Nguồn tin: Báo Bạc Liêu, 02/01/2023
Ngày cập nhật:
4/1/2023
Sống xanh, tiêu dùng xanh... đang dần trở thành xu thế của thời đại. Để bắt kịp và tạo ra các sản phẩm nông nghiệp phù hợp với nhu cầu của người tiêu dùng, trong những năm qua, Bạc Liêu đã và đang chú trọng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung ứng dụng công nghệ cao, hướng đến xây dựng ngành Nông nghiệp sạch và nông nghiệp hữu cơ.
Mô hình trồng dưa hấu theo hướng an toàn sinh học của HTX Quyết Tiến.
XU HƯỚNG CHUYỂN ĐỔI
Sản xuất xanh là quy trình sản xuất mà từ nguyên liệu đầu vào đến sản phẩm đầu ra đều thân thiện với môi trường và không gây nguy hại cho sức khỏe con người. Trước những tác động của biến đổi khí hậu, trong bối cảnh môi trường bị ô nhiễm nặng nề, các nguồn tài nguyên đang dần cạn kiệt…, thì sản xuất xanh là xu thế tất yếu.
Trong lần về thăm và làm việc với tỉnh Bạc Liêu cũng như tại các hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT - Lê Minh Hoan đã nhiều lần nhắc tới các yếu tố để phát triển nông nghiệp bền vững. Trong đó, việc chuyển đổi sản xuất sang nông nghiệp xanh, tiết kiệm chi phí là điều cần phải thực hiện. Và thực tế, nhiều địa phương, hợp tác xã (HTX) trong tỉnh đã chuyển hướng sang sản xuất xanh và mang lại hiệu quả bước đầu. Điển hình như mô hình canh tác lúa sử dụng phân bón hữu cơ của HTX Nam Hưng (xã Vĩnh Hưng, huyện Vĩnh Lợi); sản xuất và chế biến gạo an toàn sinh học của HTX Vĩnh Cường (xã Vĩnh Mỹ A, huyện Hòa Bình); trồng bắp, dưa hấu, mướp hương theo hướng an toàn sinh học của HTX Quyết Tiến (xã Vĩnh Phú Đông, huyện Phước Long); trồng rau an toàn của HTX 8/3 (xã Vĩnh Thanh, huyện Phước Long)… Bên cạnh đó, một số mô hình liên kết giữa các doanh nghiệp, HTX và nông dân đạt hiệu quả kinh tế cao gắn với đổi mới tổ chức sản xuất theo chuỗi từ khâu sản xuất đến khâu bảo quản, chế biến và tiêu thụ sản phẩm.
Với kinh nghiệm nhiều năm sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ, ông Trịnh Văn Cường - Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc HTX Vĩnh Cường, cho biết: “Sản xuất nông nghiệp tập trung và ứng dụng công nghệ tiên tiến đem lại hiệu quả cao gấp nhiều lần so với canh tác truyền thống. Bởi nhu cầu sử dụng các sản phẩm sạch, sản phẩm hữu cơ ngày càng tăng cao, trong khi nguồn cung ứng chưa đáp ứng đủ nhu cầu. Do vậy, việc liên kết, mở rộng diện tích sản xuất theo hướng hữu cơ là xu hướng tất yếu trong thời gian tới của HTX”.
Nông nghiệp xanh hướng đến nâng cao tính cạnh tranh của nông sản, phát triển công nghệ xử lý và tái sử dụng phụ phẩm, phế thải, ổn định kinh tế và giúp nông dân có chất lượng cuộc sống tốt hơn, bảo vệ các nguồn tài nguyên và hệ sinh thái nông nghiệp…, đảm bảo nông nghiệp bền vững trên cả trụ cột kinh tế - xã hội và môi trường, góp phần vào sự phát triển kinh tế xanh.
CẦN CÓ SỰ ĐỊNH HƯỚNG, HỖ TRỢ
Trên địa bàn tỉnh, việc hình thành và xây dựng các mô hình sản xuất theo hướng hữu cơ, bền vững thời gian qua được nhiều nông dân áp dụng. Song, do quy mô sản xuất nhỏ lẻ, manh mún nên giá thành của các sản phẩm sản xuất hưu cơ không thể cạnh tranh được với các nông sản cùng loại được sản xuất đại trà giá thành rẻ. Thế nên, dù có tâm huyết, có đặt nhiều kỳ vọng vào một mô hình sản xuất xanh, sản phẩm sạch cũng lại “dẹp bỏ” để trở về với phương thức sản xuất cũ. Mô hình trồng lúa thảo dược ở phường Láng Tròn (TX. Giá Rai), mô hình trồng cải rổ ở xã Hiệp Thành (TP. Bạc Liêu) là những minh chứng cụ thể.
Để nông nghiệp xanh trở nên bền vững, những cánh đồng “sạch” được nhân lên, chỉ sự vào cuộc của những chủ thể sản xuất là chưa đủ. Vấn đề được xem là rào cản hiện nay trong sản xuất nông nghiệp xanh là chi phí sản xuất và thị trường tiêu thụ. Ông Trần Văn Ngỗ - Giám đốc HTX Thanh Sơn (huyện Hòa Bình) chia sẻ: “Việc vay vốn đối với dự án nông nghiệp hữu cơ dù có những ưu đãi về lãi suất, nhưng kinh phí đầu tư lớn, nguồn vốn tín dụng ưu đãi khó có thể đáp ứng được đầy đủ và kịp thời, dẫn đến nhiều cánh đồng đầu tư dở dang”.
Bên cạnh cơ chế thúc đẩy các mô hình nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp hữu cơ, nông dân cần tập trung vào nâng cao giá trị, hiệu quả của các mặt hàng mình sản xuất ra. Thực hiện liên kết, liên doanh tạo ra một vòng khép kín từ sản xuất giống, gieo trồng, thu hoạch, chế biến và cung ứng ra thị trường, đủ sức tạo niềm tin cuốn hút người tiêu dùng. Để nông nghiệp xanh “bén rễ” thật sự trên đồng đất Bạc Liêu, cần có cái nhìn đồng nhất giữa người sản xuất và người tiêu dùng.
CHÍ LINH
- Kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại đặc sản
- Kỹ thuật trồng trọt cây ăn trái, rau màu và các loại cây lương thực, cây công nghiệp khác
Các tin mới:
Kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.