Nguồn tin: Báo Cần Thơ, 13/12/2022
Ngày cập nhật:
16/12/2022
Với lợi thế có nhiều, sông, rạch, diện tích mặt nước rộng lớn, những năm qua, nhiều địa phương vùng ĐBSCL chú trọng vận động, hỗ trợ người dân phát triển nuôi trồng thủy sản. Sản lượng thủy sản nuôi trồng ngày càng tăng, đáp ứng nhu cầu chế biến phục vụ xuất khẩu, tăng lợi nhuận cho người nuôi thuỷ sản. Tuy nhiên, ngành nuôi trồng thủy sản đang đối mặt với các vấn đề về môi trường, ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững.
Phát triển nguồn lợi thủy sản
Mô hình sản xuất cá tra giống chất lượng cao ở huyện Vĩnh Thạnh.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), thời gian qua ngành thủy sản Việt Nam đã trở thành một trong những ngành kinh tế mũi nhọn, mang lại giá trị xuất khẩu đứng thứ 3 trong các ngành kinh tế của đất nước và được xác định là một trong 5 ngành kinh tế biển then chốt trong Nghị quyết Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Riêng trong năm 2022, tổng sản lượng thủy sản (11 tháng năm 2022) thu được 8,2 triệu tấn, đạt 94,3% so với kế hoạch năm. Trong đó, sản lượng khai thác đạt 3,5 triệu tấn, đạt 94,8% so với kế hoạch; sản lượng nuôi được trên 4,6 triệu tấn, đạt 93,9% so với kế hoạch. Xuất khẩu thủy sản 11 tháng năm 2022 đạt 111% so với kế hoạch năm. Tính đến đầu tháng 11 năm 2022, kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 9,4 tỉ USD, tăng 32,7% so với cùng kỳ năm 2021, chiếm trên 7% thị phần giao thương thủy sản toàn cầu. Trong đó, nguồn thủy sản ĐBSCL chiếm sản lượng khá lớn trong xuất khẩu...
TP Cần Thơ, có tổng diện tích nuôi trồng thủy sản khoảng 51.878ha (chiếm 36,7% diện tích tự nhiên của thành phố), trong đó chủ yếu là các khu ruộng trũng nuôi thủy sản chiếm diện tích lớn nhất 48.700ha. Năm 2022, diện tích nuôi thủy sản của TP Cần Thơ là 9.094ha, trong đó diện tích thả nuôi đã thu hoạch là 7.128ha với sản lượng nuôi trồng đạt 209.339 tấn. Diện tích nuôi thủy sản còn lại được thả nuôi từ những năm trước, mặt ao lai tạo con giống và thả nuôi theo mô hình lúa - thủy sản… Riêng diện tích nuôi cá tra trong năm 2022 là 693ha, trong đó 522ha đã thu hoạch với sản lượng 169.192 tấn (chiếm 80,8% tổng sản lượng thủy sản nuôi đã thu hoạch của toàn thành phố), đạt năng suất 326 tấn/ha. Sản xuất cá tra hiện nay đang được đẩy mạnh thực hiện theo các quy trình nuôi đảm bảo an toàn thực phẩm, như GAP, SQF, ASC, BAP… nhằm cung cấp nguồn sản phẩm hàng hóa chất lượng cao. TP Cần Thơ là một trong những địa phương có ngành thủy sản phát triển mạnh ở vùng ĐBSCL, sản lượng thủy sản xuất khẩu năm 2022 ước đạt khoảng 150.000 tấn, với kim ngạch xuất khẩu đạt 486 triệu USD.
Ông Phạm Trường Yên, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT TP Cần Thơ, cho biết: "Nhờ áp dụng nhiều thành tựu khoa học kỹ thuật tiên tiến, thâm canh hóa sản xuất, cơ giới hóa trang thiết bị công nghệ, TP Cần Thơ đã đạt nhiều thành tựu đột phá trong công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản, nuôi trồng, chế biến thủy sản. Từng bước phục hồi và tái tạo nguồn lợi thủy sản, góp phần ngăn chặn suy giảm đa dạng sinh học, nâng cao năng lực thích ứng biến đổi khí hậu. Xây dựng và phát triển các mô hình kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh trong hoạt động thủy sản để bảo vệ môi trường và phát triển bền vững ngành thủy sản…".
Bảo vệ môi trường thủy sản
TP Cần Thơ xây dựng được các mô hình nuôi thủy sản sinh thái kết hợp với canh tác nông nghiệp, như nuôi xen canh lúa - cá, tôm càng xanh - lúa, thủy sản kết hợp cây ăn trái… nhằm tận dụng phụ phẩm nông nghiệp, góp phần tạo sản phẩm thủy sản sạch và tăng thêm thu nhập cho người dân ở vùng nông thôn. Tuy nhiên, những năm qua do ảnh hưởng của ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, lưu lượng nước lũ nội đồng thấp và mùa lũ ngày càng ngắn lại làm cho năng suất mô hình cá - lúa truyền thống, tôm càng xanh - lúa ngày càng giảm. Diện tích nuôi cá trên ruộng lúa giảm từ 9.020ha (năm 2015) và đến nay duy trì trên 5.000 ha/năm. Đối tượng được thả nuôi trong ruộng lúa chủ yếu là cá chép, cá mè, cá rô phi, cá sặc rằn... Diện tích nuôi tôm trên ruộng lúa cũng giảm dần, sản lượng tôm đạt bình quân từ 0,8-1 tấn/ha. Mô hình kinh tế tuần hoàn cũng được chú trọng phát triển ở TP Cần Thơ, một số doanh nghiệp chế biến phụ phẩm cá tra thành dầu cá, bột cá - làm nguyên liệu cho thức ăn chăn nuôi, sản xuất snack da cá tra, collagen và gelatin từ da cá tra...
Tuy nhiên, theo Bộ NN&PTNT, ngành thủy sản ĐBSCL và cả nước có tốc độ tăng trưởng nhanh nhưng trong quá trình phát triển đang phải đối mặt với không ít những vấn đề môi trường, như biến đổi khí hậu và nước biển dâng ngày càng gia tăng, đặc biệt là vùng ĐBSCL. Hoạt động sản xuất thủy sản đã và đang phát sinh các chất thải, tác động đến môi trường và chưa có biện pháp giảm thiểu… Việc áp dụng các biện pháp quản lý chất lượng môi trường, tiêu chuẩn Việt Nam về môi trường còn nhiều vướng mắc, khó áp dụng trong thực tiễn và không theo kịp tốc độ phát triển nhanh của sản xuất. Các mô hình kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh trong chuỗi giá trị thủy sản mới trong giai đoạn phát triển ban đầu, chưa trở thành động lực để tạo sức mạnh phát triển bền vững toàn chuỗi…
Đề án Bảo vệ môi trường trong hoạt động thủy sản giai đoạn 2021-2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 911/QĐ-TTg (ngày 29-7-2022) với nhiều nội dung, giải pháp hướng tới mục tiêu cải thiện chất lượng môi trường trong ngành thủy sản, bảo vệ sức khỏe người dân. Các mô hình, công nghệ hiện đại được triển khai trong quá trình sản xuất thân thiện với môi trường trong tái chế, xử lý chất thải. Các hoạt động quan trắc, cảnh báo, dự báo về chất lượng môi trường được nâng cao, cung cấp thông tin về môi trường phục vụ tốt cho hoạt động phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ sức khoẻ cộng đồng. Do đó, Đề án cần được tổ chức triển khai một cách đồng bộ và hiệu quả trên khắp các tỉnh, thành trên cả nước nhằm phát triển ngành thủy sản bền vững.
Tại hội nghị bàn giải pháp triển khai Đề án Bảo vệ môi trường trong hoạt động thủy sản đến 2021-2030, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến yêu cầu: Tổng cục Thủy sản khẩn trương hoàn thiện trình ban hành Kế hoạch của Bộ NN&PTNT về thực hiện Quyết định số 911/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Tổ chức điều tra, khảo sát để xác định rõ các vấn đề môi trường trọng tâm của ngành, từ đó xác định được các nhiệm vụ, đề xuất được các chính sách cần xây dựng và áp dụng ngay nhằm khuyến khích các bên cùng tham gia vào công tác bảo vệ môi trường của ngành. Nghiên cứu, đề xuất các chương trình, dự án khoa học công nghệ trọng điểm quốc gia, cấp Bộ; xây dựng mô hình kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh trong chuỗi giá trị thủy sản; công nghệ tái chế, xử lý chất thải từ hoạt động thủy sản nhằm giảm tối đa các tác động của quá trình sản xuất thủy sản đến môi trường. Tăng cường hợp tác quốc tế trong bảo vệ môi trường, có chính sách, phương án và kế hoạch cụ thể để kêu gọi sự tham gia của các tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ trong quá trình thực hiện đề án...".
Bài, ảnh: HÀ VĂN
- Kỹ thuật nuôi tôm, nuôi cá, phòng trị bệnh tôm, cá và các loại thủy sản khác
Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.