổi, sức lực có hạn nên đành thôi”.
Trong câu chuyện của ông Trường, tôi biết đó chỉ là sự khiêm tốn, bởi đã từng sống qua những năm gian khó của thời kỳ bao cấp, đặc biệt với người lăn lộn với rừng như ông không bao giờ ngại khó, ngại khổ, có chăng tính cách ông cẩn thận, muốn làm đến đâu chắc đến đó để còn giữ thương hiệu.
Điều đó càng được khẳng định, bởi ngoài nuôi lợn rừng, gần chục năm nay ông vẫn đi làm thuê cho 1 trang trại nuôi cá tầm ở trong xã. Để rồi từ những kinh nghiệm tích lũy được, cùng với niềm đam mê, ý chí làm giàu trên vùng đất khó, cách đây hơn 1 năm, ông cùng 6 người bạn mạnh dạn lập nên HTX dịch vụ nuôi cá tầm Tam Đảo.
Trên diện tích 1.000m2, ông cùng các thành viên bỏ vốn hơn 1 tỷ đồng để đầu tư, xây dựng 6 bể nuôi 5.000 con cá tầm. Cá giống được chọn lựa kỹ càng từ những địa phương có truyền thống, kinh nghiệm nuôi như Lào Cai, Lai Châu.
Chia sẻ về bước đi mới này, ông Trường cho biết: “Khí hậu nơi đây quanh năm mát mẻ, mùa hè nhiệt độ từ 22-24 độ C, mùa đông từ 13-14 độ C, trong khi nguồn nước được lấy từ các con suối tự nhiên chảy từ trên đỉnh núi Tam Đảo rất phù hợp để cá tầm sinh sống. Cá giống ban đầu có chiều dài từ 10-12 cm, sau gần 1 năm cho trọng lượng gần 3kg.
Dù bước khởi đầu khá thuận lợi, song hiệu quả kinh tế về lâu dài tôi chưa dám nói nhiều vì thực tế đây là ngành chăn nuôi còn khá mới mẻ, được triển khai trên địa bàn tỉnh chưa nhiều, có người thành công, có người thất bại, trong khi đó cần phải học hỏi, tích lũy khá nhiều về kinh nghiệm, kỹ thuật chăn nuôi, am hiểu thị trường…
Song, tôi được chính quyền cơ sở quan tâm hỗ trợ tạo điều kiện rất nhiều. Cũng từ sự quan tâm đó, năm 2021, tôi được Chi cục Thủy sản (Sở NN&PTNT) hỗ trợ 2.000 con giống. Đây là nguồn động viên tinh thần, vật chất rất lớn để chúng tôi có thêm nguồn lực gắn bó với nghề, làm giàu chính đáng”.
Điều đáng mừng, thời điểm những ngày giáp Tết Nguyên đán, ông Trường liên tục nhận được nhiều cuộc điện thoại từ các nhà hàng, khách sạn để đặt hàng cho những mẻ cá tầm đầu tiên, đồng thời nhận được những phản hồi tích cực từ phía khách hàng.
Bài, ảnh: Khánh Linh
- Kỹ thuật nuôi tôm, nuôi cá, phòng trị bệnh tôm, cá và các loại thủy sản khác
Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.