Nguồn tin: Báo Gia Lai, 11/12/2022
Ngày cập nhật:
14/12/2022
Chỉ với 40 m2 bể xi măng nuôi lươn không bùn, sau 1 năm, gia đình ông Nguyễn Văn Châu (tổ 4, phường An Bình, thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai) đã thu về hơn 250 triệu đồng sau khi trừ chi phí.
Dẫn chúng tôi tham quan bể nuôi lươn của gia đình, ông Châu cho biết: Năm 2019, được bạn bè giới thiệu, ông vào tỉnh Long An làm thuê cho một cơ sở nuôi lươn. Trong quá trình làm việc, ông thấy mô hình nuôi lươn trong bể xi măng rất mới lạ, chi phí đầu tư thấp, lại cho thu nhập cao. Từ đó, ông chịu khó tìm hiểu và được chủ cơ sở hướng dẫn tận tình, sẵn sàng cung cấp lươn giống.
Tháng 5-2021, tận dụng đám đất trống bên hông nhà, ông Châu đầu tư 40 triệu đồng xây 4 bể xi măng với tổng diện tích 20 m2 để nuôi lươn không bùn. Thành bể xây cao khoảng 1 m để lươn không bò ra ngoài. Đáy bể được ông thiết kế hơi nghiêng về một góc có gắn ống dẫn để thay nước hàng ngày; xung quanh và sàn lát gạch men đảm bảo trơn, nhẵn để lươn không bị xây xước da. Hệ thống đường ống cấp-thoát nước ông đặt ngầm dưới sàn, tạo không gian thông thoáng. Toàn bộ khu bể nuôi được lợp mái che nhằm hạn chế ánh sáng trực tiếp chiếu vào, giữ cho nhiệt độ nước luôn ổn định. Ông Châu cho biết, nếu ánh nắng lọt vào bể sẽ làm tăng nhiệt độ nước, tạo môi trường cho các loại tảo nấm sinh sôi, ảnh hưởng đến môi trường sống và có thể gây bệnh cho lươn.
Mô hình nuôi lươn không bùn mang lại thu nhập cho gia đình ông Nguyễn Văn Châu hơn 250 triệu đồng/năm. Ảnh: Ngọc Minh
Sau khi chuẩn bị các điều kiện cần thiết, ông Châu trở lại tỉnh Long An mua 13 ngàn con lươn giống về nuôi; mật độ nuôi thả 400-500 con/m2. Đối với lươn nhỏ, ông cho ăn trùn quế, còn lươn lớn thì cho ăn cám công nghiệp có tỷ lệ đạm cao; ngày cho ăn 2 lần vào buổi sáng, chiều để lươn nhanh lớn. Ông sử dụng nguồn nước giếng đã được lọc và xử lý độ pH phù hợp để nuôi lươn. “Để lươn sinh trưởng phát triển tốt, trước tiên phải đảm bảo nguồn nước có độ pH 6-8 là lý tưởng, cộng thêm con giống khỏe mạnh sẽ đạt hiệu quả kinh tế. Bởi vì trong môi trường nước, nếu 1 con lươn bị bệnh sẽ lây lan ra cả đàn. Bên cạnh đó, không nên sử dụng nước máy để nuôi lươn vì trong nước máy có chất khử trùng cao làm cho lươn dễ bị sốc”-ông Châu chia sẻ kinh nghiệm.
Hàng ngày, ông Châu thay nước bể nuôi 2 lần, vệ sinh bể để loại bỏ phân, thức ăn dư thừa dưới đáy, tạo môi trường sạch sẽ, hạn chế dịch bệnh phát sinh. Lươn có đặc tính sợ ánh sáng, thích trú ẩn trong tối nên mỗi bể nuôi, ông Châu thả một bó dây ni lông màu đen để đàn lươn chui vào ẩn nấp. Thời gian nuôi 10-12 tháng, khi lươn đạt trọng lượng 100-200 gram/con có thể xuất bán. Hiện gia đình ông cung ứng lươn thương phẩm tại thị xã An Khê và các huyện lân cận. Ông Châu nhẩm tính: “Từ 13 ngàn con lươn giống ban đầu, nuôi gần 1 năm, sản lượng đạt hơn 1,8 tấn lươn thương phẩm. Với giá bán 150-180 ngàn đồng/kg, ông lãi hơn 250 triệu đồng. Ngoài bán lươn sống, tôi còn sơ chế lươn thành nhiều món nhằm đáp ứng nhu cầu khách hàng, nâng cao giá trị sản phẩm và tăng thu nhập cho gia đình”.
Vừa qua, ông Châu tiếp tục xây dựng thêm 2 bể xi măng cỡ lớn, 3 bể nhỏ với tổng diện tích 20 m2 rồi nhập 16 ngàn con lươn giống về nuôi và bán giống. “Tôi mua lươn bột về nuôi một thời gian, khi lươn đạt độ dài 6-8 cm/con sẽ xuất bán giống với giá 3.000 đồng/con. Lươn càng lớn, giá bán càng cao. Tôi sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, kỹ thuật với người dân có nhu cầu nuôi lươn”-ông Châu nói.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Kim Vinh-Chủ tịch Hội Nông dân phường An Bình-cho biết: “So với một số mô hình chăn nuôi trên địa bàn, mô hình nuôi lươn không bùn của gia đình ông Châu đem lại giá trị kinh tế cao hơn. Thành công của mô hình không chỉ giúp gia đình ông Châu nâng cao thu nhập mà còn mở ra hướng đi mới phát triển kinh tế cho nhiều hội viên. Mô hình nuôi lươn không bùn phù hợp với hộ gia đình có ít đất sản xuất, không đòi hỏi kỹ thuật cao hay nhiều công chăm sóc, lại quay vòng vốn nhanh”.
NGỌC MINH
- Kỹ thuật nuôi tôm, nuôi cá, phòng trị bệnh tôm, cá và các loại thủy sản khác
Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.