Nguồn tin: Báo Cần Thơ, 06/10/2024
Ngày cập nhật:
8/10/2024
Tại xã Định Môn thuộc huyện Thới Lai, TP Cần Thơ hiện có một vùng trồng nhãn Ido tập trung giúp mang lại thu nhập cao cho nhiều hộ dân và nhãn trồng ở đây được nhiều người biết đến với tên gọi nhãn Ido Đồng Tâm. Lão nông Nguyễn Văn Triều chính là người đã góp công lớn trong thúc đẩy liên kết sản xuất, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm và hình thành nên thương hiệu nhãn Ido Đồng Tâm. Nhờ trồng nhãn Ido, ông Triều và nhiều hộ dân tại Định Môn cũng có điều kiện nâng cao thu nhập vươn lên làm giàu trên chính quê hương mình.
Ông Nguyễn Văn Triều tại vườn nhãn của một xã viên HTX Ðồng Tâm.
Trước đây gia đình ông Nguyễn Văn Triều cùng nhiều hộ dân ở ấp Định Khánh A, xã Định Môn chủ yếu sinh sống dựa vào cây lúa. Tuy nhiên, vùng đất này khá trũng thấp, không phù hợp cho canh tác lúa nên năng suất đạt rất thấp và giá bán lúa cũng không cao. Do vậy, dù thâm canh tăng vụ, quanh năm phải “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”, nhưng thu nhập lại không được bao nhiêu.
Từ những năm 2014-2015, gia đình ông Triều và một số hộ dân khác tại địa phương có dịp đi tham quan, học tập kinh nghiệm trồng cây ăn trái tại tỉnh Tiền Giang và đã thấy nhiều hộ dân nơi này có thu nhập rất tốt từ cây nhãn Ido. Loại nhãn Ido gần như không bị bệnh chổi rồng như giống nhãn tiêu da bò mà người dân tại nhiều nơi đang trồng vào thời điểm đó. Thế là giống nhãn Ido đã được đưa về trồng tại ấp Định Khánh A và một số ấp lân cận thuộc xã Định Môn.
Cây nhãn Ido trồng tại vùng đất địa phương tỏ ra rất phù hợp, cây phát triển rất tốt, cho trái đạt năng suất, chất lượng cao, giá bán rất tốt. Nhiều bà con nông dân trong vùng quyết định đầu tư, mở rộng diện tích. Từ đó, diện tích trồng nhãn liên tục tăng và đến nay đã hình thành được vùng chuyên canh trồng nhãn Ido với diện khá lớn, giúp mang lại thu nhập cao cho nhiều hộ dân. Riêng gia đình ông Triều có 25 công đất trồng nhãn Ido, nhãn tại vườn của ông đã cho thu hoạch trái được từ 5-6 năm trở lên. Nhờ trồng nhãn, gia đình ông đã có thu nhập cao gấp nhiều lần so với trước đây làm lúa.
Ông Nguyễn Văn Triều cho biết: “Bắt đầu trồng nhãn Ido từ năm 2015, lúc đầu tôi chỉ chuyển 7 công ruộng lên trồng nhãn, diện tích còn lại tôi tiếp tục canh tác lúa. Tuy nhiên, sau khi thấy cây nhãn Ido phù hợp với vùng đất tại địa phương và cho hiệu quả kinh tế cao, tôi quyết định chuyển tất cả diện tích đất của gia đình mình sang trồng nhãn. Với năng suất nhãn đạt từ 1,5-3 tấn/công trở lên, nông dân có thể kiếm lời từ 60-70 triệu đồng/công/năm, nhất là khi trước đây nhãn Ido bán được giá lên đến 25.000-30.000 đồng/kg, thậm chí cao hơn. Còn thời gian gần đây, đặc biệt là từ sau đại dịch COVID-19, giá nhãn Ido không còn cao như những năm đầu mới trồng nhưng người trồng nhãn vẫn có thể kiếm được lợi nhuận khoảng 30-40 triệu đồng/công/năm. Mức thu nhập này đã cao hơn rất nhiều so với việc canh tác nhiều loại cây trồng khác”.
Để cây nhãn Ido “bám chân” được trên vùng đất trũng thấp tại địa phương và cho những mùa quả ngọt, bản thân ông Triều cùng các hộ dân tại địa phương cũng phải nỗ lực rất nhiều trong áp dụng khoa học kỹ thuật và các kiến thức, kinh nghiệm hay vào sản xuất. Đồng thời, quan tâm tăng cường liên kết, hỗ trợ nhau trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Cũng chính nhờ liên kết sản xuất, hình thành vùng trồng nhãn tập trung gắn với việc thành lập tổ hợp tác rồi tiến lên thành lập hợp tác xã (HTX) Đồng Tâm mà trái nhãn Ido của địa phương đã được nhiều người biết đến và được đẩy mạnh tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Ông Triều chính là người đã góp công lớn trong việc thúc đẩy liên kết giữa các hộ dân để hình thành nên thương hiệu nhãn Ido Đồng Tâm.
Năm 2017, Tổ hợp tác sản xuất nhãn Ido Đồng Tâm ra đời, với 35 thành viên, canh tác gần 43ha nhãn Ido. Với vai trò làm Tổ trưởng của tổ hợp tác, ông Triều đã tăng cường liên kết giữa các hộ dân, đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP và Global GAP.
Với bản tính cần cù, chịu khó và nhạy bén trong nắm bắt, áp dụng các kiến thức, kinh nghiệm hay và cách làm hiệu quả vào việc canh tác nhãn Ido, ông Triều đã hỗ trợ rất nhiều cho bà con tại địa phương trong nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Hướng dẫn, tổ chức cho bà con nông dân trong tổ hợp tác thực hiện xử lý cho nhãn ra trái rải vụ để canh bán vào các thời điểm có đầu ra sản phẩm tốt. Mặt khác, tích cực kết nối với các đơn vị, doanh nghiệp và các bên có liên quan để tăng cường quảng bá cho sản phẩm, thúc đẩy mở rộng thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu, cũng như xây dựng thương hiệu cho sản phẩm.
Từ sự chủ động đó, tháng 9-2019, tổ hợp tác tự tin xây dựng nhãn hiệu và được Cục Sở hữu trí tuệ cấp chứng nhận bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa nhãn Ido Đồng Tâm. Với nhiều hoạt động hiệu quả và thiết thực, tổ hợp tác đã thu hút được nhiều nông dân tham gia, tăng quy mô lên 39 thành viên, với hơn 147ha trồng nhãn.
Xuất phát từ yêu cầu phát triển sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, năm 2020, UBND xã Định Môn đã quyết định thành lập HTX nhãn Ido Đồng Tâm, với 13 thành viên canh tác 24ha nhãn Ido và Chi hội nghề nghiệp nhãn Ido Đồng Tâm, gồm 39 thành viên trồng hơn 147ha nhãn Ido.
Từ khi thành lập HTX tới nay, ông Triều tiếp tục tích cực tham gia các hoạt động của HTX và đảm nhiệm vai trò Phó Giám đốc của HTX. Dù đã gần 70 tuổi nhưng ông Triều vẫn luôn năng nổ với các hoạt động của HTX, nhất là việc kết nối với các doanh nghiệp để mở rộng thị trường xuất khẩu cho trái nhãn Ido tại địa phương. Hướng dẫn bà con nông dân trong quảng bá sản phẩm, tuân thủ nghiêm các quy định về sản xuất đảm bảo chất lượng, an toàn, đạt theo các tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt để có đầu ra thuận lợi. Đồng thời, thực hiện xử lý nhãn cho ra trái rải vụ phù hợp. Ðây cũng là giải pháp giúp nông dân HTX không phải thu hoạch nhãn tập trung đồng loạt cùng một thời điểm, hạn chế được tình trạng “rộ mùa, rớt giá”. Nhiều nông dân HTX có diện tích trồng nhãn lên đến vài héc-ta, nông dân thường chia các diện tích ra để xử lý cho ra trái rải vụ nhằm có nhãn bán vào nhiều thời điểm khác nhau.
Hiện HTX Ðồng Tâm đã liên kết được với các doanh nghiệp như Công ty Chánh Thu, Vina T&T… để đưa trái nhãn Ido xuất khẩu sang Trung Quốc và nhiều thị trường khó tính như Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Canada và nhiều nước châu Âu. Nhãn Ido của HTX cũng đã được UBND TP Cần Thơ công nhận sản phẩm OCOP 4 sao.
Nhãn Ido trồng tại Định Môn không chỉ cho năng suất trái rất cao mà trái nhãn còn có màu sắc đẹp, trái to, cơm dày và hạt nhỏ, ăn ngon, được người tiêu dùng ưa chuộng. Theo ông Triều, để trồng nhãn đạt hiệu quả trên vùng đất trũng thấp, bà con tại địa phương đã nghiên cứu, học tập kinh nghiệm ở nhiều nơi để thiết kế bờ liếp trong vườn cây thật hợp lý, chú ý làm mương rộng, với biên độ khoảng 5-6m để đảm bảo bờ luôn cao ráo. Qua đó, cũng giúp chủ động nước tưới tiêu và tránh đào mương quá sâu xuống tầng đất ít dưỡng, không phù hợp cho cây trồng. Tăng cường sử dụng các loại phân bón hữu cơ để cây phát triển bền vững, cho trái ăn bền.
Bài, ảnh: KHÁNH TRUNG
- Kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại đặc sản
- Kỹ thuật trồng trọt cây ăn trái, rau màu và các loại cây lương thực, cây công nghiệp khác
Các tin mới:
Kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.