• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Triển vọng từ tôm sinh thái

Nguồn tin: Báo Cà Mau, 22/12/2022
Ngày cập nhật: 25/12/2022

Bên cạnh hiệu quả của việc phát triển nuôi thuỷ sản theo hướng đa dạng hoá đối tượng và phương thức nuôi như: cải tiến quy trình nuôi tôm thâm canh, phát triển mô hình nuôi ứng dụng công nghệ cao; hoàn thiện kỹ thuật các hình thức nuôi kết hợp, nuôi xen canh, nuôi luân canh đem lại giá trị kinh tế cao và bền vững, thì việc tận dụng diện tích mặt nước dưới tán rừng để phát triển tôm sinh thái đang là nguồn tài nguyên hấp dẫn của bà con và doanh nghiệp xuất khẩu thuỷ sản.

Với diện tích nuôi tôm trên 280.000 ha, cho sản lượng tôm nuôi đạt trên 200.000 tấn/năm, Cà Mau chiếm 40% diện tích nuôi và chiếm hơn 22% sản lượng tôm nuôi của cả nước.

Vùng nuôi tôm sinh thái đang dần phát triển trên diện tích rừng đước.

“Ðã qua, chất lượng tôm Cà Mau, nhất là tôm sạch, tôm sinh thái đã khẳng định được vị thế trên thị trường thế giới. Thương hiệu tôm sạch Cà Mau đang được xây dựng vững chắc”, ông Ðặng Ngọc Sơn, Tổng giám đốc Camimex Cà Mau, cho hay tại lễ đối thoại mở rộng vùng nuôi tôm sinh thái, tại Ban Quản lý rừng Ðất Mũi, huyện Ngọc Hiển.

Camimex đã tổ chức được vùng nuôi sạch trên địa bàn huyện Năm Căn, Ðầm Dơi và đang xúc tiến triển khai ở địa bàn huyện Ngọc Hiển bằng giải pháp kết hợp cùng Ban Quản lý rừng Ðất Mũi. Dự kiến công ty mở rộng vùng nuôi tại địa bàn xã Ðất Mũi, huyện Ngọc Hiển tổng diện tích khoảng 4.429 ha, với khoảng 1.000 hộ dân tham gia, hưởng lợi.

Hiện tôm sinh thái Camimex đã đạt các tiêu chuẩn Naturland, EU Organic, BIO Suise, Canada ORG. Từ năm 2015 đến nay, Camimex luôn xác định tôm sinh thái là thế mạnh của công ty. Với việc phát triển thêm vùng nuôi sinh thái ở Ðất Mũi, Camimex sẽ mở rộng vùng nuôi tôm sinh thái trên 10.000 ha, với hơn 2.000 hộ dân tham gia và hưởng lợi.

Theo ông Phan Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ngành nông nghiệp đã chỉ đạo các đơn vị chuyên môn phối hợp với các đơn vị liên quan, các cấp chính quyền rà soát, thống kê lại toàn bộ diện tích tôm nuôi với các loại hình trên địa bàn tỉnh. Từ đó sẽ hỗ trợ liên kết với các công ty, doanh nghiệp, các chuỗi liên kết thu mua; xây dựng, phát triển đa dạng sản phẩm sau thu hoạch, sơ chế, chế biến các sản phẩm tôm nuôi nhằm tham gia xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới.

Chỉ tính riêng huyện Ngọc Hiển, địa phương có diện tích đất lâm nghiệp kết hợp nuôi thuỷ sản rộng, với trên 53.000 ha sẽ là địa bàn giàu tiềm năng cho tôm sinh thái, với ước tính có khoảng 20.000 ha đảm bảo thực hiện theo mô hình này. Hiện tại, có trên 9.300 ha của hơn 1.800 hộ nuôi đã được các tổ chức quốc tế chứng nhận, trở thành vùng tôm nguyên liệu sinh thái đảm bảo các tiêu chuẩn kỹ thuật khắt khe.

Thu hoạch tôm dưới tán rừng, một trong những mô hình kết hợp hiệu quả nâng cao đời sống Nhân dân.

Theo báo cáo năm 2022 của huyện Ngọc Hiển thì năng suất bình quân của vùng nuôi tôm sinh thái đạt từ 200-220 kg/ha/năm, tăng từ 20-40 kg/ha/năm. Hiện huyện có 3 doanh nghiệp chế biến thuỷ sản tham gia phát triển nuôi tôm sinh thái, gồm Công ty Cổ phần Xã hội chuỗi tôm - rừng Minh Phú, Công ty Xuất nhập khẩu Thuỷ sản Camimex Cà Mau và Công ty Xuất nhập khẩu Thuỷ sản Seaprimexco Năm Căn. Mục tiêu đến năm 2025, huyện Ngọc Hiển phấn đấu tất cả diện tích tôm - rừng trên địa bàn huyện được các tổ chức chứng nhận đạt chuẩn nuôi tôm sinh thái.

Huyện Ðầm Dơi cũng là một trong những địa phương có thể phát huy thế mạnh về tôm sinh thái kết hợp trồng và khôi phục rừng. Ông Trương Việt Bắc, Phó trưởng ban Quản lý rừng phòng hộ Ðầm Dơi, cho biết, đã qua, công tác giao khoán đất rừng và phát triển các mô hình tôm - rừng đang phát huy hiệu quả, nâng cao đời sống Nhân dân trên địa bàn. Hiện Ban Quản lý rừng phòng hộ Ðầm Dơi quản lý tổng diện tích khoảng 9.000 ha, với trên 5.000 ha có cây rừng. Tuy xác định nhiệm vụ chủ yếu là bảo vệ và phát triển rừng, nhưng đơn vị cũng quan tâm phát triển đời sống Nhân dân với khoảng 1.048 hộ được giao khoán hơn 8.200 ha, bà con tập trung đầu tư sinh kế và tham gia tập huấn sinh kế: kỹ thuật trồng, chăm sóc rừng; nuôi tôm kết hợp trồng rừng…, từ đó cây rừng phát triển tốt, chất lượng, đồng thời nuôi tôm cũng đạt hiệu quả hơn.

“Hiện đơn vị cũng đã phối hợp thực hiện dự án tôm sinh thái với doanh nghiệp thuỷ sản, xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hướng đến vùng nuôi được chứng nhận tôm sinh thái với khoảng 1.200 ha, trên 500 hộ tham gia, từ đó nâng cao giá trị tôm”, ông Trương Việt Bắc thông tin.

Ông Trương Tấn Sĩ, ấp Hiệp Dư, xã Nguyễn Huân, huyện Ðầm Dơi, cho hay: “Trồng rừng và nuôi tôm kết hợp đang phát huy hiệu quả và người dân đang hướng đến hình thức này. Kết quả của việc này là người dân được hưởng lợi trước mắt cả nguồn lợi rừng và nguồn lợi tôm, cá dưới tán rừng. Ðối với mô hình tôm sinh thái, dù lạ, khó thực hiện vì mình phải thay đổi thói quen thả nuôi, giải pháp chăm sóc, nhưng chúng tôi vẫn sẽ thực hiện vì mục tiêu lợi nhuận và bền vững. Hiện diện tích nuôi của gia đình tôi theo hướng truyền thống từ 6,4 ha, thu nhập trung bình khoảng 60 triệu đồng/năm và khả quan sẽ nâng mức thu nhập lên theo hướng nuôi sinh thái”.

Theo báo cáo của ngành nông nghiệp tại hội nghị tổng kết năm 2022, Cà Mau đã và đang khai thác hiệu quả thị trường xuất khẩu tôm sinh thái vào các thị trường chính đều tăng cao so với cùng kỳ, như thị trường EU tăng gần 41%, Australia 85%, Canada tăng gần 23%, Hàn Quốc tăng 14%, Nhật Bản tăng hơn 13%... từ đó đưa kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đạt mốc 1,3 tỷ USD, vượt 13% kế hoạch, tăng 16,5% so với cùng kỳ năm 2021. Ðiều này cho thấy khả năng thích ứng của ngành xuất khẩu tôm, nhất là tôm sinh thái, đang dần được phát huy./.

Phong Phú

Các tin mới

 

Nhấn vào đây để xem các tin trước

Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang