Nguồn tin: Báo Lâm Đồng, 09/09/2024
Ngày cập nhật:
10/9/2024
Hòa Nam, vùng đất nổi tiếng với cây sầu riêng của Di Linh (tỉnh Lâm Đồng) đang cố gắng xây dựng thêm nhiều sản phẩm OCOP cho nông sản. Trong đó, có một tổ hợp tác đang hướng mục tiêu chăn nuôi an toàn, xây dựng sản phẩm trứng gà OCOP đặc trưng.
Khu vực chăn nuôi gà trắng Ai Cập của gia đình ông Nguyễn Văn Dần
Ông Nguyễn Văn Dần, nông dân xã Hòa Nam, huyện Di Linh cho biết, gia đình ông đã có kinh nghiệm hơn 10 năm chăn nuôi gà. Ông chia sẻ, trước năm 2018, gia đình ông nuôi gà thịt. Sau đó, nhận thấy thị trường trứng gà ổn định, thu nhập đều đặn, ông đã chuyển hướng sang nuôi gà lấy trứng. Theo ông, nuôi gà lấy trứng có thể giảm rủi ro cho người nông dân do nhu cầu trứng của thị trường luôn cao. Nếu có đợt trứng giá thấp, đợt sau trứng tăng giá sẽ bù lại được. Còn với con gà thịt, nếu gặp dịch hoặc đúng thời điểm thị trường giảm giá, người nông dân sẽ thiệt hại khá lớn.
Trong trại gà của gia đình, ông Nguyễn Văn Dần chia thành hai loại gà khác nhau, giống gà đỏ CP và gà trắng Ai Cập. Ông cho biết, gà đỏ CP, trứng thường có vỏ màu nâu, chuyên cung ứng cho thị trường theo dạng cân ký. Còn gà trắng Ai Cập, trứng gà có màu trắng, được thị trường chấp nhận theo dạng đếm trái, giá cao hơn trứng gà đỏ. Ông cho biết, nuôi gà đỏ CP hay nuôi gà trắng Ai Cập đều áp dụng kĩ thuật tương tự nhau, người nông dân cần chú trọng tới vấn đề vệ sinh môi trường, cung cấp cho gà thức ăn, nước uống đầy đủ, dọn dẹp thường xuyên. Ông cho biết, gà của gia đình ông mua là gà hậu bị 16 tuần tuổi. Chỉ sau khi bắt về ba tuần, gà bắt đầu đẻ trứng. Sau hai tháng, tỷ lệ gà đẻ ổn định ở mức 90%. Theo ông Nguyễn Văn Dần, thị trường trứng gà có lên, có xuống nhưng do được thu hằng ngày nên dù giá lên hay giảm xuống, người nông dân vẫn có thu nhập ổn định. Đặc biệt, nuôi gà còn thu được lượng phân, chất thải từ chuồng trại, nông dân có thể ủ làm phân hữu cơ sử dụng cho gia đình hoặc đóng bao bán trên thị trường. Đây cũng là một nguồn thu ổn định cho gia đình ông. Hiện tại, nhu cầu phân gà trên thị trường rất cao. Bản thân gia đình ông, lượng phân gà chủ yếu được ủ thành phân hữu cơ sử dụng cho vườn cà phê, sầu riêng của gia đình, giảm chi phí rất lớn cho người nông dân. Ông Dần đánh giá: “Phân gà được nông dân rất chuộng. Bản thân nhà tôi, chi phí phân bón phải giảm được 40% do có lượng phân chuồng tự ủ từ phân gà. Những đợt giá trứng thấp, nông dân chăn nuôi thu chủ yếu từ nguồn phân”.
Không dừng lại ở làm ăn đơn lẻ, ông Nguyễn Văn Dần đang cùng một số nông dân trên địa bàn chung chí hướng nuôi gà xây dựng thành tổ hợp tác. Tổ hợp tác được đặt với cái tên Tổ hợp tác Hợp Phát, mơ ước của những người nông dân trông đợi sự phát triển. Gia đình ông Vũ Đình Nghị, Thôn 1, Hoà Nam cũng chọn chăn nuôi gà CP đỏ và gà trắng Ai Cập. Theo ông Nghị, cùng chăn nuôi một chủng loại gà, các thành viên trong tổ sẽ dễ hỗ trợ nhau về kĩ thuật, về giống cũng như đạt sản lượng trứng ổn định, giúp người nông dân tăng sức cạnh tranh trên thị trường. Các kĩ thuật chăn nuôi, tiêm chủng, cung cấp vitamin… cho gà được thành viên tổ hợp tác hợp tác chia sẻ thường xuyên. Khi gà xảy ra những tình trạng lạ, bỏ ăn, bị bệnh, các thành viên đến xem trực tiếp và đưa ra những kinh nghiệm để chủ trại có thể áp dụng cho đàn gà gia đình. Ông Nghị cũng cho biết, khi gà được 12 tháng tuổi, tỷ lệ gà đẻ sẽ giảm dần và cần thay lứa gà đẻ mới. Trong thời gian trại ngừng cung cấp trứng để thay gà đẻ, thương lái sẽ bị mất nguồn hàng. Nhờ có tổ hợp tác và các thành viên cùng chăn nuôi, nguồn trứng được cung cấp thường xuyên, liên tục, đảm bảo nguồn hàng lâu dài cho nông dân Hòa Nam. Đây cũng là thế mạnh để thương lái gắn bó lâu dài với tổ hợp tác.
Bà Ngô Thị Luyến - Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Hòa Nam cho biết, xã luôn khuyến khích, động viên bà con xây dựng các chứng chỉ chăn nuôi an toàn, xây dựng các tổ hợp tác, hợp tác xã. Bà Ngô Thị Luyến chia sẻ, làm ăn tập thể sẽ giúp từng nông hộ nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường, đảm bảo đầu ra thường xuyên cho nông sản. Hiện tại, UBND xã Hòa Nam đang quyết tâm xây dựng sản phẩm trứng tươi của Tổ hợp tác Hiệp Phát trở thành sản phẩm OCOP. Xã đang giúp Tổ hợp tác chăn nuôi gà Hợp Phát xây dựng quy trình chăn nuôi VietGAP cho gà đẻ trứng nhằm mục tiêu sản xuất sản phẩm trứng tươi đạt tiêu chuẩn, sẵn sàng xây dựng thương hiệu, tiến tới những thị trường cao cấp hơn, mang lại thu nhập bền vững cho người chăn nuôi.
D.QUỲNH
- Kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại đặc sản
- Kỹ thuật trồng trọt cây ăn trái, rau màu và các loại cây lương thực, cây công nghiệp khác
Các tin mới:
Kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.