Nguồn tin: Báo Vĩnh Long, 20/06/2023
Ngày cập nhật:
22/6/2023
Dừa nước có sức sống mãnh liệt, giữ đất bờ tốt nhờ bẹ, thân rộng, rễ mọc sâu. Trong ảnh: Mảng dừa nước ven rạch Mây Tức, huyện Vũng Liêm.
Sạt lở bờ sông ngòi, kinh, rạch hiện là vấn đề nan giải đối với nhiều địa phương ở vùng ĐBSCL (trong đó có Vĩnh Long) vì sạt lở ngày càng nhiều mà kinh phí đầu tư cho công tác phòng, chống thì hạn chế. Vì khó khăn đó, giải pháp sử dụng vật liệu tại chỗ hoặc trồng cây, cỏ chống sạt lở cần được quan tâm thực hiện để giảm bớt rủi ro, thiệt hại do thiên tai này gây ra.
Nơi nào có thể trồng cây, cỏ chống sạt lở?
Theo các chuyên gia của Viện Khoa học thủy lợi Miền Nam, tùy theo địa hình, địa chất và tốc độ sạt lở của bờ sông nơi bị sạt lở hoặc có nguy cơ sạt lở mà có giải pháp chống sạt lở khác nhau, không phải nơi nào bị sạt lở cũng xây kè hoặc trồng cây, cỏ được.
Một số nghiên cứu cho thấy, trồng cây, cỏ để chống sạt lở chỉ hiệu quả đối với bờ sông ngòi, kinh, rạch có tốc độ sạt lở yếu (dưới 2 m/năm). Sạt lở với tốc độ này thường xảy ra ở những sông nhỏ, kinh, rạch nội đồng nằm ngoài vùng đê bao bị bồi lắng, dòng chảy yếu, ít tàu ghe qua lại hoặc ở những đoạn sông, rạch, kinh bị giáp nước hay ở những bãi bồi trên các cồn, cù lao, bãi sông lớn và biện pháp chống sạt lở có thể áp dụng theo dân gian đã làm.
Cụ thể như: trồng cây, cỏ chắn sóng, giữ mé (gồm dừa nước, gừa, lau, sậy, bần, cỏ nga, dứa, mướp gai, mái dầm, ráng, ô rô, cóc kèn, rau muống, lục bình, điên điển…); hoặc sử dụng vật liệu tại chỗ để tấn mé như cọc tràm, tre đóng bên ngoài kết hợp tấn tre, me bồ, tấm bạt nilon, rồi lấp gạch vụn, bao cát, đá vào bên trong.
Biện pháp này có chi phí đầu tư thấp hoặc không có, chỉ tốn nhân công, vật liệu tại chỗ, phù hợp với vùng nông thôn. Tuy nhiên thời gian sử dụng không lâu, sau 2-3 năm phải tấn mé lại.
Tại những nơi sạt lở mạnh (từ 5m đến dưới 10 m/năm), thường xảy ra ở những tuyến sông lớn, kinh trục có dòng chảy mạnh, mái bờ gần thẳng đứng, nhiều tàu ghe qua lại (như sông Măng Thít, kinh Xã Tàu- Sóc Tro, sông Long Hồ, rạch Cái Cao…) thì áp dụng biện pháp xây dựng kè chống sạt lở kiên cố bằng bê tông cốt thép, bằng thép hoặc bằng vật liệu nhựa mới hiệu quả.
Đây là biện pháp tốn chi phí rất cao (từ hàng chục đến hàng trăm triệu đồng/1m dài kè), nhưng hiệu quả lâu dài, thường áp dụng ở các đô thị hoặc công trình trọng điểm về kinh tế- xã hội, quốc phòng- an ninh.
Đối với những nơi sạt lở rất mạnh (trên 10 m/năm) như tại khu vực sạt lở bờ tả sông Cổ Chiên, đoạn thuộc Tổ 9, Tổ 10, ấp Bình Thuận 1, xã Hòa Ninh (Long Hồ) vào ngày 5/12/2022 thì nên di dời dân, nhà cửa, công trình thì hơn... Chống sạt lở bằng trồng cây, cỏ hoặc xây kè sẽ không hiệu quả.
Để trồng cây, cỏ chống sạt lở hiệu quả
Đối với tỉnh Vĩnh Long, theo kinh nghiệm dân gian, những cây thích nghi tốt với điều kiện sông, rạch, thổ nhưỡng và có hiệu quả cao trong việc chống xói lở bờ sông được trồng nhiều là bần, dừa nước, lục bình. Có nơi còn ứng dụng cây mới như cỏ vetiver để chống xói lở.
Dừa nước là cây được trồng phổ biến và thích nghi tốt với vùng nước lợ, có nhiều ở các huyện Vũng Liêm, Trà Ôn, Tam Bình, Mang Thít. Cây có sức sống mãnh liệt, giữ đất bờ tốt nhờ bẹ, thân rộng, rễ mọc sâu. Tuy nhiên, dừa nước chỉ phát triển tốt ven những dòng kinh, rạch có mái bờ thoải, mái lài. Kinh, rạch bị nạo vét quá sâu, mái kinh dốc làm cho dừa nước chậm phát triển hoặc chết dần.
Cây bần mọc hoang hoặc được trồng nhiều ở những bãi bồi trên các cồn, cù lao, bãi sông lớn trên địa bàn tỉnh như sông Tiền, sông Hậu, sông Cổ Chiên và nhiều kinh, rạch lớn khác. Bần có tác dụng giữ đất và chắn sóng, chắn gió tốt nên hạn chế đáng kể sạt lở bờ sông cũng như nhà ở, công trình gần mảng bần mọc. Có thể trồng thêm dừa nước hoặc lục bình, cây cỏ khác dưới tán bần giúp tăng thêm tác dụng chắn sóng, sạt lở bờ.
Lục bình, bên cạnh có tác dụng chắn sóng, ngăn dòng chảy áp sát bờ, bảo vệ bờ sông mà còn được nhiều hộ ở nông thôn thu hoạch cọng lục bình làm nguyên liệu đan thảm mỹ nghệ xuất khẩu. Lục bình chỉ phát triển tốt ở sông, rạch luôn có nước, có độ chênh lệch thủy triều không lớn.
Cây không chịu được tác động của gió mạnh, dòng chảy xiết. Lục bình có hiệu quả bảo vệ bờ sông khi được trồng thành mảng lớn, dày đặc ven bờ sông, vì vậy phải cắm cọc, giăng dây hay làm hàng rào chắc chắn bao xung quanh mảng lục bình để giữ lục bình không bị trôi. Hư hàng rào, cọc chắn là lục bình trôi đi mất, không còn tác dụng giữ bờ. Nhiều nơi thất bại là do vấn đề này.
Cũng như 2 loại cây trồng trên, lục bình không nên trồng ở những tuyến kinh, rạch nội đồng trong vùng đê bao hoặc tại những đoạn kinh, rạch nằm ngoài vùng đê bao, có nhiều giáp nước, vì cây phát triển quá nhanh, mau làm bít kín lòng kinh, làm ô nhiễm môi trường nước và cản trở giao thông thủy, hạn chế tưới tiêu.
Cỏ vetiver, loài cỏ này được trồng ở ĐBSCL vào khoảng năm 2000, được xem như là một hàng rào bê tông “sinh học” chống lại xói mòn, sạt lở bảo vệ đất đai nhờ bộ rễ ăn sâu, chắc chắn của nó.
Năm 2005, Chi cục Thủy lợi tỉnh Vĩnh Long thực hiện dự án trồng cỏ vetiver ven hai bờ sông Ngãi Tứ- Đường Trâu (xã Ngãi Tứ và xã Tân Phú, huyện Tam Bình) với chiều dài khoảng 20.000m.
Kết quả cho thấy, cỏ trồng giữ được bờ bớt xói lở, nhưng không chống được sóng vỡ bờ, nhất là tại chỗ rễ cỏ tiếp giáp với tầng đất “gan rùa” (lớp phèn tiềm tàng) hoặc tầng đất sét cố kết. Đất bờ sông dễ bị sóng tàu gây xói lở kiểu “hàm ếch”, dễ bị sụt xuống sông. Từ đó, dự án không mở rộng trồng thêm nữa.
Các chuyên gia của Trường ĐH Cần Thơ khuyến cáo, nên đóng cừ tràm, tấn bao cát, tấn đá hộc ngay chỗ “hàm ếch” kết hợp trồng thêm thảm cỏ thủy sinh (lục bình, rau muống) ở bãi sông của bờ sông, bờ kinh thì tác dụng chống sạt lở sẽ hiệu quả cao hơn của cỏ vetiver.
Ở những nơi thích hợp, người dân và các tổ chức cần triển khai trồng thêm cây, cỏ hoặc dùng các vật liệu tại chỗ để tấn mé, giữ bờ, góp phần giảm thiểu sạt lở bờ sông trong điều kiện nguồn vốn đầu tư xây dựng công trình kè của Nhà nước, hộ gia đình còn khó khăn.
Bài, ảnh: TRUNG CHÁNH
- Kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại đặc sản
- Kỹ thuật trồng trọt cây ăn trái, rau màu và các loại cây lương thực, cây công nghiệp khác
Các tin mới
Kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.